Chuyên đề: Môi giới bất động sản Mỹ

Cách thức giao dịch bất động sản của Mỹ khác với nhiều quốc gia. Mỗi tiểu bang tại Mỹ có bộ quy tắc, luật lệ riêng về việc mua bất động sản, bao gồm loại hợp đồng mua bán được sử dụng, phương thức hoàn tất thủ tục mua bán và đôi khi, cả nhiệm vụ và chức danh của các cá nhân liên quan tới quá trình này.

Tại Mỹ, thông tin về bất động sản phải được đảm bảo giống nhau và rõ ràng, dù được chia sẻ bởi các đơn vị môi giới khác nhau. Quy định này giúp thị trưởng bất động sản ổn đinh và bản thân người tiêu dùng có thể tự tìm hiểu thông tin đó bằng các trang web bất động sản như Zillow.com hoặc truy cập dữ liệu trên MLS (multiple listing system).

Ở nhiều nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như tại Việt Nam, thông tin về thị trường bất động sản rất nhiễu loạn và người mua phải đi tham khảo nhiều đại lý để mua bất động sản.

Tại Mỹ, tất cả các thành phần tham gia vào một giao dịch bất động sản đều phải có giấy phép hoạt động. Giấy phép hoạt động môi giới của mỗi tiểu bang có sự khác nhau về yêu cầu trình độ học thức, mức độ khó của các kỳ thi cấp phép, và các khóa đào tạo bắt buộc sau khi một đơn vị môi giới được cấp phép.

Hệ thống cấp phép được thiết kế để đảm bảo các cá nhân hay tổ chức môi giới bất động sản có đủ điều kiện để hướng dẫn người mua tìm kiếm, đánh giá và đảm bảo đủ khả năng tài chính để giao dịch bất động sản. -

Ở Việt Nam “người giới thiệu”, “người dắt mối” hay “người bán hàng bất động sản dự án” nói chung đều được hiểu là “môi giới” bất động sản, nhưng tại Mỹ công việc này có sự phân biệt rõ rệt.

Tại Mỹ, “người bán bất động sản dự án” được gọi là “salesperson”. Salesperson không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng cũng được đào tạo qua các khoá học bài bản. Một cấp độ cao hơn là “real estate agent”. Real estate agent bắt buộc phải có “licence” mới được phép tham gia hành nghề.

Ở Mỹ, “môi giới” được hiểu là “broker”, là người được đào tạo một cách khắt khe và bài bản, có thể tham gia xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật cao hơn của một giao dịch. Broker được cấp giấy phép có thể làm việc độc lập hoặc mở công ty môi giới và thuê các “real estate agent” về làm việc cho mình.

Mỗi bang ở Mỹ có những quy định khác nhau về cấp “licence”, không phải quy định chung từ chính phủ liên bang. Nhìn chung, để trở thành một “môi giới bất động sản” ở Mỹ phải cần các điều kiện sau:

Bạn phải là một “real estate agent” làm việc cho công ty môi giới bất động sản ít nhất hai năm tùy từng bang. Các môn học mà “real estate agent” phải học để được cấp chứng chỉ bao gồm: pháp lý, đạo đức nghề nghiệp, tài chính, hợp đồng, các vấn đề về thuế và các vấn đề về bảo hiểm.

Sau khi “real estate agent” làm việc cho các công ty môi giới và muốn trở thành “broker” thì họ phải tiếp tục tham gia các khoá học giống như khoá học của “real estate agent” như tài chính, các vấn đề về thuế. Ngoài ra, broker còn phải học thêm các khoá học về luật áp dụng cho công ty bất động sản, đầu tư bất động sản, xây dựng, luật kinh doanh bất động sản, quản lý tài sản…

Sau khi đậu kỳ thi sát hạch và để chứng chỉ hành nghề có hiệu lực thì “broker” còn phải làm việc cho các công ty môi giới bất động sản ít nhất là 1 đến 3 năm tuỳ theo quy định của tiểu bang đó. Cuối cùng chứng chỉ hành nghề mới chính thức có hiệu lực.

Mỗi môi giới đều có một mã số hành nghề đi kèm. Trong mỗi giao dịch bất động sản đều có mã số hành nghề của người môi giới trong hợp đồng thể hiện trách nhiệm của người môi giới trong giao dịch bất động sản. Nếu vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, môi giới đó sẽ bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, để tăng sự chuyên nghiệp và sự tin tưởng của khách hàng, các môi giới có thể gia nhập “Hiệp hội các nhà môi giới Bất động sản Mỹ” (National Association of Realtors - NAR) để trở thành “Đơn vị môi giới chuyên nghiệp” (Realtors).

Tính đến năm 2017, thành viên của NAR đã tăng lên hơn 1,3 triệu. Đây là hiệp hội thương mại lớn nhất nước Mỹ, bao gồm các nhà môi giới, thẩm định viên, tư vấn viên... trong ngành bất động sản. Các thành viên của NAR thuộc một hoặc nhiều hiệp hội địa phương trên toàn nước Mỹ và tại 66 quốc gia khác nhau.

Các bài viết liên qua đến Chuyên đề: Môi giới bất động sản Mỹ