Cô Mehak Vohra là một nhà khởi nghiệp trẻ, đã bắt đầu xây dựng startup từ năm 2016 khi bỏ ngang đại học. Dự án Jamocha Media chuyên về truyền thông và Skillbank, chuyên về đào tạo marketing online là những thành quả mà Vohra xây dựng nên.
Thế nhưng đầu năm 2024, Vohra đã đóng cửa các startup của mình để trở về làm nhân viên marketing cho một tập đoàn công nghệ lớn. Đây là lần đầu tiên Vohra cảm nhận được việc không còn làm ông chủ nữa mà trở về làm nhân viên.
"Tôi chỉ muốn tạm nghỉ xả hơi thôi mà. Việc chỉ cần làm theo những nhiệm vụ được giao khá thoải mái so với thời khởi nghiệp trước đây", cô Vohra cười nói.
Trên thực tế cô Vohra chỉ là một trong số hàng nghìn nhà khởi nghiệp từ bỏ startup của mình để quay về làm nhân viên trong năm qua. Thậm chí con số này còn được dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm nay vì tình hình khó khăn của nền kinh tế.
Khởi nghiệp vì cái gì?
Số liệu của Pitchbook cho thấy nguồn vốn đầu tư của các quỹ mạo hiểm vào startup đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua, khiến hàng loạt nhà khởi nghiệp phải suy nghĩ lại về hướng đi của mình.
Năm 2023, khoảng 3.200 dự án startup được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm đã phá sản và con số này dự kiến sẽ còn nhiều hỡn nữa trong năm nay.
Thậm chí một số chuyên gia còn nhận định viễn cảnh tươi đẹp của bong bóng khởi nghiệp đã bắt đầu chấm dứt từ năm 2022 và đây là giai đoạn khó khăn mới cho những startup.
"Ý tưởng trở thành ông chủ, tự mình khởi nghiệp chỉ đẹp khi bạn chưa thực sự bắt tay vào làm", nhà sáng lập Ishita Arora của Dayslice từng gọi vốn được 6 triệu USD, cảnh báo những người mới muốn tham gia thị trường.
Tháng 12/2023, cô Arora cảm thấy startup của mình không thể đạt được những mục tiêu tăng trưởng như các nhà đầu tư và quỹ mạo hiểm kỳ vọng nên đã quyết định đóng cửa Dayslice, đồng thời hoàn lại số vốn còn lại cho mọi người.
"Tôi có rất nhiều bạn bè cũng khởi nghiệp và hầu hết bọn họ đều đang phải khốn khổ, mong ước được quay trở về làm nhân viên. Rõ ràng nếu nhìn từ góc độ hưởng thụ cuộc sống và có đủ giấc ngủ thì làm nhân viên sẽ dễ dàng hơn nhiều", cô Arora thừa nhận khi quay trở về làm nhân viên cho hãng Instrument.
Tương tự, nhiều nhà khởi nghiệp trả lời BI rằng họ ưa thích cuộc sống nhân viên thoải mái và chẳng hề muốn trở lại những đêm mất ngủ với áp lực cực lớn khi còn làm khởi nghiệp.
"Tôi không thể cân bằng cuộc sống khi làm khởi nghiệp, có quá nhiều áp lực. Giờ đây khi làm nhân viên thì tôi lại có cuộc sống thoải mái hơn và chắc chắn là tôi chẳng hề hối hận khi từ bỏ đời startup", cô Vohra cho biết.
Thế rồi mức thu nhập của những người từ bỏ khởi nghiệp quay về làm nhân viên cũng khiến họ hài lòng thay vì phải đốt hết tiền cá nhân vào dự án startup của mình. Cho dù được định giá triệu USD, tỷ USD thì tài sản của những nhà sáng lập này chỉ nằm trên cổ phiếu mà không hiện thực hóa được bằng tiền hay chi tiêu thoải mái được.
"Giờ đây tôi có thể sống đời thoải mái, tiết kiệm tiền nghỉ hưu và trân trọng bản thân hơn. Chỉ một thứ đơn giản như chi tiền để đi massage thôi cũng đủ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn so với thời khởi nghiệp đầy áp lực, phải chi li đến từng đồng", cô Vohra nói.
Đồng quan điểm, anh Jacek Prus, nhà sáng lập 2 startup về ẩm thực tại San Francisco cho biết mình không hối hận khi từ bỏ vị thế làm sếp để về làm nhân viên.
"Làm khởi nghiệp cô đơn lắm. Bạn là người duy nhất ở vị thế phải đưa ra các quyết định cuối cùng và tất cả mọi người đều trông chờ vào quyết định đó của bạn", anh Prus than thở.
Hiện nhà sáng lập Prus đã trở thành nhân viên của Farmed Animal Funders với quan điểm mới rằng bản thân có thể đóng góp nhiều hơn nếu tham gia vào một tổ chức lớn thay vì khởi nghiệp đơn độc một mình.
Nhiều nhà khởi nghiệp bỏ cuộc chơi để sống đời nhân viên thoải mái
"Trước khi khởi nghiệp thì bạn nên tự hỏi rằng mình làm điều này vì ý tưởng của mình thực sự khả thi và sáng tạo hay là chỉ vì bạn muốn chứng minh cho mọi người thấy cái tôi của bản thân, rằng mình có thể làm ông chủ?", anh Prus khuyên nhủ.
Tôi muốn làm ông chủ
Tuy nhiên theo Business Insider (BI) một số nhà khởi nghiệp khác thì lại cảm thấy khó quay lại làm nhân viên vì đã quen với cuộc sống hối hả.
Giám đốc Sri Chandrasekar của Point72 Ventures cho biết áp lực khởi nghiệp và cuộc sống vội vã khiến việc trở thành nhân viên cực kỳ buồn chán với những người như anh.
"Khi bạn đã quen với guồng công việc khởi nghiệp thì rất khó để tái hòa nhập trở lại làm nhân viên. Mọi thứ trong tập đoàn lớn trở nên quá chậm với bạn, từ các cấp xét duyệt đến việc ra từng quyết định. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn về làm nhân viên rồi lại trở lại khởi nghiệp vì không chịu nổi cuộc sống ở các công ty lớn. Họ thà làm ông chủ chứ không muốn phải phục vụ ai nữa", anh Chandrasekar cho biết.
Đồng quan điểm, một số nhà cựu khởi nghiệp cho biết họ nhớ cuộc sống cũ và dự định sẽ xây dựng dự án mới sau quãng thời gian nghỉ ngơi làm nhân viên. Trong khoảng thời gian này, các nhà sáng lập sẽ học hỏi thêm kỹ năng mới và chờ đợi thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp nóng trở lại.
Một nhà khởi nghiệp giấu tên khác thì nói với BI rằng anh nhớ cảm giác adrenalin chạy trong huyết quản khi áp lực công việc dồn dập trong quá trình làm startup, đồng thời cảm thấy buồn chán với việc làm nhân viên hiện nay.
"Làm nhân viên rất thoải mái và tôi có thể hiểu tại sao nhiều người bị dính vào cái bẫy này không thoát ra được", nhà khởi nghiệp giấu tên cho biết.
Một số khác thì nằm chờ thời để quay lại làm ông chủ
Hiện người đàn ông này dù có mức lương khá cao nhưng vẫn giữ cuộc sống đạm bạc như thời làm khởi nghiệp.
"Tôi không muốn bị dính bẫy cuộc sống thoải mái này dù kiếm được nhiều tiền. Tôi muốn khởi nghiệp, mở công ty và làm ông chủ", người đàn ông nói với BI.
*Nguồn: BI
Tin nổi bật Kinh doanh