Sau khi tiêm mũi vaccine thứ 2 hồi tháng 5, người phụ nữ tên Joette Fong bỗng cảm thấy chu kỳ kinh nguyệt kế tiếp có gì đó kỳ lạ. Nó không đến như theo lịch dự kiến.
"Lúc đầu tôi tưởng mình sắp có thêm em bé, hoặc bắt đầu đến giai đoạn mãn kinh" - trích lời bà Fong, người hiện đang làm cho một tiệm chăm sóc thú cưng.
Kỳ kinh nguyệt ấy cuối cùng cũng tới sau đó 2 tuần, nhưng vẫn tiếp tục rối loạn trong 4 tháng kế tiếp. Bà Fong cho hay, kì kinh của bà vốn rất đều, thường đến sau 28 - 30 ngày.
Liang Kaixin - nữ chuyên gia truyền thông 37 tuổi thì thấy lượng máu chảy ra khi đến kỳ nhiều hơn hẳn, thậm chí gặp hiện tượng chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 hồi tháng 6 và tháng 7 năm nay. Những tháng sau đó, kỳ kinh nguyệt của cô khá bất thường, và mức độ thay đổi tâm trạng cũng nhiều hơn trước.
Ghi nhận vaccine gây ảnh hưởng kinh nguyệt
Một số quốc gia đã có những báo cáo về hiện tượng này. Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh Quốc đã ghi nhận 30.000 trường hợp nghi bị rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm vaccine trong giai đoạn cuối tháng 12/2020 đến tháng 10/2021.
Trong tháng 10 vừa qua, cơ quan y tế Hàn Quốc cũng đã bổ sung "rối loạn kinh nguyệt" vào danh sách tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine. Động thái tương tự cũng được ghi nhận ở Singapore.
Trang Today Online đã tiến hành phỏng vấn 5 phụ nữ thấy có sự thay đổi trong kinh nguyệt sau khi tiêm chủng. Những "thay đổi" ở đây bao gồm lệch ngày, lượng máu chảy ra, và một số hội chứng khác. Tất cả đều rất lo lắng, nhưng 4 người trong số này cho biết vẫn sẽ quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường.
Các chuyên gia nói gì?
Một số chuyên gia phụ khoa trả lời Today Online rằng họ có tiếp nhận các bệnh nhân báo cáo về việc bị rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, những thay đổi ấy đa phần đều rất nhẹ và chỉ là tạm thời, được giải quyết sau 1 đến 2 chu kỳ kế tiếp, và đồng thời cũng đưa ra một số lý giải đằng sau.
Bác sĩ Chang Tou Choong từ Tập đoàn Y tế phụ nữ và trẻ em Singapore cho biết vaccine có thể trở thành một tác nhân gây căng thẳng cho cơ thể, giống như khi bạn phải tiếp nhận một công việc mới vậy. Sự căng thẳng có sẽ tác động đến tâm trạng, và hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Trong khi đó, Bác sĩ Ng Ying Woo từ Healthway Medical cho rằng khi vaccine kích thích hệ miễn dịch, nó sẽ gây ảnh hưởng đến cả các hormone chịu trách nhiệm cho kỳ kinh.
Dẫn chứng một nghiên cứu trên tạp chí British Medical Journal hồi tháng 9, Tiến sĩ Clara Ong từ Bệnh viện Gleneagles cho rằng tế bào miễn dịch sẽ có những tác động khác với niêm mạc tử cung sau khi tiêm chủng, làm quá trình niêm mạc vỡ và rụng tạm thời thay đổi. Hơn nữa, việc gây rối loạn kinh nguyệt tương tự cũng từng được ghi nhận ở một số loại vaccine khác - như vaccine HPV.
Hiện tượng có đáng ngại?
Các chuyên gia khẳng định rằng tác động đến kỳ kinh sau khi tiêm vaccine là không đáng ngại. Theo Tiến sĩ Ong, nhìn chung những thay đổi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, và không có bằng chứng nào cho thấy vaccine có thể gây vô sinh hoặc ảnh hưởng đến liệu pháp tránh thai bằng nội tiết tố.
Còn theo Bác sĩ Chang, liều vaccine tăng cường nhiều khả năng sẽ gây ít tác dụng phụ lên kinh nguyệt hơn so với các mũi trước đó. Hơn nữa, việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ mang thai - tránh được những hiệu ứng nguy hiểm hơn từ bản thân căn bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên rằng phụ nữ sau khi tiêm cần theo dõi kỳ kinh một cách cẩn thận, và thông báo cho bác sĩ nếu sự rối loạn tiếp diễn qua nhiều chu kỳ sau đó.
Theo Pháp luật và bạn đọc - JD
Tin nổi bật Điểm tin