Vì sao giá dầu thế giới giảm, xăng trong nước vẫn đứng im?

Xăng đi ngang và dầu tăng mạnh trong kỳ điều hành mới ngày 22/8 khiến nhiều người bất ngờ do trước đó, giá dầu thế giới liên tục giảm.

Xăng dầu đứt mạch giảm giá từ ngày 22/8. (Ảnh minh họa)

Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ từ ngày 22/8 với việc giữ nguyên giá xăng E5 RON92, RON95 ở mức 23.720 đồng/lít và 24.660 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu quay đầu tăng, với dầu diesel là 850 đồng/lít lên 23.750 đồng/lít, dầu hỏa lên 24.050 đồng/lít.

Trả lời VTC News, ông Đ.V.B, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội cho rằng việc giá xăng giữ nguyên và dầu tăng là do biến động giá dầu thế giới cùng việc trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG).

Theo đó, tại kỳ điều hành này, Liên bộ trích lập quỹ BOG với xăng E5 RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít, dầu diesel ở mức 250 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg. Đồng thời không chi quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

"Nếu không trích lập quỹ BOG, giá xăng có thể giảm từ 451 - 493 đồng/lít, dầu diesel chỉ tăng thêm 600 đồng/lít", ông B. nói.

Trong khi đó, liên bộ cho hay, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 11/8 -22/8) tiếp tục có những diễn biến tăng giảm đan xen. Có những giai đoạn giá giảm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn chậm (làm giảm cầu), trong khi nguồn cung từ Iran có thể cải thiện (thỏa thuận hạt nhân được nối lại).

Tuy nhiên sau đó giá dầu lại có xu hướng tăng nhanh trở lại sau khi Mỹ công bố tồn kho dầu giảm, cùng với lượng đơn đề nghị hỗ trợ thất nghiệp tại nước này giảm, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ tăng…

"Nhìn chung, giá xăng dầu trong trước kỳ điều hành vừa qua diễn biến có tăng, có giảm, đặc biệt dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao", báo cáo của Liên bộ nêu.

Nên bỏ quỹ bình ổn giá

Nhiều chuyên gia đánh giá vai trò của quỹ BOG ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng, những diễn biến thị trường gần đây cho thấy quỹ BOG không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Theo chuyên gia này, cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện quỹ BOG trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doah nghiệp.

“Doanh nghiệp và người dân nếu không được lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG thì không nên duy trì quỹ”, ông Trinh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng quỹ BOG đã tồn tại được hơn 10 năm, có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu. Tuy vậy, thực tế cho thấy, vai trò của quỹ BOG chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì quỹ BOG gần như “hết phép”.

“Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ Quỹ BOG với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể”, chuyên gia đề xuất.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cơ quan đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - cũng đã nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ BOG xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Không những thế khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội, thực tế quỹ BOG không cần thiết khi giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, do đó Luật Giá cần tính tới việc bỏ quỹ này. Ông Bảo cho hay doanh nghiệp cũng không được lợi gì từ quỹ BOG, thậm chí nếu doanh nghiệp nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các doanh nghiệp đầu mối không hề mong muốn.

Nhưng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là rất khó khi thị trường xăng dầu trong nước chưa thật sự theo kịp thị trường thế giới.

"Nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng muốn bỏ quỹ này. Tuy nhiên hiện nay chưa phải lúc, bởi nếu muốn bỏ quỹ BOG mặt xăng dầu, cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn", chuyên gia chia sẻ.

Theo CNBC, tuần trước, trên thị trường thế giới, giá dầu ổn định vào ngày 19/8, nhưng giảm trong tuần qua do đồng USD mạnh hơn và lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô.

Theo đó, chốt phiên giao dịch cuối tuần, hợp đồng dầu Brent nhích 13 xu lên 96,72 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI tiến 27 xu lên 90,77 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm 1,5% trong tuần qua.

Theo Hoà Bình

Các bài viết liên qua đến Vì sao giá dầu thế giới giảm, xăng trong nước vẫn đứng im?