Rác thải không còn là gánh nặng, sự bức xúc, mà hoàn toàn có thể trở thành nguồn lợi phục vụ cho cuộc sống. Việc phân loại rác ngày càng được chú trọng, cùng với các quy trình tái chế rác được nâng cao đã và đang mang đến những nhận thức mới về rác thải.
Trong một buổi kiểm tra định kỳ hệ thống xử lý nước thải ở công viên Al Nahda (Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), những gì được kéo lên là một nguồn nước sạch trong, không mùi, giống bất kỳ một nguồn nước sinh hoạt nào. Tuy nhiên, đây lại là nước thải lấy từ nhà vệ sinh gần đó. Sau xử lý, nước thải của nhà vệ sinh giờ được mở ra một vòng đời mới.
Bà Meriem Bestani, Giám đốc Công ty tái chế AquaBioStep ở Dubai, nói: "Những gì chúng tôi làm là chôn dưới đất một hệ thống ống lọc như thế này. Với thiết kế đặc biệt, những ống lọc này có thể tạo thành ngôi nhà cho những lợi khuẩn, có khả năng tiêu diệt độc tố. Sau tái chế, nước thải được lọc đến 96%, chất lượng rất cao".
"Rác thải của người này nhưng lại là gia tài của người khác" đang là triết lý được những công ty như Dgrade theo đuổi. Những chai lọ nhựa bị vứt bỏ được công ty thu gom, làm sạch rồi xén nhỏ để tạo ra sợi. Từ đó, hơn 200 loại vải khác nhau đã được tạo ra, mở ra một ngành thời trang từ rác thải nhựa.
(Ảnh: The National)
Bà Emma Barber, Công ty Thời trang rác thải nhựa Dgrade ở Dubai, cho biết: "Có khoảng 4 tỷ chai nhựa được thải ra mỗi năm ở khu vực này. Trong đó, chúng tôi ước tính mình có thể tái chế được tới 1 tỷ chai mỗi năm. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp tìm tới chúng tôi, đặt hàng các loại từ đồng phục đầu bếp cho tới cả quần áo cho vận động viên đua xe công thức 1".
Tăng trưởng dân số khiến cho rác thải, đặc biệt là những rác thải khó phân hủy trở thành gánh nặng với hầu hết mọi xã hội. Biến rác thải thành tài nguyên vì thế không chỉ mở ra một lối đi nhiều hứa hẹn mà còn là một đường hướng không thể khác đối với sự phát triển của các xã hội trong tương lai.
Trong khoảng một thập kỷ qua, lượng rác và các chất thải tại Dubai đã tăng gấp 10 lần, nhưng cùng lúc đó một nền kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy. Thậm chí, dầu ăn đã qua sử dụng nay cũng có thể được xử lý, trở thành xăng dầu cho động cơ.
Ông Karl W Feilder, công ty Neutral Fields ở Duba, thông tin: "Động cơ chạy bằng dầu tái chế từ dầu ăn tạo khí thải chỉ bằng một nửa các loại xăng dầu thông thường. Với giá xăng dầu hiện nay, dầu tái chế của chúng tôi lại càng có tính cạnh tranh. Chúng tôi hiện bán hết bất cứ giọt dầu nào mà chúng tôi sản xuất ra".
Dubai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành mảnh đất không rác thải, có nghĩa là mọi loại rác thải từ sinh hoạt cho tới sản xuất, chất thải rắn, hay chất thải lỏng đều sẽ được tái chế, xử lý, qua đó mang đến cho rác thải vòng đời thứ hai, thậm chí là thứ ba, thứ tư.
Tin nổi bật Điểm tin