Những chuyện “dở khóc, dở cười” trong cơn sốt bất động sản ở Mỹ

Tình hình thị trường nhà đất ở Mỹ hiện nay có thể gói gọn trong một câu: giá tăng liên tục nhưng không có đủ nhà để bán...

Giá nhà ở Mỹ trong tháng 5 vừa qua tăng mạnh nhất hơn hai năm, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và lãi suất vay thế chấp nhà siêu thấp thổi bùng nhu cầu mua.

Số liệu do Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) công bố ngày 22/6 cho thấy: giá bán trung bình của nhà hiện có ở nước này trong tháng 5 vừa qua lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 350.000 USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trong một  năm mạnh nhất của giá nhà ở Mỹ kể từ khi NAR bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 1999.

NGUYÊN NHÂN KHIẾN GIÁ NHÀ LẬP KỶ LỤC

Giá nhà ở Mỹ bắt đầu leo thang mạnh từ mùa hè năm ngoái khi lệnh phong toả chống dịch Covid-19 bắt đầu được nới ở nước này. Sau một thời gian ở nhà nhiều hơn, nhiều người Mỹ bắt đầu nhận thấy họ có nhu cầu sở hữu những căn nhà lớn hơn. Ngoài ra, cũng có những người nhân cơ hội được làm việc ở nhà nhanh chóng chuyển khỏi các khu vực đô thị có mức phí sinh hoạt đắt đỏ.

Nhà thì ít, người mua thì đông, nên không có gì khó hiểu khi những “cuộc chiến giành mua” đã xảy ra. 

Bên cạnh đó, lãi suất vay thế chấp nhà siêu thấp cũng là một nguyên nhân khiến giá nhà ở Mỹ leo thang chóng mặt.

Dữ liệu từ Freddie Mac - công ty cho vay thế chấp nhà Liên bang Mỹ, cho thấy lãi suất cho vay thế chấp nhà ở nước này tiếp tục giảm sâu hơn dưới ngưỡng 3%. Trong tuần kết thúc vào ngày 17/6, lãi suất bình quân của các khoản vay thế chấp nhà kỳ hạn 30 năm với lãi suất cố định là 2,93%, từ mức 2,96% trong tuần trước đó. Cách đây ba tháng, lãi suất này giảm còn 2,65% - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được theo dõi vào năm 1971. Cách đây một năm, lãi suất này là 3,14%.

Một lý do quan trọng khiến lãi suất cho vay thế chấp nhà ở Mỹ xuống thấp là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa giữ lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%, vừa chi 40 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc. Đây là một phần trong nỗ lực của Fed nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra.

Hiện nay, kinh tế Mỹ đã hồi phục mạnh nhưng Fed vẫn giữ các biện pháp hỗ trợ này. Chưa kể hàng nghìn tỷ USD tiền kích cầu mà Chính phủ Mỹ bơm vào nền kinh tế cũng là một động lực để thị trường bất động sản ở nước này tăng nhiệt.

Tình hình thị trường nhà đất ở Mỹ hiện nay có thể gói gọn trong một câu: giá tăng liên tục nhưng không có đủ nhà để bán. Điều này khiến doanh số bán nhà giảm xuống. Trong tháng 5 vừa qua, doanh số bán nhà hiện có giảm 0,9% so với tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp - theo báo cáo của NAR.

Thời gian từ lúc rao bán đến lúc bán xong một căn nhà được rút ngắn mạnh mẽ. Trong tháng 5, bình quân mỗi căn nhà được rao bán ở Mỹ chỉ mất 17 ngày để đổi chủ, bằng với con số thấp kỷ lục thiết lập trong tháng 4.

Nhà thì ít, người mua thì đông, nên không có gì khó hiểu khi những “cuộc chiến giành mua” đã xảy ra. Lợi thế trong “cuộc chiến” này thuộc về những người có tiền mặt để đặt cọc, trong khi những người eo hẹp tiền mặt rơi vào thế bất lợi. Cuộc khảo sát của NAR cho thấy, trong số những người mua nhà bằng khoản vay thế chấp trong tháng 5, có tới hơn một nửa đặt cọc ít nhất 20% bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, không ít người sẵn sàng thanh toán giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt.

Dữ liệu từ Redfin, một công ty môi giới bất động sản cho thấy, trong tháng 5, hơn một nửa số nhà được bán ở Mỹ đạt mức giá cao hơn giá chào bán. Thậm chí, có những căn nhà được sang nhượng với mức giá cao hơn cả triệu USD so với giá chào bán. Tất cả đều cho thấy cơn sốt bất động sản ở Mỹ đã đạt tới ngưỡng khó tưởng tượng.

NHỮNG CHUYỆN “DỞ KHÓC, DỞ CƯỜI”

“Sự đắt đỏ của những ngôi nhà có vẻ như đang khiến nhiều người bị bật ra khỏi cuộc chiến giành mua. Có rất nhiều người không thể thắng trong cuộc đấu giá. Họ giận dữ vì không mua được nhà”, chuyên gia kinh tế trưởng Lawrence Yun của NAR phát biểu trên tờ Wall Street Journal.

“Chúng tôi đã phải cạnh tranh với những người sẵn sàng trả thêm 250.000 USD so với giá rao bán.Chúng tôi kiệt sức và chán nản vì liên tục bị từ chối".

Jennifer Rubin, người mua nhà ở Shoreline, Washington.

Truyền thông Mỹ đã đăng nhiều câu chuyện phản ánh sức nóng của thị trường bất động sản ở nước này.

Cặp vợ chồng Jake và Belen Markham ở Gilbert, Arizona, đã từ bỏ ý định mua nhà sau hai lần tìm cách mua mà không mua được. “Chúng tôi nhận ra rằng mình sẽ không thể có được thứ mình muốn khi mà giá nhà trở nên đắt đỏ như thế này”, anh Markham nói và cho biết gia đình anh hiện đang sống trong một căn hộ đi thuê. “Lựa chọn tốt nhất của chúng tôi là tiết kiệm thêm tiền may ra mới cạnh tranh nổi để mua được một căn nhà”.

Một cặp vợ chồng khác là Jennifer Rubin và Matthew Snyder sau 11 lần đi mua nhà thất bại đã thành công ở lần thứ 12. Trước đó, cặp đôi và con gái ba tuổi của họ sống trong căn chung cư một phòng ngủ. Họ vội tìm mua một căn nhà rộng hơn trong lúc chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời vào tháng 8 năm nay.

“Chúng tôi đã phải cạnh tranh với những người sẵn sàng trả thêm 250.000 USD so với giá rao bán”, chị Rubin kể với Wall Street Journal. “Chúng tôi kiệt sức và chán nản vì liên tục bị từ chối. Cuối cùng, tôi thấy mình thực sự may khi mua được một căn nhà 4 phòng ngủ ở Shoreline, Washington. Thực lòng mà nói, tôi đã nghĩ mình không thể mua được”.

Jill Carrigan - một nhà môi giới bất động sản thuộc The Grubb Company - mới đây đã bán được một căn nhà ở Berkeley, California với giá 2,3 triệu USD, trong khi chủ của căn nhà này đưa ra mức giá chào bán chỉ là 1,15 triệu USD. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn căn nhà ở Mỹ được bán với giá cao hơn cả triệu USD so với giá chào bán trong năm nay. Chỉ trong tháng 3, đã có 310 giao dịch như vậy, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu của trang bất động sản Zillow.

Trang CNN Business mới đây cũng đưa tin về một căn nhà tồi tàn, được ví như “đến từ địa ngục”, ở Colorado được rao bán với giá gần 600.000 USD. Đại lý bất động sản xem việc rao căn nhà này như một “bài kiểm tra”, vì họ cho rằng chưa chắc có người nào hỏi mua. Nhưng thật bất ngờ, căn nhà đã được khá nhiều người hỏi mua, trong đó có những người sẵn sàng thanh toán bằng tiền mặt.

Các nhà đầu tư ở Phố Wall đã không bỏ qua cơ hội trên thị trường bất động sản Mỹ. Nhiều công ty đầu tư lớn đang gom mua nhà và cho thuê. Trong động thái mới nhất, công ty quản lý quỹ Blackstone ngày 22/6 cho biết đã nhất trí chi 6 tỷ USD mua Home Partners of America - công ty sở hữu hơn 17.000 căn nhà trên khắp nước Mỹ.

Về phần mình, các công ty phát triển nhà cũng đẩy mạnh các dự án xây dựng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ.  Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, số nhà mới khởi công ở Mỹ trong tháng 5 tăng 3,6% so với tháng 4. Tuy nhiên, các công ty xây dựng ở Mỹ lại đang gặp khó khăn vì quỹ đất hạn chế, chi phí xây dựng và vật tư tăng cao.

Cơn sốt bất động sản ở Mỹ đang khiến sự phân hoá giàu nghèo gia tăng. Giá nhà tăng cao thực sự là một thách thức đối với những người mua nhà lần đầu và những người thu nhập thấp, trong khi những người sở hữu nhà ngày càng giàu thêm.

Chiến lược gia David Kelly thuộc JPMorgan Funds cho rằng việc Fed “tiếp lửa” cho cơn sốt giá nhà ở Mỹ  “khiến tình trạng bất bình đẳng càng thêm phần tồi tệ”. “Fed rốt cục đang hỗ trợ cho người giàu và phần thiệt hại rơi vào người nghèo”, ông nói.

Trong khi đó, giao dịch ở phân khúc nhà cao cấp đang diễn ra cực kỳ sôi động. Theo dữ liệu của NAR, số căn nhà được bán với giá hơn 1 triệu USD trong tháng 5 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiều Oanh - Kinh Doanh & Tiếp Thị

Các bài viết liên qua đến Những chuyện “dở khóc, dở cười” trong cơn sốt bất động sản ở Mỹ