Đầu tư 'liều ăn nhiều' kiểu Masayoshi Son: Rót tiền vào hơn 100 startup, mỗi năm thua 1 WeWork nhưng nhận cơn mưa tiền từ 99 công ty còn lại

Tài sản của Masayoshi Son đã tăng 4 lần kể từ sau thất bại để đời với WeWork.

Nhà sáng lập Softbank Masayoshi Son từng có lúc giàu hơn cả Bill Gates thời điểm những năm 2000 trước khi bong bóng công nghệ nổ tung. Tháng 3/2020, khi thị trường lao đao vì dịch Covid-19 và nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh những khoản đầu tư của Softbank vào WeWork, tài sản của Son đã giảm tới 8,4 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Nhưng chưa đầy 1 năm sau, người đàn ông giàu thứ nhì Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần tài sản của mình lên 38 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg, mức cao nhất kể từ khi hãng tin này theo dõi bảng xếp hạng giàu có.

Đà tăng tài sản của Son gắn chặt với cổ phiếu Softbank, chiếm 95% tài sản của ông. Lượng cổ phiếu Son nắm từng tăng gấp 4 lần so với mức thấp nhất kể từ đại dịch. Quỹ Vision Fund cũng vừa công bố lợi nhuận quý tốt nhất trong khi đó Softbank đã tiến hành bán bớt tài sản, mua lại cổ phiếu và giải quyết được những khúc mắc về pháp lý với đồng sáng lập WeWork. Họ cũng đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư tiếng tăm gồm cả Paul Singer của Elliott Management Corp.

"Softbank hiện có dòng tiền khổng lồ và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Nếu Son cân bằng được việc thu hoạch từ những thương vụ thành công với thời gian mua lại cổ phiếu thích hợp, ông ấy sẽ tránh được việc lặp lại thảm họa như những năm 2000, ngay cả khi các cổ phiếu công nghệ giảm".

Tuy nhiên, việc số phận Softbank gắn chặt với nhà sáng lập khiến nhiều người bày tỏ lo ngại. Son trên cương vị là chủ tịch, CEO công ty đã sử danh nghĩa cá nhân để đầu tư vào một doanh nghiệp chuyên rót 20 tỷ USD vào các cổ phiếu công nghệ và các công cụ phái sinh. Vị tỷ phú 63 tuổi này sở hữu 1/3 chi nhánh này và nói rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào cả. Ông cho biết chương trình này là một cách để sử dụng tiền mặt của SoftBank.

Để tăng đòn bẩy, Son sử dụng một chiến thuật phổ biến với giới siêu giàu, đó là vay thế chấp cổ phần của mình. Tuy nhiên, gần đây, ông đã cắt giảm lượng cam kết vì cổ phiếu SoftBank hiện đã có giá trị cao hơn. Ông đã cam kết thế chấp khoảng 1/3 cổ phần tại SoftBank cho hơn 16 định chế tài chính kể từ ngày 9/2, giảm từ mức 38% vào tháng 9.

Dẫu vậy, con số này vẫn tương đương với khoảng 18 tỷ USD trong khối tài sản của ông – cao nhất trong số 500 người giàu nhất thế giới. Các khoản cam kết được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay, có thể thấp hơn giá trị của số cổ phiếu đã cam kết trong đợt tăng gần đây. Ước tính của Bloomberg không bao gồm giá trị của cổ phiếu cầm cố.

Sau khi đóng cửa phiên ở mức cao nhất mọi thời đại vào ngày thứ 4, cổ phiếu Softbank đã giảm 5,3% vào ngày thứ 5 giữa bối cảnh giảm chung của thị trường. Quỹ Vison Fund của công ty vào tháng trước đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý cuối cùng của năm 2020 nhờ vào việc nhiều công ty trong danh mục đầu tư của họ IPO gồm cả DoorDash và KE Holdings.

"Kể từ khi Vision Fund ra mắt, số lượng những quả trứng vàng đang ngày một sinh sôi. Cuối cùng cũng đến ngày hái quả", Son tự hào tuyên bố. 

Khoảng 15 công ty mà Vision Fund đầu tư đã IPO và Softbank tính toán rằng họ sẽ chứng kiến 10 – 20 công ty niêm yết mỗi năm trong danh mục 164 startup của họ. Coupang – gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị IPO và có thể được định giá hơn 50 tỷ USD. Compass – một trong những nhà môi giới bất động sản lớn nhất nước Mỹ cũng đã nộp hồ sơ IPO. Startup xe tải Full Truck Alliance cũng sẽ IPO vào năm nay.

Vẫn còn một vài khó khăn. Quỹ Vision Fund đã ghi giảm 1,5 tỷ USD sở hữu tại Greensill Capital và đang xem xét giảm giá trị xuống bằng 0. Thời điểm tồi tệ nhất vào năm ngoái, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi với hàng loạt các khoản đầu tư của Softbank gồm cả WeWork.

Tuy nhiên sự cải thiện đã diễn ra rất nhanh chóng. Ngoài việc tầm nhìn với các startup mà Vision Fund đầu tư tươi sáng hơn, sự phục hồi của các cổ phiếu công nghệ đã đẩy giá trị cổ phần của Softbank tại những công ty niêm yết như Uber tăng theo. Gã khổng lồ Nhật Bản cũng vừa đạt được thỏa thuận với WeWork và đồng sáng lập của công ty này là Adam Neumann.

"Softbank có thể xúc tiến nỗ lực lần 2 để IPO WeWork. Lượng cổ phiếu mua thêm sẽ thắt chặt kiểm soát của Softbank và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán sáp nhập tiềm năng với SPAC".

Nguồn: Bloomberg

Các bài viết liên qua đến Đầu tư 'liều ăn nhiều' kiểu Masayoshi Son: Rót tiền vào hơn 100 startup, mỗi năm thua 1 WeWork nhưng nhận cơn mưa tiền từ 99 công ty còn lại