Cuộc chiến để cung cấp trái cây và rau tươi cho 1,4 tỷ người đang đẩy các công ty thương mại Trung Quốc phải nỗ lực giải bài toàn tồn tại suốt nhiều năm qua ở đất nước này. Xuất thân từ một quốc gia nông nghiệp nhưng lĩnh vực này dương như đang tụt xa phía sau trong nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc. Khi đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ, bài toàn lương thực một lần nữa khiến Trung Quốc phải đặt lại trọng tâm.
Tuy nhiên, lần này, một phần vai trò then chốt được chuyển sang những công ty thương mại điện tử Trung Quốc, những người đang nỗ lực cách mạng hóa phương thức nông nghiệp đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ nhằm đảm bảo nguồn cung tương lai cho hệ thống chuỗi tạp hóa trực tuyến mà họ đang đẩy mạnh phát triển.
Từ lâu, Trung Quốc đã coi tự cung tự cấp lương thực là "vấn đề hàng đầu của đất nước". Với hơn 1,4 tỷ dân, khủng hoảng lương thực có lẽ là vấn đề luôn rình rập ở Trung Quốc. Chính vì thế, nhu cầu hiện đại hóa hơn 200 triệu mô hình canh tác quy mô nhỏ ở Trung Quốc càng trở nên cấp thiết, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới biến đổi mãi mãi bởi sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu mà nó gây ra. Trong chính nội tại một quốc gia, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch cũng là điều rõ rệt.
Giờ đây, một số công ty lớn nhất của Trung Quốc đã tham gia cùng nỗ lực của nhà nước để giúp người trồng trọt gia tăng năng suất, cải thiện chất lượng lương thực và hạ giá thành. Đối với những gã khổng lồ thương mại điện tử, đó là một cách để củng cố chỗ đứng của họ trên thị trường tạp hóa trực tuyến mà dự kiến sẽ đạt tới 120 tỷ USD vào năm 2023.
Tạp hóa online có lẽ là mảnh đất không chỉ màu mỡ mà còn an toàn đối với các gã khổng lồ Trung Quốc. Việc Bắc Kinh gần đây đưa ra những chính sách chống độc quyền cứng rắn cùng với thương vụ IPO hụt của Ant Group đã cho thấy Internet đã không còn là nơi cho các doanh nghiệp công nghệ mặc sức phát triển.
Dọc theo bờ biển phía đông ở Phúc Kiến, Alibaba đã cung cấp cho những người chăn nuôi gà loại vòng thông minh để theo dõi sức khỏe gia cầm của họ. Trong khi đó, dưới sự hỗ trợ của JD.com, những người trồng lúa ở miền bắc khô cằn của Trung Quốc được hỗ trợ các cảm biến thông minh để giám sát tưới tiêu theo thời gian thực. Ở miền Tây, các nhà khoa học Vân Nam đang hợp tác với Pinduoduo Inc. để sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tự động hóa canh tác dâu tây.
Liu Yue, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu thị trường EqualOcean, cho biết: "Nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Với việc thanh niên nông thôn đổ xô tới thành phố kiến việc làm tốt hơn trong khi an toàn thực phẩm ngày càng bị đe dọa bởi thuốc trừ sâu và các phương thức canh tác lạc hậu, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang góp một tay giúp hiện thực hóa mong muốn của chính phủ".
Trong khi đó, iResearch nói rằng động lực thúc đẩy các nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy nông nghiệp thông minh chính là sự bùng nổ của cửa hàng tạp hóa trực tuyến, dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô lên 127 tỷ USD vào năm 2023 so với năm 2020. Ngành hàng này đã vượt mặt điện tử tiêu dùng để trở thành mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho JD.com trong nửa đầu năm ngoái. Với Alibaba, họ đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh này bằng cách nắm giữ số cổ phần lớn hơn trong hệ thống siêu thị Sun Art Retail Group Ltd.
Trong khi đó, các đối thủ nhỏ hơn, vốn cũng được chống lưng bảo các gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc, cũng đang huy động được hàng tỷ USD nhằm chiếm lấy thị phần lớn hơn trên thị trường phân phối thực phẩm tươi sống trực tuyến. Điều đó khiến truyền thông nhà nước từng cảnh báo về tình trạng quá tải trong lĩnh vực này. Bài viết hồi tháng 12 năm ngoái cho rằng các gã khổng lồ nên tập trung hơn vào đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vey-Sern Ling, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận định: "Covid-19 đã giúp đẩy nhanh việc chuyển đổi các giao dịch truyền thống sang kênh trực tuyến. Trong lĩnh vực này, đó là một thị trường rộng lớn chưa được khai thác và các công ty buộc phải tham gia hoặc bị bỏ lại phía sau".
Ở thời điểm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang kiềm chế độc quyền trong cách lĩnh vực từ fintech tới thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh là một lĩnh vực mà lợi ích thương mại của những gã khổng lồ công nghệ phù hợp với chương trình nghị sự quốc gia của nhà nước.
Trong hướng dẫn ban hành hôm 21/2, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc kêu gọi tăng cường đầu tư tư nhân để phát triển kỹ thuật canh tác hiện đại và trao quyền cho các ngôi làng trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến. Khoa học chăn nuôi và trồng trọt cũng được liệt kê là một trong những ưu tiên công nghệ hàng đầu của Bắc Kinh trong 5 năm tới bên cạnh trí tuệ nhân tạo, học máy và phát triển chip máy tính.
Tuy nhiên, những thành tích mà nông nghiệp Trung Quốc đạt được vẫn rất hạn chế. Mặc dù nhu cầu với trái cây và rau quả tươi ngày càng tăng nhưng hầu hết các trang trại truyền thống, vốn thâm dụng lao động, vẫn đang vật lộn để theo kịp. Trong khi đó, hạn chế về quy mô sở hữu đất khiến các nông trường quy mô lớn như ở Mỹ và châu Âu lại không thường thấy ở Trung Quốc.
Trong khi đó, 1/3 trong số những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Trung Quốc đã từ 55 tuổi trở lên. Tỷ lệ sinh ở mức thấp kỷ lục khiến chi phí lao động tăng cao. Đó là những bài toán vẫn cần chờ lời giải.
Linh Anh - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh