Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (Vaba) vừa có văn bản đề nghị nhà nước hỗ trợ các hãng hàng không nôi địa gửi Bộ KH&ĐT để vượt qua ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Vaba, dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020, nhưng các hãng hàng không lại chịu thiệt hại nặng hơn trong nửa đầu năm 2021, khi 2 đợt bùng phát dịch gần nhất đều rơi vào cao điểm đi lại là Tết Nguyên đán và hè. Kéo theo doanh thu hàng không những dịp này giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi các hãng phải trang trải chi phí trên 100 tỷ đồng/ngày, dẫn tới cạn kiệt tích luỹ, dòng tiền, khó tiếp cận thêm vốn vay.
Vaba tính toán, tổng nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Để hỗ trợ các hãng hàng không nội địa vượt qua khó khăn, Vaba tổng hợp đề xuất của các hãng hàng không kiến nghị Chính phủ có giải pháp nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19. Cùng đó, từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách quốc tế đã tiêm vắc-xin đầy đủ và có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay thường lệ quốc tế.
Trước đó, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để đón khách quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang), kế hoạch báo cáo Thủ tướng trong tháng 7 tới.
Bên cạnh giải pháp nới lỏng đi lại với khách nội địa và quốc tế đã tiêm vắc-xin COVID-19, Vaba cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tín dụng theo diện tái cấp vốn với các hãng hàng không tư nhân (bên cạnh gói vay 4.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi đá áp dụng cho Vietnam Airlines), để hỗ trợ thanh khoản cho các hãng hàng không. Gói vay trị giá khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng, theo diện tái cấp vốn, thời hạn vay 12 tháng và tự động gia hạn 2 lần theo tình hình thị trường, thị phần và đóng góp của từng hãng hàng không.
Ngoài ra, hiệp hội trên cũng kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%/năm, thời hạn vay từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển; giảm 2% lãi suất các gói tín dụng doanh nghiệp đang vay; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay tới tháng 6/2022; giảm phí, lệ phí, giá các dịch vụ hàng không…
Trước đó, trong năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động hàng không của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lên tới 16.000 tỷ đồng.
Lê Hữu Việt - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh