Người người đổ xô buôn đất: Thế hệ tương lai rồi sẽ sống bằng nghề đầu cơ?

Ngẫm chuyện ca sĩ, diễn viên, giáo viên,... kéo nhau buôn đất: Nếu không có biện pháp hợp lý cho BĐS, có lẽ tương lai con em chúng ta phần lớn sẽ sống bằng nghề đầu cơ!

Hay ho gì với mấy cái trò này? Hôm nay thì ca sĩ khoe bán đất, ngày mai diễn viên khoe kiếm tỷ đồng nhờ đất, ngày mốt lại có ông doanh nhân khoe mua đất ngàn tỷ… Đất thành phố hóa kim cương, đất ruộng lên giá, đất đồi nhảy dựng, đất thổ cư nông thôn bỏng tay… Ngồi quán cafe, doanh nhân nói về đất, dân văn phòng lăn vào đất, ông xe ôm ra rả đất, bà bán trà đá cũng râm ran đất… Họ nói về cách làm giàu nhanh từ đất, các chiêu trò đất, người này kiếm được mấy trăm mấy tỷ từ đất.

Sự phi lý của thị trường bất động sản (BĐS) làm cho cộng đồng doanh nhân nản chí, muốn bỏ hết công việc để đâm đầu vào đất. Ngày xưa ông bà ta nói "Cạp đất mà ăn" là để phê phán những người lười học, nhác làm, siêng ăn. Thiên hạ chửi "Đồ đầu đất" là để nói những người chậm chạp, ngớ ngẩn, ngu ngơ. Thế nhưng, thời nay "Cạp đất mà ăn", "Đồ đầu đất" lại là mốt, là trào lưu thời thượng mà ai cũng muốn "đu trend".

Bản thân tôi cũng được hưởng lợi phần nào từ sự phi lý nói trên của thị trường BĐS. Kiếm được tiền đương nhiên là vui, nhưng xung quanh đó lại thấy buồn, thấy lo. Lo vì người người nhà nhà đổ tiền vào đầu cơ thay vì đổ tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội.

Biết làm sao được, bản thân tôi và rất nhiều doanh nhân xunh quanh, mấy năm nay đa số kinh doanh lỗ, cuối năm toàn phải bán đất để lo tết cho đội ngũ. Ai cũng muốn có miếng đất dự phòng để lỡ có chuyện gì...

(Ảnh minh hoạ)

Bạn tôi kinh doanh lĩnh vực nhà hàng hơn 10 năm, từng nổi đình nổi đám một thời khi nằm trong Forbes 30 Under 30 Việt Nam. Mấy năm nay trên Facebook của hắn chỉ thấy đất Sài Gòn rồi Phú Quốc, hết Phú Quốc lại Bình Thuận, xong đất rồi lại tiền kỹ thuật số.

Cậu bạn cùng quê, anh em thân tình chơi với nhau từ thời sinh viên. Cậu kinh doanh dịch vụ du lịch và vé máy bay doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm nhưng gần 10 năm ở Sài Gòn, chỉ có căn chung cư nho nhỏ để chui ra chui vào. Về quê mua đất bán cát, môi giới, dắt khách gần 1 năm nay có được cả chục tỷ đồng.

Anh bạn chuyên về truyền thông, agency, xuất bản sách gần chục năm có được ít của để dành, trong một lần đi chơi cùng với tôi và vài người bạn. Hứng thú quá về vác tiền đi mua đất bán cát. Sau vài lần bị bẻ cọc đâm ra nghiền. Tuần trước anh nói với tôi: "Qua tháng anh mở công ty môi giới BĐS. Làm đất 6 tháng gấp 10 lần làm truyền thông, marketing 6 năm".

Một anh bạn nữa là chuyên gia đào tạo có tiếng, tháng nào cũng có vài ba khóa học kiếm được kha khá. Khoảng nửa năm nay anh hoàn toàn không dạy nữa mà chuyển qua luyện bài "Tình cây và đất" suốt ngày. Cuối tuần vừa rồi, anh nói qua tháng anh dạy một khóa cuối cùng thay cho lời cảm ơn gần 10 năm gắn bó rồi bỏ nghề. Giờ anh là "thằng đầu đất" nên anh sắp "mất dạy" rồi. Một năm làm đất bằng 3 năm đi dạy.

Anh trai tôi dạy trường chuyên của tỉnh, ngôi trường mà bất kỳ bạn học sinh nào cũng muốn bước vào, năm nào cũng có học sinh đạt giải quốc tế nhưng vẫn phải "ăn cá gỗ". Bí cực quá, hai năm nay, nửa ngày anh đi dạy, nửa ngày đi làm cò đất. Nhờ vậy mà giờ cơm có thịt. Đứa em họ của tôi cũng ở tỉnh đó và làm trong quân ngũ, cũng có vài cái gạch, cái sao. Thế nhưng cuộc sống của nó lại là "đất ngày 3 bữa".

Các mối quan hệ quen biết xung quanh tôi, những người có xuất thân từ BĐS nhiều vô kể nhưng những người tay ngang vào BĐS cũng đếm không xuể. Kể ra chắc được cuốn sách dày 200 trang. Nếu họ chuyên tâm vào công việc của mình thì sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, mỗi năm đào tạo ra được hàng chục ngàn con người chất lượng, giàu trí tuệ cho đất nước. Rất tiếc khi đứng trước áp lực của cuộc sống với câu hỏi "THAY ĐỔI HAY LÀ CHẾT?" thì họ phải lựa chọn thứ KIẾM ĐƯỢC TIỀN chứ không phải chọn cái hào hoa bóng bẩy. Dù bất kỳ ai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, muốn người khác giúp mình thì mình phải tự cứu lấy mình trước, muốn giúp thiên hạ thì phải giúp mình trước nên khó trách họ được.

Nếu không có biện pháp hợp lý cho BĐS thì có lẽ tương lai con em chúng ta phần lớn sẽ sống bằng nghề đầu cơ. Lúc đó, có lẽ trong giá thành một cuộn giấy vệ sinh sản xuất ra sẽ có 70% phí thuê đất và 30% là nguyên phụ liệu và nhân công. Một quả sầu riêng xuất vườn sẽ có 60% tiền thuê đất và 40% tiền phân bón, thuốc thang và nhân công. Nếu siết, có lẽ bản thân tôi cũng sẽ bị ho sặc sụa, nhưng đổi lại nếu Việt Nam chúng ta có những doanh nghiệp vươn mình khắp nơi như Samsung, LG, Huyndai… của Hàn Quốc; CP, Saim cement, Thai Corp, BJC… của Thái Lan thì cũng cảm thấy sung sướng và có thêm động lực mà chiến đấu vươn mình thành công ty tỷ đô.

Thấy cộng đồng doanh nhân xung quanh mình bỏ bê đi buôn đất hết mà nản thật sự.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Mai Quốc Bình - CEO Thế Giới Giấy

Các bài viết liên qua đến Người người đổ xô buôn đất: Thế hệ tương lai rồi sẽ sống bằng nghề đầu cơ?