Trung Quốc bỏ không hàng loạt nhà máy lọc dầu
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao và Mỹ đang xem xét viện dẫn các điều luật trước đây để thúc đẩy sản xuất, một lượng lớn công suất lọc dầu phía bên kia Thái Bình Dương lại không hoạt động.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tạm dừng khoảng ⅓ công suất lọc dầu do phải tập trung áp đặt các lệnh phong tỏa chống COVID-19. Nếu những nhà máy này được khai thác trở lại, việc cung cấp thêm dầu diesel và xăng có thể giúp hạ nhiệt đáng kể thị trường nhiên liệu toàn cầu vốn đang nóng lên.
Tuy nhiên, điều này ít khả năng có thể xảy ra. Nguyên nhân là bởi ngành công nghiệp lọc dầu của Trung Quốc được thiết lập chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa khổng lồ. Chính phủ kiểm soát rất chặt lượng nhiên liệu xuất khẩu thông qua hệ thống hạn ngạch áp dụng cho các công ty tư nhân.
Dù Bắc Kinh đã cho phép nhiều lô hàng được xuất đi trong những năm qua, song giới chức không hề muốn trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn vì điều này sẽ đi ngược với mục tiêu dần loại bỏ khí thải.
“Sự vắng mặt của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu dầu là điều được đặc biệt quan tâm, không chỉ ở thị trường khu vực mà còn trên toàn cầu rộng lớn”, Jane Xie, nhà phân tích dầu cao cấp tại công ty Kpler cho biết. Bà cũng khẳng định dù đã có sự mở rộng trong công suất lọc dầu Trung Quốc trong vòng 3 đến 5 năm qua, song điều đó không có nghĩa là hoạt động xuất khẩu dầu được cải thiện.
Trung Quốc bỏ không hàng loạt nhà máy lọc dầu
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp lọc dầu toàn cầu đã thay đổi. Một số nhà máy ở châu Âu và Bắc Mỹ đã ngừng hoạt động do dịch COVID-19. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở mới lại được xây dựng ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á và Trung Đông.
Được biết Trung Quốc sở hữu rất nhiều các nhà máy siêu lọc dầu có khả năng sản xuất cả nhiên liệu và hóa dầu. Tốc độ phát triển nhanh chóng đồng nghĩa với việc quốc gia này có thể đã trở thành quốc gia lọc dầu lớn nhất thế giới. Công suất hồi cuối năm 2020 ghi nhận ở mức 17,5 triệu thùng/ngày và dự kiến đạt 20 triệu thùng/ngày vào năm 2025, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế & Công nghệ China National Petroleum Corp. Trong khi đó, công suất lọc dầu của Mỹ là 18,14 triệu thùng/ngày vào năm 2020, theo dữ liệu mới nhất từ BP Plc.
Theo CITIC Futures, các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc chiếm khoảng 3/4 ngành. Chúng bắt đầu hoạt động 71% công suất vào ngày 10/6 và hầu hết không được phép xuất khẩu bất kỳ loại nhiên liệu nào, đặc biệt là các nhà máy ở tỉnh Sơn Đông.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc vận chuyển khoảng 1,21 triệu thùng dầu nhiên liệu, diesel, xăng và nhiên liệu máy bay mỗi ngày. Con số này chỉ chiếm khoảng 7% tổng công suất lọc dầu của đại lục vào cuối năm 2020.
Trung Quốc chỉ phân bổ 17,5 triệu tấn hạn ngạch nhiên liệu trong năm nay
Năm nay, thay vì cho phép xuất khẩu nhiều lô hàng hơn khi nhu cầu nội địa giảm, Trung Quốc chỉ phân bổ 17,5 triệu tấn hạn ngạch nhiên liệu so với 29,5 triệu tấn vào thời điểm năm ngoái. Dữ liệu hồi tháng 5 vừa qua của chính phủ đại lục cũng cho thấy số lượng các lô hàng dầu diesel đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm.
Tại trung tâm dầu mỏ Singapore, lợi nhuận từ các hoạt động lọc dầu đã tăng lên trên 60 USD/thùng so với mức 10 USD/thùng như hồi đầu năm. Theo chuyên gia tư vấn ngành công nghiệp địa phương OilChem, điều này đồng nghĩa với việc các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đang bỏ lỡ 372 USD/tấn dầu vì các quy định hạn chế xuất khẩu.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh
Tin nổi bật Điểm tin