Đây không phải là tôi khoe khoang, nhưng ở tuổi 33, tôi đang sống rất thoải mái. Tôi sở hữu một căn hộ. Tôi có đủ khả năng để đi du lịch ở bất kỳ đâu trên thế giới. Và hiện tại tôi không có bất cứ một khoản nợ nào cả. Tuy nhiên, trước khi làm được những điều đó thì tôi cũng đã từng phạm phải một số sai lầm trong việc quản lý tài chính của mình. Trong 11 năm qua, có những quyết định khiến tôi phải trả giá bằng hàng nghìn euro. Nói thật với số tiền đã mất tôi có thể đem đi đầu tư và kiếm được một khoản kha khá rồi.
Dưới đây là những bài học xương máu của tôi trong trong 11 năm qua, hy vọng chúng sẽ có ích cho bạn.
# 1 - Bỏ cuộc quá sớm
Ở tuổi 28, tôi sống ở London và làm công việc văn phòng bình thường. Ngoài ra, tôi cũng làm thêm 3 công việc phụ. Một lúc tôi làm tổng cộng 4 công việc vậy nên ngày nào tôi cũng bận tối mắt. Thế nhưng làm 4 công việc đồng nghĩa với việc tôi cũng có một khoản thu nhập kha khá.
Tuy nhiên, làm nhiều việc như thế cũng khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Vậy nên sau 5 tháng, tôi đã bỏ công việc chính và chuyển về Bồ Đào Nha. Tôi quyết định sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn và sử dụng tiền kiếm được từ công việc phụ.
Mặc dù lúc đó tôi cảm thấy thoải mái và ít mệt mỏi hơn nhưng thực chất tôi vẫn có thể tiếp tục làm các công việc như trước kia thêm vài tháng nữa. Nếu tôi làm vậy, tôi đã có thể tiết kiệm được một số tiền mà bình thường tôi phải mất khoảng 3 năm mới có được.
Thông thường, mọi người thường chia làm hai thái cực: những người ca ngợi việc công việc phụ và những người tôn sùng một cuộc sống tập trung vào một công việc chính. Tuy nhiên vẫn có người ở chọn vị trí trung lập. Nếu bạn làm thêm các công việc phụ trong một vài năm, bạn sẽ có được những lợi ích trong dài hạn. Nếu điều gì mang lại lợi ích cho bạn, hãy cố gắng vắt kiệt nó. Bỏ cuộc là khôn ngoan, nhưng chỉ khi bạn làm điều đó vào đúng thời điểm.
# 2 - Để mọi người lợi dụng bạn
Ở những năm đầu của tuổi 20, tôi có một mức lương tốt nhưng lại có một người bạn trai tồi tệ. Ai đó đã không làm việc trong vài năm nhưng lại là một trong những người tiêu nhiều tiền nhất mà tôi từng thấy. Ai đó đã gây sự vì không vừa ý mỗi khi tôi muốn một thứ gì đó: một chiếc áo sơ mi mới, một đôi giày thể thao hay thậm chí là vài đồng bạc lẻ. Câu chuyện này thật đáng xấu hổ nhưng vấn đề không nằm ở đó. Vấn đề ở đây là: Tôi đã chi cho người đó rất nhiều tiền thậm chí còn nhiều hơn bản thân tôi.
Thực tế có rất ít người giống tôi nhưng trong cuộc sống của chúng ta không khó tìm một người như thế này: người bạn trai liên tục để bạn trả tiền ăn tối, người vợ quẹt cháy thẻ tín dụng để mua quần áo mới, đứa con trai vòi vĩnh bố mẹ mua mẫu điện thoại mới nhất. Khi bạn có tình cảm với người ấy, thật khó để từ chối. Và cuối cùng chỉ vì tình yêu và sự quan tâm mà bạn đã làm tổn hại đến tài chính của mình. Nghe tôi, đừng làm vậy.
Lưu ý: Quyên góp tiền từ thiện, giúp đỡ bạn bè khi họ khó khăn, hoặc cải thiện đời sống của gia đình bạn chắc chắn là việc nên làm.
# 3 - Không theo dõi chi phí
Tôi không biết chính xác mình đã chi bao nhiêu tiền cho người yêu cũ. Tại sao tôi lại không biết? Đơn giản là vì tôi không theo dõi chi phí của mình vào thời điểm đó. Tôi có một khoản thu nhập cho phép tôi chi tiêu thoải mái và tháng nào tôi cũng có tiền để dành. Vậy nên tôi không cảm thấy cần phải biết chính xác mình đã chi bao nhiêu và vào những khoản nào.
Nhưng điều này đã thay đổi khi thu nhập của tôi giảm đi. Tôi bắt đầu theo dõi mọi khoản chi tiêu một cách nghiêm ngặt, đến mức tôi có thể cho bạn biết chính xác mọi thứ tôi đã chi tiêu trong 5 năm qua.
Nếu bạn không theo dõi chi phí của mình, mọi quyết định tài chính sẽ dựa trên cảm tính. Bạn có thể nghĩ rằng bạn tiết kiệm đã được 10% thu nhập của mình. Bạn có cảm giác mình chi 25% lương cho đồ ăn. Bạn nghĩ rằng bạn có thể mua một chiếc xe mới. Nhưng điều này có đúng không?
Theo dõi chi phí thường gắn liền với sự hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên nó cũng cung cấp cho bạn thông tin mà bạn có thể sử dụng để kiểm soát và điều chỉnh cuộc sống của mình.
Nếu bạn có những con số chính xác, bạn có thể thực hiện các phép tính chính xác và tự tin lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong cuộc đời. Ví dụ: bạn có thể tính được bạn cần tiết kiệm thêm 10% để có thể mua chiếc ô tô đó. Hoặc có thể bạn đã có ô tô và nhận ra rằng bạn có thể tiết kiệm 15% ngân sách hàng tháng nếu chuyển sang phương tiện công cộng. Và có lẽ 15% đó chính là số tiền bạn cần tiết kiệm cho chuyến du lịch nước ngoài mà bạn luôn muốn thực hiện.
Bài học
Tình hình tài chính của mỗi người mỗi khác. Vậy nên không phải ai cũng nên nghe theo những lời khuyên tài chính chung chung không phù hợp với cuộc sống của mình. Nhưng có một điều không thể chối cãi được: Bạn luôn có thể làm tốt hơn.
Bạn không thể tiết kiệm 20% tiền lương của mình? Bạn chắc chắn có thể tiết kiệm hơn 2% so với những gì bạn tiết kiệm được bây giờ.
Bạn chưa bao giờ đầu tư tiền của mình? Chắc chắn bạn có thể tiết kiệm được 100 USD và bắt đầu đầu tư ngay bây giờ.
Bạn không có kiến thức về tài chính? Thế thì bắt đầu học thôi. Trên mạng có tất cả các nguồn tài nguyên mà bạn cần và nó đều miễn phí.
Hầu hết các sai lầm tài chính không phải là chuyện xảy ra lần một lần hai. Thay vào đó, bạn sẽ tự nhắc nhở mình mỗi khi ra quyết định cho dù nó là quyết định nhỏ nhặt. Nhận biết, lưu tâm và kiểm soát. Ba từ này bạn nên ghi nhớ trong đầu.
Mai Phương - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính