Mua nhà không đơn giản như tôi nghĩ: "Còng lưng" đóng tiền trả góp vẫn phát sinh đủ thứ chi phí và sự hối hận vì quyết định lúc trước

Hãy chọn con đường mua nhà phù hợp với bạn thay vì học từ người khác.

Là con của những người nhập cư, ngay từ nhỏ Melissa Jean-Baptiste đã có ý thức về việc sở hữu một ngôi nhà quan trọng tới thế nào. Năm 2010, cô tốt nghiệp đại học nhưng mang trên lưng khoản nợ sinh viên là 60.000 đô la (hơn 1,3 tỷ). Ngay khi ra trường, cô đã nhận được một công việc làm giáo viên tiếng Anh cho một ngôi trường trung học.

Ba năm sau, Melissa Jean-Baptiste nghĩ rằng đã đến lúc phải đạt được ước mơ mà mình đã ấp ủ bấy lâu đó chính là: Mua nhà.

Melissa Jean-Baptiste và câu chuyện mua nhà không như mơ của mình.

"Tỷ lệ nợ/thu nhập đang ở mức quá cao" - Lý do ngăn mua nhà lớn nhất

Melissa Jean-Baptiste đã gọi cho một đại lý chuyên môi giới bất động sản để tìm hiểu những thông tin cần thiết nhất khi mua nhà. Sau khi trình bày điều kiện tài chính, cô đã đủ điều kiện để vay khoản thế chấp giá 100.000 đô (2,2 tỷ). Điều này dựa trên Melissa Jean-Baptiste đã thanh toán các hóa đơn rất đúng hạn, không bỏ lỡ nợ từ các khoản vay và có điểm tín dụng hơn 750.

Nhưng có một yếu tố quyết định việc Melissa Jean-Baptiste có thể vay được số tiền lớn hơn như thế nữa, đó chính là tỷ lệ nợ tính trên thu nhập ở mức quá cao. Cô bị giới hạn bởi mức thu nhập của mình nên chỉ vay được số tiền 2,2 tỷ. Nếu Melissa Jean-Baptiste muốn có một khoản vay lớn hơn thì phải giảm DTI của mình.

DTI là tỷ lệ nợ trên thu nhập. Nói một cách dễ hiểu rằng ngân hàng sẽ xem xét Melissa Jean-Baptiste đang nợ bao nhiêu tiền, thu nhập mỗi tháng là bao nhiêu. Từ đó tính ra được khả năng vay vốn được bao nhiêu tiền.

Đa số người đi vay nên có tỷ DTI dưới 36% là tốt nhất. Thời điểm đó, DTI của Melissa Jean-Baptiste cao hơn 45% và được đánh giá là đang ở dấu hiệu đỏ.

Phải làm việc cật lực để trả được nợ

Sau khi nói chuyện với bên môi giới, Melissa Jean-Baptiste đã dành tiếp 5 năm để tập trung vào việc không mắc nợ để cải thiện điểm DTI của mình. Vào tháng 12/2018, cô đã thực hiện thanh toán khoản vay sinh viên cuối cùng. Ban đầu Melissa Jean-Baptiste đã vay 60.000 đô (hơn 1,3 tỷ) và đã trả lại khoảng 102.000 (2,3 tỷ). Vào tháng 1/2019, cô đã mua được ngôi nhà đầu tiên.

Thực tế "phũ" sau khi mua nhà

Khoảng thời gian vui mừng và phấn khích khi sở hữu nhà kéo dài khoảng 2 tuần. Nhưng sau đó, 2 vật dụng cần thiết là máy giặt sấy và bồn rửa trong nhà bếp bắt đầu bị rò rỉ. Melissa Jean-Baptiste nhận ra rằng, mọi thứ để duy trì khi sống trong ngôi nhà đều do mình phụ trách.

Lúc đầu, Melissa Jean-Baptiste chỉ nghĩ tới khoản tiền phải trả là tiền thế chấp mà không nghĩ tới các khoản phát sinh khác như thế này. Vào tháng 7/2019, chỉ sáu tháng sau khi tôi mua nhà, Melissa Jean-Baptiste đã chi hơn 15.000 đô (340 triệu) cho việc sửa chữa và bảo trì đồ trong nhà. Cô may mắn có thể trang trải những chi phí này nhờ tiền tiết kiệm và sự giúp đỡ của bố mẹ. Nhưng lại kiệt quệ về mặt tinh thần.

Khi Melissa Jean-Baptiste tìm kiếm một sự rút lui thì mới phát hiện quy định khác về quyền sở hữu nhà khiến cô phải cân nhắc lại quyết định của mình. Bởi vì nếu muốn bán căn nhà trong vòng chưa đầy 2 năm sau khi mua, cô sẽ phải đối mặt với một khoản thuế từ việc bán nhà. Rõ ràng là cô đã trở thành một chủ nhà mà không hiểu hết các chi phí mà mình phải trả.

Sau khi mua nhà vẫn tốn 1,4 tỷ chi phí và còn tiếp tục tăng

Sau hơn 29 tháng sở hữu nhà, Melissa Jean-Baptiste đã chi khoảng 25.000 đô (567 triệu) để sửa chữa, đã trả khoảng 15.000 đô (340 triệu) tiền lãi cho khoản thế chấp và 22.000 đô (498 triệu) cho tiền thuế tài sản. Và đó là trước khi cô kiểm đếm một số chi phí khác như phí thoát nước và vệ sinh, bảo hiểm chủ nhà và phí HOA (phí chủ nhà).

Những chi phí thông thường khi mua nhà đã lớn nhưng nếu gặp sự cố hay cần bảo trì đồ trong nhà thì cô phải gánh thêm từ 20 - 30.000 đô/năm (450 - 680 triệu) mà không hề có sự tính toán khi mua. Ngay cả trước khi chuyển đến, thủ tục đăng ký thế chấp có thể đi kèm với một số khoản phí bất ngờ. Sau đó là phí kiểm tra nhà, phí thẩm định và đôi khi là cả bảo hiểm thế chấp tư nhân. Những khoản phí này phát sinh trong các phần khác nhau của quá trình từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc việc mua nhà.

Mặc dù đã gặp người tư vấn trước khi mua nhà nhưng các trang bị đó vẫn còn thiếu. Chỉ đến khi trải nghiệm thì Melissa Jean-Baptiste mới nhận ra.

Ngừng suy nghĩ sở hữu nhà để tỏ ra mình là người giàu có

Melissa Jean-Baptiste thường thấy mọi người trên mạng xã hội gọi ai đi thuê nhà là người "ngu ngốc" hoặc vô trách nhiệm với bản thân vì họ đang trả tiền cho người khác để sống trong một bất động sản không thuộc về mình.

Nhưng từ kinh nghiệm của mình, Melissa Jean-Baptiste nhận ra: Bạn không cần phải sở hữu một ngôi nhà để xây dựng sự giàu có trong mắt người khác.

Trải nghiệm của cô với việc trở thành chủ nhà không lý tưởng chút nào so với kỳ vọng, nhưng cô vẫn muốn cởi mở chia sẻ về điều đó với hy vọng rằng có thể giúp người khác điều hướng quá trình cho phù hợp mục tiêu dài hạn của họ.

"Tôi không phản đối việc sở hữu nhà, nhưng cũng không còn tin rằng đây là cách duy nhất để đạt được giấc mơ ổn định. Sở hữu một ngôi nhà là một quyết định tài chính rất lớn và bạn sẽ không biết gì về việc đó cho đến khi tự trải nghiệm. Lời khuyên lớn nhất của tôi dành cho ai đang suy nghĩ về việc có mua nhà hay không là: Đừng vội vàng hoặc áp lực phải làm như vậy theo suy nghĩ của bất cứ ai. Mà hãy quyết định theo con đường phù hợp nhất với bạn".

Hồng Nhung Theo Nhịp sống Việt

Các bài viết liên qua đến Mua nhà không đơn giản như tôi nghĩ: "Còng lưng" đóng tiền trả góp vẫn phát sinh đủ thứ chi phí và sự hối hận vì quyết định lúc trước