Không bằng cấp, kinh nghiệm hay chứng chỉ hành nghề, nhiều người trẻ tự xưng là chuyên gia tài chính để hướng dẫn cách làm giàu nhờ chứng khoán, tiền ảo.
Có thể bạn đã từng nghe về người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhưng bạn đã biết đến "finfluencer" chưa? Đây là sự kết hợp giữa "financial" (tài chính) và "influencer" (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Bắt nguồn từ Mỹ và đang dần phổ biến trên khắp thế giới trong vài năm trở lại đây, finfluencer dùng để chỉ những "chuyên gia tài chính" sử dụng mạng xã hội như một nền tảng để đưa ra lời khuyên về bất cứ điều gì liên quan đến tài chính, từ lập ngân sách, tiết kiệm, mua nhà cho đến đầu tư.
Các "chuyên gia tài chính" tự xưng này luôn nói rằng họ đang giúp người trẻ và những người mới đầu tư lần đầu trở nên hiểu biết hơn về tài chính. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có đủ kiến thức để đưa ra lời khuyên hữu ích. Điều đó có nghĩa là khi lướt Instagram hay TikTok, đôi khi bạn sẽ thấy những lời khuyên tài chính vô dụng.
Thậm chí, một số "chuyên gia" còn bị cáo buộc nói dối hay quảng cáo cho các sàn giao dịch tiền số lừa đảo để thu lợi bất chính. Luật và quy định xung quanh vấn đề này vẫn còn khá mơ hồ ở nhiều quốc gia, vì vậy, người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng trước thông tin mà các "chuyên gia" tự xưng chia sẻ.
Sự nổi lên của các finfluencer dẫn đến sự gia tăng đột biến số lượng các nhà đầu tư thế hệ mới, đặc biệt là thế hệ Z, trong thị trường cổ phiếu.
Ước tính, có khoảng 435.000 nhà đầu tư mới đã mua cổ phiếu lần đầu tiên trong năm ngoái. 18% trong số đó ở độ tuổi dưới 25, 49% ở độ tuổi từ 25 – 39, theo công ty nghiên cứu Investment Trends.
Trên Tik Tok, hashtag "FinTok" - được sử dụng bởi những finfluencer như Queenie Tan - đã thu hút hơn 400 triệu lượt xem, trong khi hashtag "stocktock" có 1,4 tỷ lượt xem, hashtag "crypto" có 4,38 tỷ lượt xem và hashtag "cryptocurrency" có 1,68 tỷ lượt xem.
Dù không có bằng cấp về tài chính và cũng không phải cố vấn tài chính được cấp phép hoạt động, Tan đã làm tốt công việc của "chuyên gia tài chính" tự xưng đến nỗi cô bỏ hẳn việc trong lĩnh vực marketing để tập trung vào việc tạo nội dung đầu tư trực tuyến.
Cô chia sẻ: "Tôi bắt đầu kênh YouTube vào năm ngoái, trong đại dịch, vì thấy có rất nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính. Tôi không đến từ một gia đình giàu có. Tôi muốn chia sẻ thông tin và những gì mình trải nghiệm trong vài năm qua".
Cô gái 23 tuổi kiếm được khoảng 5.000 USD/tháng từ quảng cáo trên video YouTube mà cô quay ngay tại phòng khách của mình và từ quan hệ hợp tác với các ngân hàng, nền tảng đầu tư.
Tan có 17.900 người đăng ký trên YouTube, 20.300 người theo dõi trên Instagram và 62.000 người theo dõi trên TikTok (với tổng cộng 400.000 lượt xem đến nay). Giống nhiều finfluencer khác, Tan luôn thêm tuyên bố từ chối trách nhiệm vào các bài đăng trên mạng xã hội của mình.
"Tôi không phải cố vấn tài chính và đây không phải lời khuyên tài chính hay đầu tư", cô nói trong một video. Tuy nhiên, tên tài khoản Instagram cho công việc này của cô lại là "Invest with Queenie" (Đầu tư cùng Queenie).
Tan nói rằng video của cô đã lấp đầy khoảng trống trên thị trường đầu tư. "Điều quan trọng đối với người xem trẻ tuổi là họ cảm thấy được truyền cảm hứng và tiền bạc không phải vấn đề cấm kỵ nhắc tới. Đó là lý do tôi muốn tạo nội dung miễn phí cho họ - những người có thể không có hàng nghìn USD để gặp một cố vấn tài chính", cô chia sẻ.
Tuy nhiên, Angel Zhong - giảng viên cao cấp về tài chính tại RMIT (Australia), cho biết sự bùng nổ các finluencer đang tồn tại nhiều mặt tối, đặc biệt là "pump and dump" (bơm thổi rồi bán tháo). Đây là hình thức gian lận chứng khoán đầy rẫy trên mạng và chủ yếu được quảng bá bởi những người có ảnh hưởng.
"Tôi đã thấy nhiều finfluencer khuyến khích người theo dõi vay tiền trên một nền tàng nào đó để đầu tư vào tiền số hoặc thậm chí là khuyến khích họ bỏ việc để trở thành một nhà giao dịch toàn thời gian. Điều này rất rủi ro", Zhong cho biết thêm.
Vấn đề trên đang thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý, trong đó có Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC). Gần đây, ASIC đã nhận được không ít báo cáo của nhà đầu tư trẻ về những trò gian lận, bán phá giá cũng như các finfluencer không có giấy phép.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Zhong, quy định xung quanh các cuộc thảo luận trực tuyến về đầu tư cần được cập nhật bởi quy tắc ban hành lần gần đây nhất là từ năm 2007 và đã lỗi thời.
Ngoài ra, bà lưu ý thêm rằng lời khuyên tài chính trên story của Instagram sẽ biến mất sau 24 giờ. Ở thời điểm cơ quan quản lý nhận được báo cáo, chứng cứ có thể đã biến mất, cản trở công tác điều tra.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Australia – Jane Hume lại không ủng hộ lời kêu gọi bổ sung quy định và cho rằng việc cấm finfluencer không phải là giải pháp.
"Điều quan trọng là khi thấy bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội, bạn phải kiểm tra độ tin cậy của chúng. Đối với lời khuyên tài chính, bạn phải tìm hiểu xem người đó có được cấp phép để chia sẻ thông tin hay không", bà nói thêm.
Theo CEO của Hiệp hội môi giới chứng khoán và cố vấn tài chính Australia – Judith Fox, người dùng mạng xã hội nên tự biết cân nhắc, tìm hiểu kỹ các thông tin để không gặp phải sự cố không mong muốn.
Nguồn: ABC
Mộc Tiên - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Tài chính