Đại dịch Covid-19 đã gây nên sự gián đoạn lớn đối với các nền kinh tế và thị trường lao động với những tác động nặng nề đến việc làm cho thanh niên tại châu Á và Thái Bình Dương, báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết.
Báo cáo với tiêu đề "Giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên do đại dịch Covid-19 gây nên tại châu Á và Thái Bình Dương", cho rằng triển vọng việc làm của thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đang bị thách thức nghiêm trọng do đại dịch gây nên bởi Covid-19.
Thanh niên (những người trong độ tuổi từ 15-24) sẽ tức thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người trưởng thành (25 tuổi trở lên) trong cuộc khủng hoảng và cũng có nguy cơ phải gánh chịu những chi phí kinh tế và xã hội cao hơn trong thời gian dài hơn, mà báo cáo gọi là "những vết sẹo".
Nếu không được quan tâm thích đáng, chúng tôi sợ rằng khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một "thế hệ bị phong tỏa"
"Những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên nay đã tăng lên bội phần do đại dịch Covid-19. Nếu không được quan tâm thích đáng, chúng tôi sợ rằng khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một "thế hệ bị phong tỏa", họ sẽ phải gánh chịu hệ quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng này nhiều năm sau nữa", bà Sara Elder - Tác giả chính của báo cáo, Trưởng bộ phận Phân tích Kinh tế và Xã hội Khu vực của ILO - cho biết.
Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ trong khu vực triển khai các biện pháp cấp bách trên quy mô lớn và có tính mục tiêu nhằm tạo việc làm cho thanh niên, duy trì công tác giáo dục và đào tạo và giảm nhẹ những vết sẹo có thể để lại trong tương lai đối với hơn 660 triệu thanh niên trong khu vực.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng Covid-19, thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đã phải đối mặt với những thách thức trên thị trường lao động, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và tỷ lệ lớn thanh niên không được tham gia học hành và không có việc làm. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực là 13,8%, trong khi tỷ lệ này của người trưởng thành là 3% và hơn 160 triệu thanh niên (24% dân số) ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET).
4/5 lao động trẻ trong khu vực làm công việc phi chính thức, tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ của người trưởng thành, và cứ trong bốn lao động trẻ thì có một người phải sống trong điều kiện nghèo cùng cực hay nghèo vừa phải.
Báo cáo nêu rõ ba phương diện mà cuộc khủng hoảng đang tác động đến thanh niên: (1) gián đoạn việc làm dưới hình thức giảm thời giờ làm việc và giảm thu nhập và mất việc làm đối với cả lao động làm công ăn lương và lao động tự làm; (2) gián đoạn trong công cuộc giáo dục và đào tạo và (3) khó khăn trong quá trình chuyển tiếp từ trường học đến việc làm và chuyển đổi giữa các công việc trong thời kỳ suy thoái.
Gián đoạn trong việc làm cho thanh niên ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề
Báo cáo đưa ra dự báo, 13 quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể sẽ phải gánh chịu mức tổn thất 10 đến 15 triệu việc làm cho thanh niên (tương đương với việc làm toàn thời gian) trong năm 2020.
Ở Campuchia, Fiji, Nepal, Pakistan, Philippines và Thái Lan, ước tính tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với số liệu ước tính năm 2019.
Riêng tại Việt Nam, dự báo nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ có 548.000 thanh niên sẽ mất việc, tương đương tỷ lệ 13,2% số lao động trẻ trong năm 2020. Con số này vẫn thấp hơn các quốc gia trong khu vực và đặc biệt là các nước phụ thuộc du lịch.
Theo báo cáo, một trong những nguyên do mà thanh niên trong khu vực phải đối mặt với những gián đoạn thị trường lao động và tổn thất việc làm lớn hơn so với người trưởng thành là gần một nửa trong số họ (hơn 100 triệu người) đã làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng là lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ và sửa chữa; sản xuất; dịch vụ thuê mướn và kinh doanh; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Báo cáo cho biết thêm, thêm cả việc giáo dục và đào tạo buộc phải tạm ngừng, khủng hoảng Covid-19 sẽ tác động đến quá trình chuyển dịch của thanh niên đến thị trường lao động và dịch chuyển trong thị trường lao động và có thể sẽ để lại những vết sẹo như các cuộc khủng hoảng trước đây đã gây nên.
Báo cáo khuyến nghị cần có những biện pháp ứng phó cấp bách, quy mô lớn và có mục tiêu bao gồm cả trợ cấp tiền lương cho thanh niên và các chương trình việc làm công và các biện pháp giảm thiểu tác động đối với học sinh sinh viên mà việc học hành đào đạo bị gián đoạn. Các chính phủ nên cân nhắc việc cân đối giữa (i) đưa thanh niên tham gia vào thị trường lao động quy mô lớn hơn và là đối tượng của các biện pháp phục hồi kinh tế với (ii) các biện pháp can thiệp hướng tới thanh niên nhằm tối đa hóa việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
Ông Paul Vandenberg, tác giả chính, Chuyên gia Kinh tế cao cấp thuộc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác Phát triển Khu vực của ADB, cho biết: "Việc ưu tiên vấn đề việc làm cho thanh niên trong quá trình phục hồi hậu COVID-19 sẽ cải thiện triển vọng tương lai của châu Á và Thái Bình Dương vì tăng trưởng bao trùm và bền vững, chuyển đổi nhân khẩu học và ổn định xã hội."
Bình An - Theo Trí Thức Trẻ
Tin nổi bật Tài chính