Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật, thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, khoản từ thiện, nhân đạo theo quy định.
Với quy định hiện hành này thì người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến.
Theo Tổng cục Thuế, khi đề xuất giải pháp hỗ trợ người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công nhằm tháo gỡ khó khăn trong đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao.
Điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Bởi vì số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm đến 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công. Do đó để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, các bộ, ngành đã đề xuất ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Quy định mới này đã có tác động điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu lao động, giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến 10,8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng cục Thuế ước tính sẽ có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 thì theo quy định mới sẽ thuộc diện không phải đóng thuế.
Dựa theo báo cáo của Tổng cục Thuế, việc yêu cầu miễn giảm thuế TNCN phần lớn sẽ không giúp đúng đối tượng thu nhập thấp đang thực sự chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Do đó Bộ Tài chính đã không có đề xuất giảm TNCN cho người làm công ăn lương trong 6 tháng cuối năm 2021.
Hồng Nhuận - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh