TP HCM: Hàng hoá không phải lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm... ở chợ truyền thống phải ngưng hoạt động

Đối với các chợ có mật độ người mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện phát phiếu vào chợ, phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí…

Sở Công Thương TP HCM vừa có văn bản hướng dẫn các chợ truyền thống tại TP HCM về việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương, các khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải bảo đảm quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ cũng được hoạt động nhưng tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ mà chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến.

Người giao hàng phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét trong khi chờ lấy hàng.

Các khu vực kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động.

Sở Công Thương yêu cầu các chợ truyền thống tuân thủ nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; bảo đảm thực hiện tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch theo quy định đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn tại chợ trong công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ của chợ để tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính nhằm bảo đảm việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở cũng yêu cầu ban quản lý các chợ truyền thống triển khai đối với các tiểu thương việc thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết, bảo đảm ghi nhận đầy đủ thông tin tên khách hàng, số điện thoại liên lạc và thời gian giao dịch.

Triển khai phương án phân luồng, hướng dẫn di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ, bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét cho người dân khi thực hiện mua sắm.

Tiểu thương kinh doanh tại chợ phải thực hiện ghi nhật ký bán hàng để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết

Khuyến khích thương nhân, tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, thông qua các kênh mạng xã hội (như zalo, viber, facebook…), chuyển hàng trực tiếp đến các địa điểm tiêu thụ… và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ.

Riêng đối với các chợ có mật độ người mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như: phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí… nhằm bảo đảm việc giãn cách theo đúng quy định của Bộ Y tế trong trường hợp cần thiết.

Đối với các chợ không có nhà lồng, đơn vị quản lý chợ xem xét việc bảo đảm quy định phòng, chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K. Theo đó, đối với các tiểu thương do đơn vị quản lý cần thực hiện việc kẻ vạch, phân rõ khu vực điểm kinh doanh trên cơ sở đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 mét cho người dân khi thực hiện tham gia mua sắm.

Trong trường hợp xét thấy không thể bảo đảm quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K, UBND địa phương xem xét tạm ngưng hoạt động đối với các chợ truyền thống không có nhà lồng trên địa bàn. Bên cạnh đó, đối với các điểm kinh doanh tự phát xung quanh, đơn vị quản lý chợ thông tin cụ thể cho UBND địa phương để có hướng xử lý.

Phương An - Theo NLĐ

Các bài viết liên qua đến TP HCM: Hàng hoá không phải lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm... ở chợ truyền thống phải ngưng hoạt động