Khoản đầu tư tốt nhất của cha mẹ vào con cái là điều đơn giản này: Tiếc rằng nhiều người lại bỏ qua

Đằng sau những đứa trẻ tự ti, nhút nhát, sống khép mình là chúng không có sự đồng hành của cha mẹ bên cạnh.

Một số cha mẹ thắc mắc rằng, tại sao con mình lúc nhỏ rất ngoan ngoãn nhưng lớn lên lại khó dạy? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng câu chuyện dưới đây sẽ khiến mọi người suy ngẫm.

Có một người mẹ vì quá bận rộn với việc chăm sóc mẹ mình ốm ở bệnh viện nên không thể trông nom con gái được. Trong khi người chồng thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Không còn cách nào khác, cô đành nhờ một người chị họ chăm sóc con mình.

Thế rồi thời gian thấm thoắt trôi qua, con gái cô ở nhà người quen cũng được 4 năm. Khi cô bé lên cấp 3, người mẹ cảm nhận con mình có gì đó không ổn. Cô bé sống khép kín, không thích nói chuyện với cha mẹ.

Rõ ràng có một sự thật rằng, trong quá trình lớn lên của cô bé thiếu đi sự đồng hành của cha mẹ. Họ đã không dành thời gian cho con mình trong suốt 4 năm, để cô bé phải sống nhờ nhà người khác. Có lẽ vì thiếu tình thương và sự quan tâm, cô bé không có tình cảm thân thiết với cha mẹ mình.

Sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng với con cái

Việc thiếu sự đồng hành của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Một mặt nó ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Có một cuộc khảo sát của giáo viên cho thấy, những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi hay không có cha mẹ bên cạnh, chúng rất nhạy cảm, nhút nhát so với những đứa trẻ khác.

Nguyên nhân là bởi trẻ không có sự bầu bạn với cha mẹ, nội tâm nhạy cảm và hay nghi ngờ, cho rằng không ai thích mình và cảm thấy mọi việc mình làm đều sai trái. Trẻ ngày càng tự ti, sống nội tâm hơn và có lòng tự trọng thấp.

Có một cặp vợ chồng bận công việc lâu ngày nên không đưa đón con cái. Mãi cho đến khi giáo viên nói với rằng, con họ ngày càng thu mình, bị bắt nạt ở trường, họ mới phát hiện ra rằng con trai mình ngày càng ít nói và thơ ơ với mọi thứ.

Khi về nhà, cậu bé thường đi thẳng vào phòng, hiếm khi nói chuyện với cha mẹ, ở trường luôn lầm lũi và không muốn kết bạn với ai. Mãi sau này người cha mới nhận ra vấn đề của con mình, anh bắt đầu dành thời gian đưa con trai đi bơi, chơi cầu lông, bóng đá...

Thời gian trôi qua, gia đình nhận thấy cậu bé bắt đầu thay đổi, cậu trở nên tự tin hơn, vui vẻ, cười đùa nhiều. Cậu cũng có thêm nhiều bạn mới nhờ chơi thể thao.

Chính sự đồng hành của cha mẹ khiến trẻ cảm nhận được mình được yêu thương và biết yêu bản thân nhiều hơn.

Như nhà tâm lý học Allison Gopnik từng nói: "Bạn là người như thế nào và bạn có mối quan hệ như thế nào với con cái mình quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn làm với con mình".

Sự đồng hành của cha mẹ sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và hạnh phúc, đó là điều hỗ trợ mạnh mẽ nhất để trẻ trở nên tự tin.

Cha mẹ có thể đồng hành cùng con như thế nào?

- Đừng mang việc về nhà

Đạo diễn phim tài liệu Ryo Takeuchi từng phỏng vấn một bà mẹ là phó chủ tịch của một công ty - người quản lý tới 20.000 nhân viên.

Trong một cuộc phỏng vấn, người mẹ này nói: "Việc giáo dục con cái chủ yếu cần có thời gian. Bạn phải dành nhiều thời gian cho con cái hơn là đi làm. Việc dạy con không khó lắm đâu".

Trong cuộc phỏng vấn, cô tiết lộ, nếu là đi công tác trong vòng 1 tuần thì cô sẽ cố gắng về nhanh. Nếu có việc gì có thể hoàn thành trong ngày, cô sẽ cố hoàn thành xong sớm rồi về nhà vào buổi tối để kịp dành thời gian cho con trước khi con ngủ.

Cô cố gắng không mang việc về nhà, sau khi dành 8 tiếng làm việc bên ngoài, thời gian còn lại là dành cho con cái và gia đình.

- Toàn tâm toàn ý quan tâm tới con

Một đứa trẻ rất nhạy cảm có thể cảm nhận được cha mẹ có thực sự đồng hành cùng mình hay không.

Trong quá trình đồng hành cùng con, cha mẹ nên hoàn toàn tập trung vào con, chơi cùng con thay vì chỉ hướng dẫn. Khi giao tiếp với con cần nhìn vào mắt trẻ, điều này có thể truyền đi thông điệp "mẹ đang chú ý tới con, quan tâm những gì con nói".

- Đưa con tới những nơi con thích

Trên thực tế có rất nhiều điều mà cha mẹ có thể đồng hành cùng con cái như cùng nhau đọc sách, đi du lịch, chơi trò chơi... Khi ở bên cạnh con, cha mẹ dành toàn bộ sự chú ý của mình cho con, để con cảm nhận được cha mẹ thực sự quan tâm tới mình.

Nếu có thời gian, cha mẹ nên đưa con tới những nơi chúng thích, điều đó sẽ làm tăng bội phần niềm vui và hạnh phúc của một đứa trẻ.

Theo Phan Hằng

Theo Phụ nữ số

Các bài viết liên qua đến Khoản đầu tư tốt nhất của cha mẹ vào con cái là điều đơn giản này: Tiếc rằng nhiều người lại bỏ qua