Từng là quốc gia có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh được đánh giá là “mạnh tay” nhất thế giới, New Zealand , ngày 4/10, tuyên bố sẽ không theo đuổi mục tiêu đưa số lượng các ca nhiễm về 0 nữa.
Chiến lược Zero Covid đòi hỏi các địa phương phải phong tỏa chặt chẽ (dù chỉ phát hiện ra một hoặc vài ca lây nhiễm), xét nghiệm diện rộng, kiểm soát biên giới, đồng thời đẩy nhanh truy vết và áp dụng các quy định cách ly y tế bắt buộc.
Quyết định được đưa ra sau khi các biện pháp phong tỏa tại thành phố Auckland không phát huy được tác dụng, do sự lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Delta. Theo ước tính, chủng virus này có tốc độ lây lan cao hơn đến 60% so với biến chủng Alpha, phát hiện hồi cuối năm 2020.
New Zealand từ đầu đã khá cứng rắn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Jacinda Ardern thậm chí cho phong tỏa toàn bộ đất nước trong tháng 8 sau khi phát hiện một ca Covid-19 do biến chủng Delta tại Auckland. Đây là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại quốc gia này sau 6 tháng.
Nhưng hôm 4/10, bà Ardern thông báo rằng các biện pháp phong tỏa tại Auckland sẽ được nới lỏng từ từ và chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang có sự thay đổi.
"Đối với đợt bùng phát lần này, rõ ràng rằng các biện pháp phong tỏa kéo dài không còn phát huy tác dụng", bà Ardern phát biểu trong một buổi họp báo. "Nhưng điều đó không phải là vấn đề quá lớn. Phong tỏa là điều cần thiết khi chúng ta chưa có đủ vaccine. Nhưng hiện tại, khi đã có được nguồn vaccine cần thiết, chúng ta sẽ thay đổi cách thức chống dịch".
Bà Ardern cho biết việc duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bà cho rằng, bên cạnh "việc kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta cũng cần dịch chuyển từ một giai đoạn mà chúng ta chỉ sử dụng các biện pháp mạnh tay sang một giai đoạn mà chúng ta sử dụng vaccine là một vũ khí để chống chọi lại với Covid-19".
Tại sao Zero Covid không còn hiệu quả
Đây là lần đầu tiên New Zealand công khai tuyên bố thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh, sau khi quốc gia láng giềng Australia cũng có động thái tương tự, chấm dứt cách tiếp cận Zero Covid vào đầu tháng 9. Họ cho rằng sự thay đổi là cần thiết để có thể "sống chung” với đại dịch.
Giống như New Zealand, quyết định của Australia khi chấm dứt chiến lược Zero Covid được đưa ra sau khi các biện pháp phong tỏa tại thành phố Melbourne không thể kiểm soát được đà lây lan dịch bệnh tại đây.
Tại thời điểm đó, Daniel Andrews, thống đốc bang Victoria, nhấn mạnh rằng "chúng ta phải hy sinh rất nhiều để thực hiện các biện pháp phong tỏa với mục tiêu hạ thấp số lượng các ca nhiễm, thế nhưng con số đó lại không ngừng tăng lên".
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi chính sách chống dịch cũ có sự thay đổi, đồng thời nhấn mạnh rằng chính biến chủng Delta đã khiến cho cách tiếp cận cũ không còn phát huy tác dụng.
"Không ngạc nhiên khi New Zealand quyết định từ bỏ chiến lược Zero Covid. Biến chủng Delta với tốc độ lây lan cao đã thay đổi cuộc chơi này, đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn các ca nhiễm là điều không thể", theo Lawrence Young, nhà vi khuẩn học đồng thời là giáo sư ung thư học phân tử tại Đại học Warwick.
"Điều đó không có nghĩa rằng cách tiếp cận cũ của New Zealand và Australia, bao gồm thắt chặt biên giới, cách ly bắt buộc và thần tốc truy vết, không phát huy được tính hiệu quả, nhưng việc kéo dài những biện pháp phòng dịch mạnh tay như vậy sẽ gây không ít tổn hại cho người dân và xã hội”, ông cho biết.
Các chính sách không khoan nhượng sẽ trở thành chướng ngại vật khi thế giới đang bắt đầu mở cửa sau đại dịch, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng người dân cũng không nên chủ quan. "Chúng ta cần phải ngăn chặn đà lan rộng và biến đổi của virus bằng mọi cách để giúp sức cho chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn cầu.
Khả năng hoàn toàn ngăn chặn được đà lan rộng của Covid-19 thường đặt ra dấu hỏi lớn cho các chuyên gia, nhưng tại các quốc gia, nơi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine chưa cao, các biện pháp phong tỏa đang đóng vai trò làm chậm hơn đà lây lan của dịch bệnh.
Nhằm bảo vệ cho quyết định phong tỏa thành phố Auckland, bà Ardern cho biết việc theo đuổi chiến lược Zero Covid là "quyết định đúng đắn và duy nhất” đối với thành phố này khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine vẫn còn ở mức thấp, với chỉ khoảng 25% người dân tại đây được tiêm đầy đủ 2 mũi tại thời điểm đó.
Hiện tại, sau 7 tuần, con số đó đã tăng lên 52% và có tới 82% người dân Auckland đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Dữ liệu y tế cho thấy việc tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả rất tốt trong việc bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và tử vong.
Những nơi vẫn áp dụng Zero Covid
Chiến lược Zero Covid vẫn đang được áp dụng tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong và họ chưa có ý định từ bỏ cách tiếp cận này. Nhiều nơi khác cũng đang áp dụng các biện pháp phòng dịch tương tự như Singapore, Hàn Quốc.
Dữ liệu cho thấy chiến lược này đã giúp giữ số ca nhiễm và tử vong tại những nơi này thấp hơn rất nhiều so với châu Âu và Mỹ. Các quốc gia phương Tây kể trên có số lượng bệnh nhân tử vong thuộc hàng cao nhất thế giới.
Hôm 4/10, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch bệnh Đài Loan cho biết hòn đảo không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong khi đó có 5 ca nhập cảnh. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp hòn đảo không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng.
Cũng trong ngày 4/10, Hong Kong chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới (đều là ca nhập cảnh), trong khi đó, Trung Quốc đại lục công bố 26 ca nhiễm mới, cũng đều là các ca bệnh nhập cảnh.
Các chuyên gia trong khu vực cho biết đây vẫn chưa phải thời điểm chín muồi để từ bỏ chiến lược Zero Covid, đặc biệt là trong bối cảnh độ phủ vaccine còn tương đối thấp.
David Hui, giáo sư tại Đại học Hong Kong, chia sẻ rằng Hong Kong sẽ chưa cân nhắc từ bỏ cách tiếp cận hiện tại để chuyển sang "sống chung với virus” cho tới khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao.
"Trái ngược với Singapore, Anh và nhiều quốc gia phương Tây, tỷ lệ tiêm chủng ở Hong Kong là quá thấp (với chỉ 67% người dân được tiêm 1 mũi và 62,9% người dân được tiêm đủ 2 mũi) để có thể chấp nhận sống chung với dịch. Tỷ lệ tiêm chủng đối với những người có độ tuổi dưới 70 chỉ đạt 30%", ông cho biết.
"Nếu như chúng ta sống chung với dịch, nhiều người cao tuổi chưa được tiêm chủng sẽ phát triển các chứng bệnh nặng, gây áp lực cho hệ thống y tế".
Economist Intelligence Unit (EIU) nhấn mạnh trong một báo cáo trong tháng 7 rằng họ dự báo các khu vực áp dụng chiến lược Zero Covid tại châu Á sẽ tiếp tục thắt chặt biên giới của họ cho tới hết năm 2021 và bắt đầu nới lỏng từ đầu năm 2022, sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân.
“Số lượng ca tử vong tại các quốc gia áp dụng chiến lược Zero Covid ở châu Á thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới, và những tác động kinh tế cũng ít nặng nề hơn, góp phần khiến cho xu hướng suy thoái kinh tế diễn ra không quá trầm trọng tại đây trong năm 2020", báo cáo này cho biết.
"Nếu như phần còn lại của thế giới cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, Zero Covid có thể trở thành một chiến lược phòng dịch bền vững. Tuy nhiên, giờ đây, chiến lược này lại đang dần trở thành một rào cản, hơn là một động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế khi nền kinh tế toàn cầu đang dần mở cửa trở lại".
Hiện tại, EIU cho rằng các chính sách được áp dụng tại nhiều quốc gia ủng hộ Zero Covid sẽ mang nhiều tính bảo thủ hơn so với các chính sách đang được áp dụng tại Bắc Mỹ và châu Âu. "Cách tiếp cận nhằm mục tiêu giữ ca nhiễm ở mức thấp, cùng với các chiến lược đang được áp dụng tại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những hình mẫu phòng dịch tiềm năng", báo cáo này cho biết.
EIU tin rằng Trung Quốc đại lục và Đài Loan sẽ là những nơi áp dụng chiến lược Zero Covid trong thời gian lâu nhất, vì họ ít phụ thuộc vào dòng vốn và nhân lực xuyên biên giới.
Melbourne - thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới: Hơn 8 tháng đóng cửa, cả kinh tế và người dân đều kiệt quệ, buộc phải từ bỏ 'zero Covid'
Theo NDH - Trọng Đại
Tin nổi bật Điểm tin