Theo nguyên lý thông thường, khi nắm giữ cổ phiếu của một công ty, chắc chắn các nhà đầu tư đều mong đợi công ty đó sẽ hoạt động hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao. Nếu một công ty mà bạn nắm giữ cổ phiếu bỗng nhiên phá sản, chắc chắn bạn sẽ không còn gì trong tay. Tuy nhiên, nguyên lý đó đã không còn đúng trong bối cảnh hiện nay.
Hertz, Whiting Petroleum, Pier 1 và J.C. Penney là những công ty đã tuyên bố phá sản sau đại dịch Covid-19; tuy nhiên cổ phiếu của những công ty này đều tăng ít nhất 70% chỉ trong một phiên giao dịch đầu tuần này, thậm chí có cổ phiếu còn tăng giá gấp đôi. Trong khi đó, hai tập đoàn năng lượng Chesapeake Energy và California Resources vừa dự định nộp đơn xin phá sản, cũng chứng kiến đà tăng phi mã của cổ phiếu từ vài đồng xu nhỏ lẻ lên 2 đô la chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Đà tăng bất ngờ và khó đoán của các cổ phiếu này sau khi công ty tuyên bố phá sản được đánh giá là dấu hiệu của sự hồi phục kinh tế và việc các quốc gia dần mở cửa trở lại. Hôm thứ Hai đầu tuần, chỉ số S&P 500 cũng đánh dấu mức tăng trưởng ngoạn mục nhất kể từ đầu năm 2020 khi tăng hơn 47% so với thời kỳ chạm đáy giữa tháng 3.
Khi điều kiện kinh tế được cải thiện một cách bất ngờ, các nhà đầu tư hi vọng rằng những công ty đã lâm vào cảnh phá sản sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn so với giai đoạn khủng hoảng tăm tối. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, khó có thể khẳng định rằng những khoản đặt cược này là rủi ro hay không và liệu những cổ phiếu trong tay các nhà đầu tư có bị xoá sổ trong phút chốc?
"Các nhà đầu tư đừng mù quáng chạy theo cổ phiếu Hertz hay Chesapeake bởi chúng có thể biến thành mớ giấy lộn vì là cổ phiếu phổ thông với mức độ ưu tiên thấp nhất trong giai đoạn phá sản", nhà đầu tư Jim Cramer chia sẻ trong một bài đăng trên Twitter vào thứ Ba.
Theo đó, nhà quản lý quỹ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư cho rằng "cổ phiếu phổ thông của Chesapeake hoàn toàn vô giá trị".
"Rất nhiều người đang lao vào và muốn kiếm tiền nhanh chóng bởi họ nghĩ rằng nếu sở hữu cổ phiếu của Chesapeake thì sau này sẽ có những nhà đầu tư khác sẵn sàng trả giá cao hơn. Tôi nghi ngờ đây liệu có phải là một chiến lược dài hạn hay chỉ là một quân bài xúc xắc may rủi", Cramer nhấn mạnh.
Nhiều nhà đầu tư phố Wall cho rằng hành động "đánh bạc" này cho thấy niềm tin vào sự hồi phục của thị trường đang tăng cao. Trong khi đó, Julian Emanuel – chiến lược gia tại quỹ quản lý vốn BTIG gọi đó là dấu hiệu của một sự "thổi phồng thái quá", điều mà ông đã chứng kiến khi bong bóng công nghệ vỡ tan ở giai đoạn đầu thế kỷ.
"Có một vài điều chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới, nhưng thực tế là chúng ta đã chứng kiến từ nhiều năm trước. Các nhà đầu tư đang đổ xô mua vào cổ phiếu của các công ty phá sản khiến cho giá trị của những cổ phiếu này tăng 100%, 200%, thậm chí 300%. Đây là một loại hành vi đầu cơ mà chúng ta đã chứng kiến từ cuối những năm 1999 và đến hiện tại, đầu năm 2020. Điều này hoàn toàn không có lý giải hợp lý", chiến lược gia Emanuel chia sẻ trên CNBC.
Sự phục hồi trong giá trị cổ phiếu của những cái tên đã nộp đơn phá sản một phần được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn giao dịch mua bán hàng ngày như Robinhood. Theo báo cáo của Robintrack, hoạt động giao dịch của các công ty này trên Robinhood đã tăng vọt chỉ trong vài ngày sau khi nộp đơn xin phá sản.
"Thật tuyệt vời khi một ngày nào đó Las Vegas mở cửa trở lại nhưng ai sẽ cần tới nó khi bạn đã nắm trong tay những cổ phiếu khác thay thế. Sau một cuộc chạy đua kì diệu kể từ hồi tháng 3, giờ đây chúng ta đã thấy rõ những khoảng trống trên thị trường. Rõ ràng hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã làm tăng giá cổ phiếu của những công ty phá sản gần đây. Đó là lý giải hợp lý duy nhất cho sự tăng trưởng "phi lý" này", Peter Boockvar - Giám đốc phụ trách đầu tư tại Tập đoàn Tư vấn Bleakley nhận định.
Tham khảo CNBC
Hà My - Theo Nhịp sống kinh tế
Tin nổi bật Tài chính