Thị trường bất động sản nếu cứ để vướng mắc kéo dài thì còn dự án ma...
Ngày 27-11, Ban Kinh tế Trung ương, phối hợp với Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) và Trường Đại học Mở TP HCM tổ chức "Hội thảo Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2045".
Tại đây, nhiều ý kiến bức xúc về những bất cập của cơ chế chính sách được nêu ra kèm theo những kiến nghị Nhà nước sớm tháo gỡ để thị trường bất động sản thời gian tới phát triển bền vững, thu hút đầu tư.
để phát triển ổn định trong thời gian tới
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, nhấn mạnh một trong những vướng mắc lớn nhất với thị trường bất động sản là tiền sử dụng đất, hiện nay vẫn là một ẩn số, chưa tìm ra lời giải. Việc không có cách tính tiền thống nhất, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư dự án, nhất là các đối tác nước ngoài vì không thể tính được giá thành ban đầu. "Tôi đã nhiều lần khất hẹn với đối tác vì họ hỏi về tiến độ dự án. Khất 1 lần, khất 2 lần, có khi tới 3 năm trời vẫn chưa thể trả lời chính xác cho đối tác do phụ thuộc cơ chế chính sách. Có đối tác nước ngoài nói thẳng với chúng tôi rằng chi phí tài chính cho dự án bất động sản Việt Nam cao nhất khu vực, điều này gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp, Nhà nước và cả người tiêu dùng".
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động Lê Thành, nêu thực tế công ty ông đã bỏ tiền túi ra làm dự án nhà ở xã hội (NOXH) nhưng 3 năm qua chỉ loay hoay ở bước đầu tiên trong quy trình 5 bước theo quy định. Đó là chỉ tiêu quy hoạch dân số. Đã vậy còn bị thanh tra thuế "hành" vì họ cho rằng "có đóng thuế là phải bị thanh tra". Ngoài ra, vô lý hơn cả là việc người nghèo mua NOXH nhưng phải chịu tiền phí cao hơn vì các quy định chưa hợp lý, cụ thể là tiền xử lý nước thải bị thu 2 lần.
Ông Nguyễn Xuân Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận nguyên nhân của bất cập trên thị trường bất động sản là do có sự nửa vời của cơ chế. "Nói là áp dụng cơ chế thị trường trong tính giá đất nhưng không có chuẩn nào nên cơ quan Nhà nước khó áp dụng, dẫn đến việc khó xử lý các vấn đề liên quan đến giá đất, cuối cùng là khó cho các doanh nghiệp đầu tư. Vấn đề của thị trường bất động sản nước ta là các luật "đá" nhau nên gây khó cho doanh nghiệp, cho cả thị trường. Nếu không tháo gỡ sẽ cứ luẩn quẩn mãi, làm cho các doanh nghiệp muốn đóng góp trí lực, nhân lực phục vụ đất nước cũng không làm gì được"- ông chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Khánh Hòa nêu một khó khăn nữa là không có người cầm trịch để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản. "Các bộ, ngành khi đưa ra luật, quy định, nghị định thì "đá" nhau đủ kiểu, vì ai cũng chỉ nhìn thấy lợi ích của ngành mình mà không có cái nhìn tổng quát. Từ đó làm cho dự án chậm triển khai, tạo ra dự án ma, làm cho dân bị mất tiền".
Sơn Nhung
Theo Người lao động
Tin nổi bật Bất động sản