Tiền rẻ “mùa 2”, lịch sử bùng nổ của thị trường chứng khoán có lặp lại?

Nền kinh tế chuẩn bị đón tiền rẻ “mùa 2”, với chính sách từng có trong năm 2009 và thị trường chứng khoán năm đó bùng nổ…

Ngày 20/5, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vay vốn. Khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được dùng để hỗ trợ, tương ứng với khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng nằm trong diện ưu đãi này (theo tính toán của Bộ Tài chính trước đó).

Chính sách này gợi nhớ lại năm 2009 lịch sử. Khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, nền kinh tế suy giảm, Chính phủ đã tung gói kích cầu cấp bù lãi suất 4%/năm với quy mô khoảng 1 tỷ USD.

Con sóng lịch sử 2009

Trước khi có gói kích cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có quãng lao dốc thảm khốc trong năm khủng hoảng 2008; chỉ số VN-Index mất tới 605,45 điểm, ứng với mức giảm tới 65,33%.

VN-Index chuyển giao mức 315,62 điểm cho năm 2009. Đà lao dốc tiếp tục mạnh hơn hai tháng sau đó, rơi xuống chỉ còn 235,5 điểm vào phiên 24/02/2009.

Tháng 02/2009 cũng là dấu mốc lịch sử khi gói kích cầu cấp bù lãi suất chính thức triển khai (từ 02/02), nhưng VN-Index phải gần một tháng sau đó mới bắt đầu phục hồi; gói kích cầu rút ngắn độ trễ để ngấm vào nền kinh tế, bao gồm phản ứng tích cực trên TTCK.

Hơn cả tích cực, TTCK một tháng sau khi triển khai gói cấp bù lãi suất, VN-Index bắt đầu quãng bùng nổ thực sự. Từ 235,5 điểm ngày 24/02, chỉ số này liên tiếp tăng vọt lên 347,81 điểm vào 15/4, tức tăng gần 50% chỉ sau chưa đầy vài tháng kích cầu.

Chưa dừng lại, hàn thử biểu của TTCK Việt Nam tiếp tục vượt các mốc 400, 500 điểm hai tháng sau đó. Điều chỉnh diễn ra trong quý 3, để rồi đến tháng 10/2009 VN-Index tiếp tục bùng nổ và chạm mốc 600 điểm.

Trước đó, giới chuyên gia và nhà đầu tư mơ mộng nhất cũng không thể hình dùng một con sóng cực lớn như vậy, từ 235,5 điểm lên tới 600 điểm của năm lịch sử kích cầu 2009.

Một tháng sau khi gói cấp bù lãi suất ngấm vào thị trường, VN-Index bắt đầu tăng bùng nổ trong năm 2009

Tiền rẻ “mùa 2” và những khác biệt

Một lần nữa nền kinh tế Việt Nam đón chương trình kích cầu qua hỗ trợ lãi suất 2%/năm, có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 và áp dụng đến 31/12/2022 (hiệu lực của Nghị định 31).

Trước khi triển khai gói này, TTCK cũng chứng kiến đà lao dốc rất mạnh, VN-Index từ quanh 1.530 điểm rơi thẳng về quanh 1.150 điểm chỉ trong khoảng 1,5 tháng. Và hiện nay thị trường đứng trước gói kích cầu quy mô lớn, chờ độ trễ được rút ngắn và giá trị ngấm vào thị trường.

So sánh vẫn thường khập khiễng, và dĩ nhiên các yếu tố nội tại của nền kinh tế cũng như TTCK hiện nay khác với năm 2009. Song, có một điểm chung lớn: tiền rẻ.

Năm 2020 và 2021, mùa tiền rẻ đầu tiên đến bởi đại dịch COVID-19 xẩy ra, lãi suất đồng loạt giảm và mức độ rẻ được nhìn nhận trên thị trường liên ngân hàng khi các mức sát 0% thể hiện và kéo dài; lãi suất huy động và cho vay cũng xuống các vùng thấp lịch sử.

Năm 2022, mùa tiền rẻ thứ hai cũng đang hình thành, khi chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm triển khai. Xét về lãi suất cho vay, tiền rẻ theo chương trình này còn thấp hơn năm 2020 và 2021.

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 3/2022, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,2%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).

Với mặt bằng trên, qua hỗ trợ lãi suất 2%/năm, một vùng tiền rẻ ở các nhóm đối tượng vay vốn được thụ hưởng sẽ chỉ còn khoảng 3-7%/năm tùy cơ cấu kỳ hạn thời gian tới.

Trong khi đó, năm 2009, theo dữ liệu của NHNN, lãi suất cho vay từng chặn trần ở 10,5%/năm, vào cuối năm bỏ trần ghi nhận phổ biến ở 12%/năm, tức cao hơn nhiều so với mặt bằng hiện nay.

Tuy nhiên, năm 2009 lại có thuận lợi lớn xét về yếu tố tạo tiền là tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng bùng nổ, tương ứng tăng 28,99% và 37,53%; còn nay NHNN định hướng tăng trưởng cung tiền cũng như tín dụng cả năm dự kiến chỉ xoay quanh 14%.

Dù có những khác biệt giữa năm lịch sử kích cầu 2009 với hiện nay, song điểm chung là có nguồn tiền rẻ kích thích quy mô lớn và đều có ảnh hưởng tới nền kinh tế, trong đó có TTCK.

Như trên, so sánh có thể khập khiễng, cũng như nội tại nền kinh tế và TTCK đã có nhiều khác biệt, song có một khác biệt đáng chú ý nữa: năm 2009 rường cột của nền kinh tế là hệ thống các NHTM "liêu xiêu", bộc lộ nhiều rủi ro dồn đẩy cho "khủng hoảng" bấp bênh bên bờ đổ vỡ vài năm sau đó để rồi buộc phải tái cơ cấu, thì nay các nhà băng Việt Nam lại gia cố được các yếu tố nền tảng mạnh mẽ ngay trong chính khủng hoảng COVID-19 hai năm qua.

Hệ thống NHTM vừa có quãng gia tăng vốn điều lệ tốt nhất kể từ giai đoạn 2006-2007; nhiều thành viên duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận cao liên tiếp các quý từ trong năm 2021 đến quý 1/2022, và dự kiến tốc độ này chưa dừng lại.

Một khác biệt lớn nữa cũng được chú ý, năm 2009 lạm phát của Việt Nam ở mức khá cao với gần 7%, thì nay vẫn đang được kiểm soát rất thấp với mục tiêu dưới 4% năm nay. Tuy nhiên, áp lực lạm phát hiện nay cũng đang phảng phất bóng dáng của "một kè thù" đối với TTCK, khi giá cả hàng hóa có xu hướng tăng lên những tháng đầu năm cho đến nay…

Theo Minh Đức

Các bài viết liên qua đến Tiền rẻ “mùa 2”, lịch sử bùng nổ của thị trường chứng khoán có lặp lại?