Tại Việt Nam từ xưa đã lưu truyền quan điểm “an cư lạc nghiệp”, tức phải có chỗ ở ổn định thì mới chuyên tâm lao động, sự nghiệp phát triển. Cũng vì thế mà mua nhà trở thành mục tiêu của nhiều người.
Hiện nay, quan điểm này vẫn khá phổ biến. Dù là nhà đất hay chung cư, việc mua được một nơi “an cư” được coi như đang sở hữu tài sản có giá trị, tạo sự an tâm trong tâm lý.
Nhưng cũng nhiều người lại cho rằng, việc mua nhà khi còn trẻ là lãng phí, thay vào đó nên thuê nhà và sử dụng tiền vốn để đầu tư sinh lời.
Vậy thực chất, ngôi nhà là tài sản hay tiêu sản?
Có rất nhiều quan điểm xung quanh câu hỏi này.
Trước hết, cần hiểu thế nào là tài sản và tiêu sản. Ông Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu, cha nghèo” định nghĩa một cách dễ hiểu: “Tài sản là những gì bỏ tiền vào túi bạn” và “tiêu sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi bạn”.
Áp dụng định nghĩa này với căn nhà bạn đang ở, chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh từng chia sẻ trên VnExpress: “Rõ ràng hằng tháng bạn phải lấy tiền ra khỏi túi để chi trả chục chi phí: điện, nước, truyền hình cáp, internet, đổ rác... thậm chí mỗi năm một lần gần Tết lại phải sơn sửa dặm vá, duy tu, bảo dưỡng các hệ thống trong nhà. Căn nhà để ở chắc chắn không thể là tài sản, nó là một ví dụ tiêu biểu của tiêu sản”.
Còn đối với căn nhà cho thuê, đây có thể là tiêu sản hoặc tài sản, tùy từng trường hợp.
“Ví dụ, một người mua căn nhà phố và đem cho thuê với giá 15 triệu/tháng. Hợp đồng cho thuê thời hạn 5 năm. Sau 2 năm thu được tổng số tiền là 360 triệu thì người thuê làm ăn thua lỗ, quyết định trả nhà. Do thỏa thuận ban đầu là khi trả nhà, bên thuê phải hoàn nguyên hiện trạng ban đầu nhưng người thuê chấp nhận mất hết 3 tháng tiền cọc và dọn đi trong đêm. Tổng số tiền người chủ nhà này thu được có khi chỉ đủ để sửa lại căn nhà rồi tìm người thuê mới. Tính ra người này mất trắng số tiền thuê của 2 năm. Trong trường hợp này, căn nhà đó thực sự cũng chưa phải là tài sản mà vẫn là tiêu sản.
Chỉ khi nào căn nhà đem cho thuê thu tiền đều đặn và tiền thuê thu hàng tháng trừ hết chi phí vẫn còn lớn hơn 0 (tức là một số thực thu dương) thì mới gọi là tài sản”.
Tuy nhiên, cần lưu ý, các bất động sản là nhà gắn với đất, khoản tăng giá của đất có thể bù lại khoản khấu hao do cũ đi của nhà.
Còn theo ông Trần Minh Quang, người có 10 năm giữ vị trí quản lý, giám đốc marketing, giảng dạy về bán hàng cho các doanh nghiệp địa ốc và hàng tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều người cứ dốc hết tiền bạc đổ vào nhà đất nhưng vẫn nhầm lẫn giữa tài sản và tiêu sản khi đưa ra quyết định đầu tư.
Ông Trần Minh Quang từng chỉ ra 4 cách đơn giản giúp phân biệt và phòng tránh, để bất động sản không trở thành món hàng rớt giá và gây tổn thất về tài chính cho nhà đầu tư.
Thứ nhất, bất động sản đẻ ra tiền mới được gọi là tài sản
Tài sản là kết quả của suất đầu tư mang lại thu nhập, có sự gia tăng giá trị hoặc chốt lời cụ thể. Tâm lý cho rằng bất động sản luôn là tài sản không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều tình huống tưởng rằng đang đầu tư vào một tài sản nhưng thực chất đó lại là tiêu sản.
Ví dụ, mua mảnh đất, chờ đến giai đoạn giá đất tăng, bán chốt lời, đây là suất đầu tư tài sản thành công. Trong khi đó, đầu tư một khối tài sản lớn là căn hộ dịch vụ (trang bị đầy đủ nội thất cao cấp) để cho thuê nhưng ế khách thời gian dài, hằng tháng phải bù lỗ vận hành, rao bán thì bị lỗ nội thất… là ví dụ điển hình của suất đầu tư tiêu sản.
Thứ hai, bất động sản đầu tư bằng vốn tự có tạo tài sản chắc chắn hơn
Điều này có nghĩa rằng tài sản hay tiêu sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn gốc dòng tiền đầu tư. Đầu tư địa ốc bằng vốn vay, khả năng biến thành tiêu sản sẽ cao hơn.
Ví dụ, cùng là bất động sản, nếu đầu tư bằng vốn tự có, còn gọi là vốn chủ sở hữu, tính toán hợp lý thời hạn của dòng tiền, khi tài sản này khai thác (cho thuê) hoặc bán được giá tốt, thì đây chính là tài sản giá trị.
Trong khi đó, đầu tư bất động sản dùng vốn vay quá lớn, có một đồng nhưng muốn đầu tư tài sản 10 đồng, tức đi vay 9 đồng, để rồi phải còng lưng trả lãi vay, thì đây là suất đầu tư bất ổn, có xu hướng biến thành tiêu sản do chi phí tài chính ăn vào vốn gốc.
Công thức “tài sản = vốn + nợ” thường được áp dụng trong chuyên ngành tài chính kế toán. Nhưng trên thực tế, khoản nợ nếu chiếm tỷ lệ quá cao thì rủi ro khối tài sản này bị biến thành tiêu sản là rất lớn vì có thể dẫn đến kịch bản “chết” trên đống tài sản (bị cấn nợ, siết nợ).
Thứ 3, bất động sản đưa vào khai thác, thanh khoản cao mới là tài sản
Điều này đồng nghĩa với bất động sản bỏ hoang, không thể khai thác, mua dễ bán khó… chính là đầu tư vào tiêu sản.
Ví dụ, mua căn hộ hoàn thiện khai thác cho thuê thu về dòng tiền hằng tháng được xem là đầu tư tài sản. Trong khi đó mua sỉ cả sàn căn hộ đang xây dựng dự định bán lại ăn chênh lệch nhưng thanh khoản thị trường suy giảm, phải ôm hàng trong một thời gian dài, đây chính là kiểu đầu tư tiêu sản.
Thứ tư, bất động sản có pháp lý hoàn chỉnh mới là tài sản
Ngược lại, bất động sản tranh chấp, pháp lý mất nhiều thời gian mới hoàn thành hoặc không thể hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật thì trên 90% khả năng đây là suất đầu tư tiêu sản (thua lỗ, mất tiền).
Ví dụ, mua một lô đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và là đất thổ cư (dùng để xây nhà ở) thì đây là tài sản giá trị vì có thể tăng giá theo thời gian hoặc dễ giao dịch trên thị trường. Trong khi đó bỏ ra bạc tỷ để tậu nhầm một lô đất vướng quy hoạch, chưa có giấy chứng nhận, hoặc toàn bộ là đất nông nghiệp không thể chuyển mục đích sử dụng lên thổ cư thì đây là suất đầu tư tiêu sản, khả năng thua lỗ rất lớn.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Bất động sản