Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Mỏi mòn chờ người "chốt"
Đã tròn 1 năm kể từ ngày ôm lô đất nền ở Bắc Giang, chị Lê Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mỗi khi nhắc đến thương vụ đầu tư mạnh tay lại lắc đầu ngao ngán vì chán nản. 1 năm qua, cũng là khoảng thời gian chị tìm cách đẩy lô đất nền trị giá 1,2 tỷ nhưng chưa tìm được khách "chốt". Dù được mua với giá ưu đãi thấp hơn so với mặt bằng thị trường khi đó, đúng thời điểm đất Bắc Giang sốt xình xịch và đến hiện tại, chấp nhận bán lãi 15% để bù đắp chi phí vay ngân hàng, đi lại nhưng chị Hương không tìm được mua.
"Mọi người cứ bảo tăng giá bất động sản, nhất là đất nền. Không biết sốt ở đâu, tăng gía bao nhiêu? Tôi chỉ biết, tôi bán bằng giá thị trường cách đây 1 năm mà đến hiện tại không có khách mua. Môi giới nào cũng bảo rằng, thị trường hiện tại đang khó. Người mua ít. Có vài khách hỏi, nhưng họ chỉ hỏi sau đó bặt vô âm tính", chị Hương than thở.
Theo chị Hương, khoản tiền lãi ngân hàng mà chị vay đầu tư đất đã bắt đầu tăng do hết thời gian ưu đãi lãi suất. "Càng ngày tôi càng áp lực với chi phí vốn vay quá cao. Tôi chỉ mong sớm bán được lô đất, thu hồi nợ để trả hết ngân hàng".
Rơi vào tình cảnh tương tự như chị Hương, anh Thuận (Linh Đàm, Hà Nội) cũng có căn nhà phố 5 tầng, án ngữ ngay vị trí sát hồ, đường rộng. Trước đó, anh Thuận mua căn nhà phố này có giá 6 tỷ đồng. Mức giá mà anh rao cách đây 6 tháng là 17 tỷ đồng. Nghe môi giới xung quanh nói, giá khu vực xung quanh căn nhà phố của anh đều dao động 16-20 tỷ đồng. Nghĩ sẽ thu hồi khoản tiền lớn vì giá đã tăng gần gấp 3, nhưng điều đáng nói, đến hiện tại, anh Thuận chưa tìm được khách chốt.
"Trước Tết, một khách trả tôi 14 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Sau đó, có người đến xem và trả thành 14,5 tỷ đồng nhưng tôi cũng không bán vì thấy thấp hơn giá thị trường. Từ Tết đến giờ, chưa thấy có ai đến xem nhà và hỏi mua thêm dù tôi đã đẩy thông tin cho môi giới ở khu vực xung quanh và nhờ bạn bè hỗ trợ", anh Thuận chia sẻ thêm.
Theo anh Thuận: "Đợt trước tôi khoe với mọi người rằng, nhà tôi tăng tận 3 lần. Giờ rao mãi không ai mua. Đúng thật là không nên tin vào giá tăng bao nhiêu mà quan trọng là có khách mua. Nhiều người cứ bảo giá bất động sản tăng gấp 2, gấp 3 nhưng thực tế chả ai mua".
Giá bất động sản tăng, người bán gặp khó
Theo các chuyên gia, giá bất động sản tăng nhưng thực tế lượng giao dịch lại thấp. Nguyên nhân là bởi ảnh hưởng của dịch khiến cho thu nhập của người mua giảm.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá bất động sản một số nơi tăng quá ảo, gấp 3, 5 lần. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã thông thái hơn, biết phân tích nhìn nhận khu vực nào tăng đúng giá trị, khu vực nào không. Thế nên, theo ông Đính, nếu tăng giá ảo thì người mua sẽ không xuống tiền. Thực tế, giao dịch thật ở nơi giá tăng quá mạnh lại không hề có.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy". Giá bất động sản ghi nhận tăng nhưng giao dịch thực tế lại thấp. Diễn biến trái chiều này có thể gây tâm lý kỳ vọng quá đà của nhà đầu tư vào mức lợi nhuận bất động sản. Nhiều người bất chấp vốn mỏng, sử dụng đòn bẩy tài chính để vào hàng. Những tưởng, bất động sản tăng thêm vài giá và chốt lời nhưng ngay cả bán bằng giá thị trường, việc tìm người mua cũng không hề dễ dàng. Nguy cơ phải chống chọi với khoản lãi vay ngân hàng gia tăng là điều đã và có xu hướng lan rộng trong giới các nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ở khía cạnh khác, giá bất động sản tăng quá mạnh còn khiến cho người có nhu cầu mua nhà ở thực khó tiếp cận. Bởi lẽ, dịch bệnh làm cho thu nhập của người mua nhà giảm. Họ khó có thể mua được nhà với mức giá tăng đến bằng lần so với thời điểm cách đây 2-3 năm. Điều này cũng tạo nên áp lực cho nhà đầu tư đang ôm đất khi lực cầu có phần giảm từ nhóm mua nhà ở thực.
Theo Việt Khoa
Tin nổi bật Bất động sản