Suy thoái: Cái giá của chống lạm phát?

Liệu hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát có phải là điều cần thiết?

Theo hãng tin Bloomberg, các ngân hàng trung ương đã đánh giá thấp rủi ro lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập niên qua và giờ đây họ đang phải đánh cuộc, đưa nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái để ngăn hàng hóa tăng giá.

Nhiều chuyên gia đang lo ngại những nhà hoạch định chính sách sẽ tăng lãi suất quá tay để chống lạm phát, cũng như việc họ kích thích kinh tế quá mạnh hậu đại dịch để rồi dẫn đến thừa tiền trên thị trường và gây tăng giá hàng hóa.

Nỗi lo càng trở nên lớn hơn sau báo cáo được công bố ngày 23/7 cho thấy hoạt động kinh doanh đang suy giảm trên toàn nước Mỹ cũng như khu vực đồng tiền chung Châu Âu, điều lần đầu tiên diễn ra trong hơn 2 năm qua.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương ở cả nước giàu lẫn nghèo đều chẳng còn mấy lựa chọn khi buộc phải nâng lãi suất chống lạm phát phi mã. Báo cáo của Bloomberg Economics dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ đạt 9% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước, rồi đạt 9,3% quý III trước khi giảm xuống 8,5% vào cuối năm.

Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hiện nay đang khiến ngày càng nhiều chuyên gia lo lắng. Citigroup đã nâng mức dự báo suy thoái toàn cầu lên 50% trong khi Bank of America cũng cảnh báo một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ trong năm nay do tình hình xấu đi nhanh hơn dự đoán.

Khủng hoảng

Theo Bloomberg, niềm tin tránh được suy thoái của các nhà đầu tư hiện đang đổ bể. Dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục. Hàng loạt cảnh báo suy thoái kinh tế được đưa ra ở mức nhiều nhất kể từ tháng 5/2020 khi đại dịch suy giảm.

Mặc dù thị trường lao động tại Mỹ vẫn ổn nhưng theo chuyên gia chiến lược Dario Perkins của TS Lombard, các nền kinh tế khác có lẽ sẽ không được may mắn như Mỹ.

Hiện nhiều quan chức đã lên tiếng lo ngại về tốc độ tăng lãi suất hiện nay. Chủ tịch Esther George của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Kansas City cảnh báo việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh và mạnh có thể gây tác dụng ngược.

Hàng loạt tổ chức tài chính hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất 50 điểm phần trăm lần đầu tiên trong 11 năm qua, đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000.

Trong khi đó, khảo sát của Bloomberg với các chuyên gia kinh tế cho thấy dự đoán suy giảm GDP của Châu Âu đã tăng từ 30% tháng 6/2022 lên 45% hiện nay.

Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đang dự định tăng 50 điểm phần trăm lãi suất trong khi FED cũng được cho là sẽ nâng thêm 75 điểm phần trăm nữa trong thời gian tới. Tại Canada, Ngân hàng trung ương nước này đã làm bất ngờ nhà đầu tư khi nâng lãi suất thêm 100 điểm phần trăm.

Tại Châu Phi, Ngân hàng trung ương Nam Phi đã nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm, mức mạnh nhất gần 20 năm qua. Ngân hàng trung ương Philippines thì cũng bất ngờ nâng 75 điểm phần trăm lãi suất mà không thông báo gì trong tháng vừa qua.

Mất niềm tin

Việc hàng loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất đang gây mất niềm tin cho nhà đầu tư và các quan chức đang phải cố gắng trấn an. Đồng thời, hàng loạt chỉ trích cũng được tung ra nhắm đến người điều hành chính sách vì để lạm phát quá cao gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Mới đây, Thống đốc Andrew Bailey của BOE đã phải giải trình trước Nghị viện khi bị các chính trị gia đối lập cáo buộc hành động quá chậm để chống lạm phát cao nhất 40 năm tại Anh.

Thống đốc Stefan Ingves của Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng phải ngậm ngùi thừa nhận 2022 là một năm "tồi tệ" khi lạm phát đã vượt dự báo 9 tháng liên tiếp.

Tại Australia, Thống đốc Philip Lowe của Ngân hàng trung ương thì thừa nhận những gói hỗ trợ khổng lồ mùa đại dịch đã khiến áp lực lạm phát gia tăng. Tình hình này buộc ông cũng như nhiều đồng cấp khác trên thế giới phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng để kìm hãm đà tăng giá hàng hóa.

"Lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn nhưng cuối cùng chúng cũng sẽ bị kiềm chế lại thôi. Tuy nhiên để đạt được điều đó, việc hy sinh tăng trưởng là điều khó tránh khỏi", Giám đốc Ravi Menon của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) thừa nhận.

Bên cạnh đó, câu chuyện đổ lỗi cho nhau về lạm phát cũng được đưa lên thảo luận giữa các ngân hàng trung ương và quan chức tài chính.

Theo chuyên gia Selwyn Cornish của trường đại học quốc gia Australia National University, lạm phát hiện nay là do đại dịch, chiến tranh, thay đổi khí hậu... cộng lại góp phần tạo nên.

"Làm sao các ngân hàng trung ương có thể ngờ đến những biến động như vậy được. Mọi người cần giữ bình tĩnh khi cố chỉ trích ai đó về tình hình hiện nay", ông Cornish nhận định.

Trong khi đó, cựu quan chức Sayuri Shirai của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và hiện đang là giáo sư của đại học Keio nhận định nếu đã nâng lãi suất mà lạm phát không được kiểm soát thì niềm tin của người dân sẽ xói mòn.

"Nếu lạm phát không được kiềm chế thì các ngân hàng trung ương sẽ mất uy tín và gây bất ổn trên thị trường. Bởi vậy dù nâng lãi suất có giảm tốc tăng trưởng thì họ vẫn phải làm để ưu tiên chống tăng giá hàng hóa", giáo sư Shirai nhấn mạnh.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Các bài viết liên qua đến Suy thoái: Cái giá của chống lạm phát?