Chúng tôi hỏi 20 người trẻ ở lứa tuổi từ 23 tới 32 để xây dựng nên ma trận đầu tư cá nhân cho giới trẻ - tất cả những kênh mà bạn từng nghe đến, biết đến, đã thử, có thể đã rút ra, đã thành công, hoặc đã thất bại. Mỗi người một câu trả lời, mỗi người một lựa chọn, thế nhưng có một điểm chung trong mọi phản hồi mà chúng tôi nhận được, đó là: "Tầm này có sổ tiết kiệm chỉ để vừa đủ xác minh tài chính đi du lịch thôi!".
Thế nếu không gửi tiết kiệm , thì người trẻ đang làm gì với số tiền mình kiếm được? Và sau đây là 4 kiểu tài sản được người trẻ chuyển đổi từ tiền mặt mà thành.
Bạn đã có mặt ở mấy ô trong 4 ô vuông màu nhiệm này rồi?
Tài sản cố định: Nhà và đất, hoặc đôi khi là nhà mặt đất
Việc sở hữu một căn nhà đã được chúng tôi nhắc đến nhiều lần và bình thường hoá thông qua những khái niệm cơ bản về thế chấp vay ngân hàng. Về cơ bản, bạn chỉ cần có tối thiểu 20% giá trị căn nhà trong tay để bắt đầu sở hữu căn nhà đầu tiên của mình. Thế nhưng tài sản nhà trong bối cảnh này của chúng ta có phần khác biệt: đây không phải là căn nhà bạn mua để ở, mà là căn nhà bạn mua để đầu tư. Tương tự như đất, đây là tài sản cố định, tuy nhiên không phải mua để sử dụng, mà là để chờ giá trị của chúng thay đổi và bán đi để có thu nhập trong khoản chênh lệch ở giữa.
Tài sản không cố định: Chứng khoán, Tiền ảo
Đây rồi, từ khoá màu nhiệm của năm 2021 - tiền ảo! Nếu bạn theo dõi kỹ làn sóng tiền ảo của năm nay (nếu không muốn nói là của 3 năm trở lại đây), có thể bạn đã thấy có những người có tất cả, và cũng có những người mất tất cả. Điều khác nhau giữa họ ư? Có thể đều là những tư duy sắc bén như nhau, số tiền đầu tư như nhau, thế nhưng điểm khác biệt chính là tính thời điểm.
Thời điểm có thể tạo ra nhiều khác biệt đến như vậy ư? Hãy thử nhìn sang người bạn thân bất đắc dĩ của tiền ảo - chứng khoán. Về cơ bản tiền ảo "học hỏi" khá nhiều cách xây dựng giao dịch của thị trường chứng khoán, cách đọc đồ thị và phân tích kỹ thuật khá giống nhau. Thế nhưng khi đưa yếu tố thời điểm vào so sánh, bạn sẽ nhận ra một vài khác biệt nền tảng giữa hai kiểu tài sản này để cân nhắc trước khi đổ toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào một mã "coin" được đảm bảo sẽ x10 trong khoảng thời gian từ giờ tới cuối tuần.
Tài sản lười biếng: Tiết kiệm và Trái phiếu
Nói là tài sản lười biếng vì tài sản này không những đơn giản, mà lại còn đã quá quen thuộc với bạn: đó là mở sổ tiết kiệm.
Một khoản lãi cố định, tại sao phần lớn người trẻ lại đang chối từ? Câu trả lời khá đơn giản, đặc biệt là khi bạn đang có các phương án đầu tư khác trong tay để cân nhắc: giai đoạn kinh tế khó khăn luôn đi đôi với sự đi xuống của lãi suất tiết kiệm và sự đi lên của lãi suất vay nợ. Với cùng một số tiền, bạn có thể dễ dàng kiếm một khoản lãi đều đặn lớn hơn hàng tháng. Thế nhưng không phải vì vậy mà giá trị của một cuốn sổ tiết kiệm bị phủ nhận: đấy là tài sản đáng tin cậy nhất, có tính thanh khoản nhanh nhất bất cứ khi nào bạn cần xác nhận khả năng tài chính trước bộ máy chính quyền. Bởi vậy cho dù thế nào, chúng tôi cũng khuyến khích bạn hãy luôn có một cuốn sổ tiết kiệm trước khi đầu tư vào bất cứ một tài sản nào khác.
Khi mở nhiều hơn một cuốn sổ tiết kiệm, có lẽ không cần tới chúng tôi bạn cũng đã được chị nhân viên ngân hàng giới thiệu về một khái niệm mới: Trái phiếu. Vậy trái phiếu là gì? Về cơ bản, trái phiếu là một sản phẩm nhằm huy động vốn của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp, ngân hàng, thậm chí là cả Chính phủ đều có khả năng phát hành trái phiếu để kêu gọi vốn từ khách hàng và người dân. Lãi trái phiếu bởi vậy thường cao hơn lãi tiết kiệm thông thường 3-7%, và có tính an toàn cao.
Tài sản rủi ro: Kinh doanh
Sau khi đã tự bản thân mình kinh qua đầy đủ các hạng mục tài sản phía trên và tâm sự cùng 20 người trẻ để tạo nên bài viết này, chúng tôi cảm thấy việc đặt tài sản rủi ro vào đây là không thể thiếu.
Tại sao ư? Vì không một tài sản nào trên đời sẽ đến một cách dễ dàng: đầu tư không phải là con đường tắt đến với sự giàu có. Để đầu tư thành công bạn phải học về thị trường. Để mua được mảnh đất tốt bạn phải đủ thành công để có một mối quan hệ "cùng tầm" đủ chất lượng. Từ một góc nhìn khác, sản phẩm chứng khoán, sản phẩm tiền ảo hay sản phẩm nhà đất cũng không khác gì một sản phẩm kinh doanh mà bạn tin tưởng và quyết định đầu tư vốn liếng của mình vào đó: bạn cần có hiểu biết nhất định về sản phẩm, có niềm tin, có đủ hào hứng và cảm xúc để dành thời gian tìm hiểu và gắn bó, cũng như nhìn thấy con đường tương lai ở sản phẩm ấy.
Vậy nếu bạn cảm thấy không có nhiều cảm xúc cũng như luôn hoa mắt chóng mặt khi phải nhìn vào những bảng con số của chứng khoán hay tiền ảo, đừng lo lắng. Bạn đang không bỏ lỡ điều gì đâu. Mỗi người sẽ phù hợp với một hệ "sản phẩm" khác nhau, và việc của bạn là tìm ra đúng hệ sản phẩm dành cho mình.
Chúc bạn đưa ra quyết định đầu tư thành công cho tương lai của mình!
EBE - DESIGN: HUYỀN TRANG - Theo Pháp luật và bạn đọc
Tin nổi bật Tài chính