Đầu tư cả chục tỷ đồng cho căn nhà và vườn cây tại Ba Vì (Hà Nội) nhưng chỉ 3 năm sau, ông Nguyễn Hữu Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải ngậm ngùi rao bán.
"Tôi đã từng nghĩ đến viễn cảnh cuối tuần cùng cả gia đình trở về ngôi nhà thứ 2 nghỉ dưỡng nên đã quyết định mua lô đất lớn ở Ba Vì. Nhưng 3 năm sau, chi phí chăm sóc căn nhà còn tốn hơn cả chi phí đi nghỉ dưỡng nơi khác. Chưa kể, quanh quẩn mãi một không gian cũng khiến những đứa trẻ nhàm chán. Thế nên, tôi đã quyết định không giữ nhà" – ông Hưng chia sẻ về quyết định bán farmstay.
Cũng như ông Hưng, năm 2020, khi bạn bè xung quanh ai đổ xô để sở hữu một ngôi nhà thứ 2 ở Hòa Bình, chị Phạm Nhung (Hà Nội) mạnh dạn mua một lô đất lớn ven hồ (Hoà Bình) với mức giá 1,2 tỷ đồng trong kỳ vọng, cuối tuần cùng gia đình và bạn bè tới ngắm hồ, nướng BBQ, còn những ngày khác sẽ cho sinh viên thuê trải nghiệm.
Chị kể, ban đầu, nghe lời quảng cáo của môi giới, chị tin rằng, với mức giá 500.000 đồng – 800.000 đồng/đêm có thể dễ dàng tìm được người thuê. Khoản tiền này có thể bù đắp chi phí vận hành, nhưng thực tế, đúng thời điểm dịch, dù đăng tải trên nhiều kênh thông tin nhưng lượng khách đến thuê căn nhà của chị để trải nghiệm gần như bằng 0.
Ngay cả đến gia đình chị, do bận rộn công việc nên cũng không thể dành nhiều thời gian để nghỉ dưỡng tại căn nhà thứ hai như dự tính ban đầu. Đến hiện tại, chị Nhung đang nhờ môi giới rao bán lại quỹ đất này.
Thông tin rao bán nhà vườn tại Sóc Sơn (Hà Nội) trên diễn đàn bất động sản.
Một khảo sát sơ bộ cho thấy, kể từ thời điểm dịch bệnh, lượng rao bán cắt lỗ nhà vườn gia tăng trên mạng xã hội và website mua bán bất động sản. Theo chia sẻ của một quản trị viên diễn đàn bất động sản tại Sóc Sơn, lượng rao bán nhà vườn tăng gấp 2, 3 lần so với thời điểm trước dịch. Đa phần thông tin đều quảng cáo là "rao bán cắt lỗ".
Lý giải về làn sóng rao bán "farmstay", ông Trần An (người sống ở Hà Nôi hơn 20 năm và cũng là nhà đầu tư farmstay cho rằng, có nhiều lý do khiến nhiều người Hà Nội "cả thèm chóng chán".
Thứ nhất, vướng mắc thủ tục pháp lý như mua phải đất rừng, đất tranh chấp và muốn bê y nguyên hoặc bê đồ cũ ở ngôi nhà đang ở lên farmstay là lý do khiến nhiều người bỏ cuộc. Đất rừng hoặc đất tranh chấp không thể xây thì tất nhiên sẽ phải bán, thậm chí bán rẻ đi. Làm một căn nhà giống nhà đang ở và không tiện nghi bằng thì không có lý do gì để về ở cả. Cuối cùng sẽ phải bán.
Thông tin rao bán đất vườn tại Hòa Bình
Một lý do khác mà ông An đưa ra, đó chính là khoảng cách quá xa cũng là lý do dễ bỏ cuộc. Làm nhà thứ 2 có nghĩa là phải có nhà ở phố, công việc ở phố. Thế nên phải gần, có thể đi về trong ngày, thậm chí là trong buổi. Với tôi, Lương Sơn đáp ứng được điều này.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Quân (Hà Nội) nhấn mạnh: "Giữa kỳ vọng và thực tế bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Chính xác là có rất nhiều người về làm farm, về làm homestay, hào hứng được thời gian đầu rồi bỏ bê, cuối cùng là bán".
Tại một tọa đàm diễn ra trước đó ở Hà Nội, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô từng lý giải về xu hướng bỏ nhà vườn của nhiều người. Theo ông Trung, ban đầu, chủ sở hữu rất muốn làm mô hình nông trại, vườn cây để nghỉ ngơi thư giãn sau một thời gian dài làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, sau này, họ không có sức người, sức của và thời gian để làm nông nghiệp. Đó chính là lý do khiến họ "cả thèm chóng chán" và xu hướng mua đất tự làm nhà vườn nhanh chóng lụi tàn.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngoan (nhà đầu tư Hà Nội) lại cho rằng, nhiều người mua farmstay với mục đích đầu tư. Họ là nhóm người ôm rất nhiều lô đất đẹp. Thế nên, họ chỉ hướng tới bài toán mua đi bán lại. Một số nhà đầu tư rất thức thời khi mua đất vườn, rồi trồng cây, xây nhà sau đó chuyển nhượng lại cho khách ở Hà Nội. Đấy cũng là một cách kiếm tiền.
"Làn sóng bỏ farmstay là chuyện tự nhiên trên thị trường khi có người mua thì có người bán. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư nắm bắt được tâm lý, nhu cầu mua nhà vườn trong thời điểm hiện tại nên tận dụng thị trường tốt để đẩy hàng" - ông Nguyễn Ngoan nhấn mạnh.
Nguyễn Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
Tin nổi bật Bất động sản