Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trong nửa cuối tháng 5. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong quý đầu năm, dòng tiền gửi đã tăng 2,15% so với cùng kỳ. Riêng người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2021.
Rõ ràng, để gia tăng lượng vốn huy động, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trong nửa cuối tháng 5. Lãi suất tiền gửi tăng với biên độ từ 0,3-0,4%/năm, cá biệt có ngân hàng tăng đến 0,8% một năm.
Cụ thể, khoảng 20 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy trên 6% một năm. Con số này với kênh online là 23 ngân hàng. Trung bình mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy và online lần lượt đạt 6,11% và 6,28%.
Lãi suất tiền gửi tăng là tin vui với những ai đang có nhu cầu gửi tiết kiệm để phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống.
"Chia nhỏ số tiền của mình ra ở các sổ khác nhau", một người gửi tiết kiệm chia sẻ.
"Tôi thường chọn gửi tiết kiệm online vì nó linh hoạt về mặt thời gian cũng như không bắt buộc phải ra quầy giao dịch", một người khác chia sẻ.
Tùy vào mục đích tiết kiệm (để mua nhà, mua xe, đóng tiền học cho con, dưỡng già...), người gửi có thể chọn kỳ hạn tiết kiệm phù hợp. Các kỳ hạn tiết kiệm dài, lãi suất sẽ cao hơn, nhưng sẽ khiến dòng tiền bớt linh động hơn.
"Để yên tâm hơn thì họ gửi vào một số ngân hàng lớn. Còn một số muốn lãi suất cao hơn, nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn thì họ gửi vào một số ngân hàng cỡ trung bình. Các phương án đó không có vấn đề gì, vẫn có bảo hiểm tiền gửi, thứ hai là hệ thống ngân hàng luôn luôn được Chính phủ bảo đảm", ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV, cho biết.
Chuyên gia cũng lưu ý người gửi tiền tính tính toán mức lãi suất thực, đồng nhất theo năm, để dễ so sánh các kỳ hạn gửi tiết kiệm của các ngân hàng khác nhau.
Theo VTV
Tin nổi bật Tài chính