Ngoài nguyên nhân về thông tin quy hoạch, tiền rẻ, đầu tư theo hiệu ứng đám đông… thì có một thực tế không thể phủ nhận là động thái "mạnh mẽ" của nhà đầu tư F0 cũng góp phần tại nên cơn sốt BĐS.
Theo một chuyên gia trong ngành, đa số F0 tham gia thị trường đất nền thời điểm này là những nhân tố đột biến sau khi họ "càn quét" thị trường chứng khoán thành công.
Theo đó, các nhà đầu tư này chuyển một phần dòng tiền của mình sang BĐS, phần còn lại đầu tư ngược lại chứng khoán. Động thái nhắm vào BĐS của những nhà đầu tư F0 đang thể hiện rõ nét trên thị trường BĐS hiện nay.
F0 được xem là những đối tượng ít kiến thức về BĐS nhưng lại rất liều lĩnh. Theo cách các chuyên gia nói, họ là những người có trạng thái "hồ hởi" vào thị trường và mang theo tâm trạng tự tin "chơi đâu thắng đó".
Dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BĐS, nhưng đối tượng này có thể săn cả đất vườn, đất trồng cây lâu năm, BĐS nghỉ dưỡng…ở các thị trường được xem là tiềm năng.
Hiện F0 đang từng bước chuyển dần dòng tiền từ kênh khác sang BĐS. Chẳng hạn, chứng khoán đang hấp dẫn, NĐT F0 sẽ lấy một phần vốn và lợi nhuận thắng chứng khoán để bỏ vào BĐS, nếu có rủi ro thì vẫn còn vốn. Họ là những NĐT hân hoan, hồ hởi, có đà thắng chứng khoán, sẽ bỏ tiền vào BĐS.
Còn theo quan điểm của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, những nhà đầu tư mới F0 này có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là đã có nhà và đang dôi dư một khoản tiền mặt được tích lũy từ lâu nay, thường có chút kinh nghiệm. BĐS nhóm này ưa thích là đất nền vùng ven ở các tỉnh với giá trị vừa phải. Nhóm thứ hai là chưa có nhà nhưng họ chấp nhận ở nhà thuê để tiền đi đầu tư BĐS. Ví dụ như những bạn trẻ đang có khoản tiền từ vài trăm đến 1 tỷ đồng, mua BĐS và thường họ kỳ vọng rất lớn về việc tăng giá 20 - 30% sau 1 năm.
Hiện vẫn chưa có một thống kê nào chính xác, đầy đủ về lượng nhà đầu tư mới vào thị trường này. Tuy nhiên, theo một số phân tích, đây chính là đối tượng góp phần khiến thị trường BĐS nóng lên.
Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, khoảng 30-40% lực cầu đầu tư ngoài ngành vào BĐS tại Tp.HCM đến từ F0. Các giao dịch chủ yếu là đầu tư ngắn hạn, chờ lên giá rồi bán chốt lời, rút vốn. Thị trường thêm sôi động, giá BĐS tăng nhưng không chắc chắn về tính bền vững của đối tượng này.
Sự xuất hiện của F0 với những giao dịch đầu tư ngắn hạn đã làm thị trường BĐS nóng lên tại một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận. Trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại Tp.HCM đã được thiết lập.
Nhiều dự án mới khu vực Thành phố Thủ Đức được ra mắt với giá hơn 100 triệu đồng/m2. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp... Tuy nhiên, theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, phân khúc thay đổi vì tăng giá chứ không đến từ tăng chất lượng dự án.
Các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm có tính thanh khoản cao như đất nền, căn hộ, nhà gắn liền với đất gần như trở thành "miếng ăn ngon" và dễ tiêu thụ với F0. Căn hộ cao cấp, hạng sang, nhà gắn liền với đất có giá trên 10 tỷ đồng/căn được nhiều nhà đầu tư F0 ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, các loại hình sản phẩm mới như farmstay, homestay… ở các khu vực được giới thiệu là tiềm năng tạo nên một phong trào đầu tư mới hấp dẫn cho các NĐT mới này.
Nhà đầu tư cần tự mình kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin của dự án
Ông David Jackson, Tổng giám đốc của Colliers Việt Nam cho rằng, ước tính hơn 70% giao dịch toàn thị trường năm qua đã đến từ các nhà đầu tư F0. Tỷ lệ này có thể giữ nguyên ở mức hiện tại hoặc tăng lên trong vài năm tới khi giá BĐS có khả năng tăng theo thời gian.
Vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư F0 thường sẽ trả kỳ thanh toán đầu tiên và cố gắng tìm cách bán BĐS để tránh việc phải tiếp tục trả các kỳ thanh toán tiếp sau. Họ mong muốn có được khoản lợi nhuận nhỏ trong quãng thời gian ngắn và điều này thường khiến giá BĐS tăng rất nhanh.
Tuy nhiên, ông Jackson lưu ý, nhà đầu tư F0 cần tường tận về dòng tiền của chính mình, lập lược đồ rủi ro và quan tâm tính thanh khoản của sản phẩm. Cho dù bản thân muốn "lướt sóng" để kiếm lợi nhuận không quá cao trong thời gian ngắn thì việc có một khoản tiền dự trữ phù hợp vẫn rất quan trọng, phòng khi không thể tìm ra người mua lại BĐS. Nếu tình hình tài chính của bản thân không thực sự ổn định, nhà đầu tư F0 có thể chuyển hướng một cách thận trọng với mức đầu tư dè dặt hơn vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền gửi cố định.
Thứ hai, nhà đầu tư cần tự mình kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin của dự án, chẳng hạn như uy tín của chủ đầu tư hay tính pháp lý của dự án. Nhà đầu tư cũng cần trang bị cho mình kiến thức về nhiều thuật ngữ pháp lý trong hợp đồng để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
(Theo Nhịp sống kinh tế)
Tin nổi bật Bất động sản