Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng bước hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, ... và giảm tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2020 yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022.
Do đó, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã chậm lại từ 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2021 và có thể giảm xuống 9-10% năm 2022.
Vào tháng 4 năm nay, để hạn chế đầu cơ bất động sản, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất.
Do đó, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dựa trên công bố của HNX, trong tháng 5 (tính đến 27/5) lĩnh vực bất động sản chỉ có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ như: CTCP Hội An Invest phát hành 4 đợt với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú phát hành một đợt với giá trị 700 tỷ đồng trái phiếu; CTCP Bất động sản An Gia cũng phát hành 300 tỷ đồng,…
Trước đó, nghiên cứu của Chứng khoán VnDirect cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 40% tổng giá trị phát hành trong quý I/2022, với mức tăng trưởng lên tới 73,1% và 25,2% so với cùng kỳ trong năm 2021 và quý I/2022.
CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành. Cụ thể, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản, giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Theo VNDirect, các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại của năm. Song, các doanh nghiệp bất động sản có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 2022 - 2023. Về dài hạn, triển vọng thị trường vẫn tích cực.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN, các chủ đầu tư Việt Nam có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới.
Việc thắt chặt tín dụng, cũng được các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ chứng kiến xu hướng phục hồi nguồn cung trong năm 2022, khi các chủ đầu tư sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền.
Chia sẻ trên báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giá bất động sản vẫn tăng nhưng người muốn bán lại bán không được dù đã giảm giá dưới mặt bằng chung. Theo đó, ở bối cảnh này, những doanh nghiệp, doanh nhân hay nhà đầu tư đang lướt sóng mạnh, dùng vốn vay nhiều thì sẽ gặp khó khăn.
Ông Hiển phân tích, nhiều người đổ vào đầu tư vào một ngành thì giá tăng. Tuy nhiên, theo quy luật cung cầu khi cung tăng cao nhưng cầu không có thì buộc giảm giá. Thị trường hiện tại đã đẩy cung ảo tăng lên nhiều lần so với nhu cầu thực sự của người đang mua bất động sản.
Ông Hiển dự báo, nửa cuối năm nay giá căn hộ chuẩn ở TP. HCM sẽ dao động nhẹ. Còn tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố… đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, giảm giá bán 20-30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, có 3 vấn đề mà thị trường sẽ phải đối mặt, đó là nguồn cung ít, giá bán vẫn duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm.
Theo ông Khương, nguyên nhân thị trường kém thanh khoản bởi vì quỹ đất không còn phát triển dự án mới, các dự án bị ách tắc do pháp lý, thứ ba là nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
“Các vấn đề này dẫn đến tính thanh khoản không có vì khả năng chi trả của người dân bị hạn chế. Tuy nhiên, so với năm 2002 và 2003 thì giao dịch vẫn nhiều hơn và đối với tháng 6, 7 hằng năm thì thanh khoản không cao, do đó cần lưu ý nhiều hơn. Và khi nguồn cung hạn chế, đó là lợi thế cho các đô thị xung quanh TP. HCM, giao dịch thuận tiện hơn và tính thanh khoản có vì giá ở thị trường này vẫn mềm hơn”, ông Khương dự báo.
Ông Khương nhấn mạnh, về việc giá bán thị trường sơ cấp rất cao, nhưng thanh khoản ở thị trường thứ cấp chậm lại bởi các nhóm khách hàng mua để đầu tư luôn kỳ vọng biên độ lợi nhuận cao hơn các thời điểm trước. Sau khi đã giữ bất động sản trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, việc đẩy giá thứ cấp trong thời gian tới là có nhưng tính thanh khoản lại rất thấp. Đây là điểm nghịch lý của thị trường lúc này.
Theo vị chuyên gia, ở những thời điểm mà giá tăng nhiều người vẫn muốn mua nhưng đối với nhà đầu tư F2, F3, họ sẽ rất cân nhắc trước khi mua bất động sản nếu phải sử dụng các đòn bẩy tài chính. Còn đối người mua ở thực, giá thứ cấp cao sẽ là một trở ngại lớn. Hình thành thị trường bất động sản là có sản phẩm nhà để ở nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp. Nguyên nhân là các nhà đầu tư thứ cấp không hạ giá bán và người dân có nhu cầu ở thực không có khả năng chi trả bởi vì giá quá cao. Ông Khương cho rằng, cần có bài toán về nguồn cung một cách lành mạnh để giá gia tăng nhưng thị trường vẫn phát triển một cách bền vững.
Thanh Phong
Tin nổi bật Bất động sản