Một khảo sát hồi tháng 12/2020 của Navigos cho thấy với thu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường tại TP.HCM và Hà Nội là 72 triệu đồng một năm. Thời điểm này, giá căn hộ 2 phòng ngủ bình quân lên đến 2 tỉ đồng. Như vậy, giá căn hộ hiện cao hơn thu nhập của người trẻ tới 28 lần.
Đối với nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, thu nhập bình quân 120 triệu đồng một năm, thì giá căn hộ cũng cao gấp 17 lần thu nhập trung bình.
Đối với trưởng nhóm và giám sát có thu nhập trung bình 192 triệu đồng mỗi năm, thì giá căn hộ trên thị trường cao gấp 10 lần thu nhập.
Với những người trẻ mới ra trường thu nhập chỉ khoảng chục triệu đồng thì bao giờ mới mua được nhà? Theo các chuyên gia, để làm được điều này cũng như hoàn thành được các mục tiêu lớn về tài chính khác, người trẻ cần sớm xây dựng cho mình thói quen quản lý tài chính cá nhân.
Điều rất quan trọng nhưng ít được học trong nhà trường
Theo định nghĩa của Investopedia, tài chính cá nhân là một thuật ngữ bao gồm việc quản lý tiền của bạn cũng như tiết kiệm và đầu tư. Những yếu tố cấu thành nên tài chính cá nhân bao gồm lập ngân sách, ngân hàng, bảo hiểm, thế chấp, đầu tư, lập kế hoạch hưu trí, thuế và kế hoạch bất động sản. Để tận dụng tối đa thu nhập và khoản tiết kiệm của bạn, điều quan trọng là phải hiểu biết về tài chính, để bạn có thể phân biệt lời khuyên tốt và không tốt và đưa ra quyết định thông minh.
Chia sẻ trên một talkshow gần đây, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền có cách giải thích đơn giản để người trẻ dễ hình dung về khái niệm này. Theo ông trong mọi hoạt động hàng ngày của mỗi người như: đi ăn sáng, đưa con đi học, đi làm, đi chơi,… đều có liên quan đến tài chính. Suy cho cùng tất cả những hoạt động này đều sử dụng tài sản của mình có, dễ thấy nhất là tiền mặt.
"Nói chung phần lớn hoạt động hàng ngày của mình là đi sử dụng tài sản của mình có. Mình có nhiều xài nhiều, có ít xài ít. Quy về tài chính suy cho cùng là tiền vào, tiền ra. Ví dụ đi ăn sáng, đưa con đi học, đi chơi là xài tiền. Đi làm là kiếm tiền. Mục tiêu trong cuộc sống của là làm sao để cái mình kiếm được phải nhiều hơn cái mình chi ra. Khi cái mình kiếm được nhiều hơn chi ra thì phần chênh lệch quay lại thành tài sản của mình", tiến sỹ Điền phân tích.
Ví dụ một bạn trẻ có thu nhập 20 triệu đồng, chi tiêu hết 10 triệu đồng thì phần còn lại 10 triệu đồng được phân bổ vào tài sản. Khi tài sản của mình càng lớn thì càng có khả năng sinh lời.
Về quản lý tài chính theo chuyên gia kinh tế này cần ghi nhớ 4 nội dung quan trọng: Thứ 1, làm sao để kiểm soát chi tiêu. Thứ 2 là làm sao để gia tăng thu nhập. Thứ 3 là sau khi mình đi làm có thu nhập nhiều hơn chi tiêu, tích luỹ được tài sản thì làm sao để dùng cái tài sản đó sinh lời, tạo ra nguồn thu cho mình. Thứ 4 muốn tăng thu nhập thì chúng ta phải sử dụng tốt tài sản nhưng nếu chúng ta chờ tài sản đủ lớn để tạo ra thu nhập thì nó rất là khó. Lúc đó chúng ta phải tìm nguồn khác gọi là đòn bẩy tài chính.
Việc đầu tiên là phải tiết kiệm
Một chuyên gia tài chính khác là ông Lâm Minh Chánh cũng đồng ý với quan điểm trên. Theo ông Chánh, số tiền thu nhập hàng tháng 10 triệu hay 20, 30 triệu chúng ta đều có thể bắt đầu nghĩ đến việc quản lý tài chính. Và bước đầu tiên là phải tiết kiệm trước rồi mới sử dụng, chi tiêu.
"Cứ có tiền ra là phải tiết kiệm trước nhưng hầu hết chúng ta đều đang làm ngược lại là sử dụng trước. Chúng ta cần thay đổi thói quen này", ông Chánh nhấn mạnh.
Để thay đổi thói quen này, chuyên gia này cho rằng việc đầu tiên cần làm là phải ghi lại chi tiêu của mình trong vòng 3 tháng. Hiện có rất nhiều phần mềm, ứng dụng trên điện thoại, hay ghi sổ tay để chúng ta làm được điều này. Sau khi lại thống kê chi tiêu trong 3 tháng, chúng ta bắt đầu sắp xếp theo những khoản mục như thiết yếu ở, ăn, mặc, đi lại, giao tiếp, học hành. Từ đây bạn sẽ nhận thấy có những chi tiêu không quan trọng, không cần thiết, không chi cũng không xảy ra vấn đề gì thì chúng ta cắt bỏ.
"Có nhiều sách đưa ra các tỷ lệ khác nhau nhưng tôi không theo phương án đó. Mỗi người sẽ có một cách khác nhau", ông chia sẻ. Theo đố qua 3 tháng qua khi bạn biết, cắt những cái không quan trọng đi thì sẽ tự có cách sống của riêng mình, tỷ lệ chi tiêu của mình. Ngoài ra bạn còn sẽ có ngay trong tay 10-20% chi tiêu dư ra để bắt đầu tiết kiệm. Sau khi đã nhìn ra được tỷ lệ này, đến tháng thứ 4 bạn sẽ tự cắt ra trước 10-20% để dành cho tiết kiệm.
Chuyên gia Lâm Minh Chánh phân tích thêm tiết kiệm xong mình phải tích luỹ, đầu tư. Nếu chưa biết đầu tư đơn giản nhất là gửi ngân hàng hoặc mua bảo hiểm nhân thọ. Hoặc có những người giỏi hơn nữa có thể bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ. Hai sản phẩm đầu tư mà ông Chánh cho rằng nên cân nhắc là bất động sản, cổ phiếu. Trước khi quyết định xuống tiền nên hỏi "Người ta làm thế nào để ra tiền?", nếu không trả lời được câu hỏi đó thì đừng nên vội đi đầu tư.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị - Thảo Nguyên
Tin nổi bật Tài chính