Theo báo cáo của BBC News (Vương quốc Anh), một đứa trẻ ở Trung Quốc ngay từ khi mới sinh ra đã phải chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt. Cạnh tranh từ việc phải chạy đua để trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng, cho đến việc phải tìm được một công việc lương cao. Nhưng hiện nay, vì chịu quá nhiều áp lực cuộc sống, giới trẻ đã tìm cách phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này. Chính vì thế, họ đã chọn cho mình hai cách sống khác nhau. Trong số những người trẻ đó, một số chọn xu hướng sống “cuộn tròn” và một số chọn xu hướng sống “nằm thẳng”. Dù là chọn theo quan điểm sống nào, thì tất cả đều là sự phản ánh nỗi bất lực của đa số giới trẻ Trung Quốc trong thời đại nay.
Cạnh tranh tìm việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: Aluobowang. |
Năm 2017, Tôn Khoa sau khi tốt nghiệp, anh rất háo hức đi đến Thượng Hải để lập nghiệp. Như các bạn bè đồng trang lứa khác, anh cũng có ước mơ mua được xe đẹp, nhà cao và tìm được công việc tốt. Nhưng Tôn không lường trước được viễn cảnh bản thân sẽ gặp một số khó khăn nhất định khi mãi theo đuổi ước mơ như vậy. |
Năm 2018, Tôn Khoa mở một quán ăn ở Thượng Hải. Không lâu sau đó, anh nhận ra rằng bản thân đang gặp bất lợi. Bởi vì anh không thể cạnh tranh lại với những doanh nghiệp thương hiệu lớn và hình thức kinh doanh take-away đang chiếm ưu thế số 1 trên thị trường đồ ăn Trung Quốc. “Để có thể cạnh tranh với các hình thức kinh doanh ấy, tôi và các đối tác phải tự bỏ tiền túi ra, giảm giá tiền món ăn để thu hút được khách hàng. Nhưng chúng tôi thì càng ngày càng lỗ, còn những thương hiệu lớn kia thì thu được lợi nhuận khổng lồ” - Tôn nói.
Chỉ sau 2 năm, tiệm ăn của Tôn Khoa đã lỗ vốn hơn 1 triệu tệ (khoảng 3,6 tỷ đồng) và cuối cùng phải đóng cửa tiệm. Tôn cho rằng tất cả những gì mà bản thân trải qua chính là hiện tượng “cuộn tròn” của giới trẻ ngày nay.
Một thế hệ “cuộn tròn”
Thuật ngữ này ban đầu xuất hiện trong ngành Nhân chủng học với nghĩa đen là “xoắn vào trong”. Đây là một khái niệm xã hội chỉ sự tăng trưởng, không ngừng xúc tiến lực lượng sản xuất, đẩy mạnh sự phát triển của một sự vật, hiện tượng mới. Ngày nay, “cuộn tròn” được sử dụng phổ biến để mô tả sự kiệt sức của giới trẻ khi đã nỗ lực điên cuồng mà vẫn không đạt được thành công mong muốn.
Năm 2020, ảnh của một nhóm sinh viên đại học Thanh Hoa đã thu hút rất nhiều sự tương tác của cư dân mạng. Điều đáng chú ý, trong bức ảnh có chụp lại được khoảnh khắc một sinh viên vừa đạp xe đạp vừa phải ôm chiếc laptop. Sau đó sinh viên này đã được cư dân mạng phong cho danh hiệu “Thanh Hoa quyền vương” (ông hoàng nỗ lực của đại học Thanh Hoa). Từ “cuộn tròn” sau đó xuất hiện trên các trang mạng xã hội, nhận được sự hưởng ứng và lan truyền rộng rãi trong ngôn ngữ của giới trẻ.
“Cuộn tròn” và “nằm thẳng”: Hai quan điểm sống mới trái ngược nhau của giới trẻ Trung Quốc. Bạn thuộc quan điểm nào? - Ảnh 2.
Các chủ đề tìm kiếm có liên quan đến “cuộn tròn” trên Weibo thu hút được sự quan tâm khá cao của cư dân mạng với hơn 1 tỷ lượt xem trong năm 2020. Từ ngữ này được xếp vào hàng ngũ mười từ khóa phổ biến nhất năm 2020 trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. |
Một sinh viên đại học Thanh Hoa vừa chạy xe vừa “ôm” laptop. Ảnh: Weibo. |
“Cuộn tròn” không chỉ là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc. Ở đa số các nước phát triển đều đã từng trải qua hiện tượng này. Nhưng điều khác biệt là, ở Trung Quốc, những “thời kỳ hoàng kim” như thế này đều lướt qua rất nhanh. Người Trung Quốc vẫn chưa đủ thời gian để tiếp nhận một hiện tượng ngôn ngữ mới. Do đó, hiện nay nó vẫn còn khá mới mẻ trong suy nghĩ của một bộ phận người Trung Quốc.
Những thế hệ trẻ như anh Tôn chỉ mới chứng kiến sự thành công của các bậc cha chú, đã vội vàng cho rằng chỉ cần dám nghĩ dám làm thì tất sẽ thành công. Nhưng thực tế thì không dễ dàng như vậy. Khi họ chỉ biết lao đầu vào nỗ lực mà không có bất cứ sự cân nhắc và chiếc lược nào, đến khi đánh mất đi cơ hội lại cảm thấy thất vọng và bất lực.
Giáo sư đại học Oxford - ông Hạng Tiêu cho rằng: “Nếu chúng ta không nỗ lực, không cạnh tranh, sẽ bị xã hội đào thải. Nhưng có một số trường hợp, cho dù chúng ta có nỗ lực cách mấy, nếu không có một giai đoạn “tự ngẫm” thì cho đến cuối cùng vẫn không thể nhìn thấy được sự đột phá nào của bản thân”. Còn theo tiến sĩ Từ Phương - đại học California bày tỏ: “Cha mẹ của thế hệ trẻ, hay thậm chí là người thân cách họ khoảng mười tuổi, lúc còn trẻ có thể biết mình bắt đầu từ đâu để đi đến thành công. Nhưng sự cạnh tranh hiện nay đã làm cho cánh cửa làm giàu ấy từ từ đóng lại.”
Trẻ em ở Trung Quốc “chìm trong sách vở”. Ảnh: Sohu.
“Nằm thẳng” lại là hiện tượng không được khích lệ
Có thể nói, số lượng tỷ phú ở Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới, nhưng vẫn có khoảng 600 triệu người với thu nhập hằng tháng chỉ 1.000 tệ (khoảng 3,6 triệu đồng). Đối mặt với sự chênh lệch giàu nghèo này, giới trẻ ở Trung Quốc ngày càng không hài lòng với sếp. Họ cho rằng sếp không hiểu được công sức của mình. Từ đó, sinh ra hiện tượng chán nản và buông xuôi.
Tháng 4/2021 đã xuất hiện một bài viết gây tranh cãi của một cư dân mạng trên diễn đàn ở Trung Quốc. Anh ta bày tỏ, 2 năm qua dù không tìm được một công việc nào nhưng cảm thấy nó không phải là một vấn đề gì quá to lớn. Anh cho rằng chúng ta nên sống bình thản vì “con người mới là thước đo của vạn vật”. Do đó, hiện tượng ngôn ngữ “nằm thẳng” ra đời.
Người trẻ với chủ nghĩa “nằm thẳng” ở Trung Quốc. Ảnh: CN NYtimes.
“Nằm thẳng” khuyên chúng ta không nên làm việc quá sức, hãy hài lòng với những mục tiêu dễ dàng đạt được và cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi. Giáo sư Hạng chỉ ra rằng, “nằm thẳng” đề cập đến những người trẻ tuổi muốn “từ bỏ sự cạnh tranh vô nghĩa” và “suy xét lại tiêu chuẩn cũ của một người thành công”.
Nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc sẵn sàng phản đối khái niệm “cuộn tròn”. Nhưng thực tế, các chuyên gia cho rằng điều này là rất khó, bởi nó “vi phạm đến các giá trị xã hội của Trung Quốc”. Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng “đây là kỷ nguyên của những người làm việc chăm chỉ”. Quang Minh Nhật Báo cũng có bài viết cho rằng những kẻ “nằm thẳng” không có lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Nam Phương Nhật Báo bày tỏ: hiện tượng “nằm thẳng” là "phi lý và đáng xấu hổ".
Theo Tiến sĩ Từ Phương, hiện tượng "cuộn tròn" và "nằm thẳng" sẽ tiếp tục và trở thành vấn đề lớn trong thời gian sắp tới. Khi mà việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, nhiều người trẻ ở Trung Quốc sẽ có xu hướng không muốn cố gắng nỗ lực cho ước mơ của mình. Sống có ước mơ là một điều đáng được khích lệ, tuy nhiên phấn đấu cho ước mơ cũng cần có cái nhìn đa chiều và thấu đáo. Không nên mải mê nhìn thế giới bằng con mắt màu hồng, mà phải sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với khó khăn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, để không xảy ra tình trạng “nằm thẳng” đáng tiếc trên.
Phương Uyên (Tổng hợp từ Chinadaily)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật