Ngân hàng Nhà nước nói gì về Bitcoin?

Bitcoin hoặc một số loại tiền khác không phải đồng tiền pháp lệnh cũng không phải là tiền điện tử...

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 2/3, Phó Thống đốc Đào Minh tú đã có thông đến Bitcoin và vấn đề thanh toán tại Việt Nam.

Đầu tiên, Phó Thống đốc cho rằng, gần đây vấn đề về tiền ảo và đầu tư vào tiền ảo đang rộ lên. Tuy nhiên, từ năm 2012-2013 đã đặt ra câu chuyện này và năm 2014 đã có tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng, xác định tiền ảo là tiền nào.

“Ví dụ như tiền Bitcoin hoặc một số loại tiền khác có phải là tiền pháp lệnh của chúng ta không? Chúng tôi khẳng định không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Đây cũng không phải là tiền điện tử”, ông Tú nói.

Đồng thời, ông Tú cũng cho rằng đây không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam.

“Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho biết, cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Cũng liên quan đến vấn đề thanh toán tại Việt Nam như trung gian thanh toán, ví điện tử…, Phó Thống đốc đánh giá, sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay đang rất nhanh, đem lại lợi ích lớn trong cuộc sống, nhất là những dịch vụ trung gian thanh toán như hiện nay.

“Hiện có rất nhiều sản phẩm, rất nhiều đơn vị cung ứng những dịch vụ này nhưng Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng bảo đảm an toàn an toàn cho việc cung ứng sản phẩm trung gian thanh toán và làm sao có những đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro của chính những đơn vị đó và cho những người tham gia thanh toán”, ông Tú nói.

Chính vì thế, đã có rất nhiều văn bản như Thông tư 19, Thông tư 35, thậm chí không phải ban hành gần đây mà ban hành rất lâu rồi, có văn bản từ năm 2014 đã cảnh báo những rủi ro này. Bên cạnh đó, hằng năm, Ngân hàng Nhà nước đều chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như các trung gian thanh toán thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng.

“Tuy nhiên, những giao dịch thông qua hệ thống công nghệ không hợp pháp ở Việt Nam sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét để có phương pháp xử lý thích hợp”, ông Tú nhấn mạnh.

Mặt khác, Phó Thống đốc cũng lưu ý, người dân khi tham gia vào các hệ thống thanh toán cần bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của mình, tuân thủ những quy định để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia. Đặc biệt, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước rất mong người dân quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức tín dụng.

Vũ Phong - Theo VnEconomy

Các bài viết liên qua đến Ngân hàng Nhà nước nói gì về Bitcoin?