Ông Lê Hoàng Châu: Không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà vào ở

“Chúng ta không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà; Không chấp nhận BQT chung cư phớt lờ khuyến nghị của UBND huyện Nhà Bè. Lựa chọn phương án quản lý nào cho chung cư sẽ do các cư dân quyết định".

Đó là nhấn mạnh của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) tại Hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư" diễn ra tại Tp.HCM sáng 11/3.

Theo ông Châu, trên cả nước hiện có hơn 3.000 khu nhà chung cư. Riêng TP.HCM có khoảng 1.440 khu nhà chung cư, trong đó có 474 khu xây dựng trước 1975 và những chung cư đã có từ 2005 trở về trước gần như không có ban quản trị (BQT) chung cư mà cư dân sử dụng hình thức như tổ dân phố để quản lý.

Từ khi Luật nhà ở 2005 ra đời đến nay mới quy định các dự án nhà chung cư sau khi đưa vào vận hành phải tổ chức đại hội nhà chung cư và bầu ra BQT. Theo quy định, đối với những chung cư dưới 5 tầng, không có thang máy thì BQT tự vận hành; nhưng với những khu nhà cao hơn thì phải có công ty quản lý vận hành chuyên nghiệp. 

Trong vòng 15 năm trở lại đây, cùng với kinh tế phát triển, thu nhập người dân cao thì nhu cầu về nhà ở chung cư cũng tăng cao. Phát triển nhà chung cư hiện nay là lựa chọn của nhiều chủ đầu tư.

Với hiện trạng có hơn 140.000 hộ gia đình sống ở các khu nhà chung cư của Tp.HCM thì làm thế nào để cư dân có được môi trường sống tiện ích, an toàn an ninh, nhiều dịch vụ là điều quan trọng.

"Chúng ta không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà; Không chấp nhận BQT chung cư phớt lờ khuyến nghị của UBND huyện Nhà Bè. Lựa chọn phương án quản lý nào cho chung cư sẽ do các cư dân quyết định", ông Châu nhấn mạnh.

Ở các chung cư lớn thì phí bảo trì lên đến trên 500 tỉ đồng, trong khi một doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có 1-2 tỉ đồng. Một tòa nhà trên 20 tầng thường có phí bảo trì trên 20 tỉ đồng. Riêng Chung cư Phú Hoàng Anh (Nhà Bè) cao 33 tầng thì phí bảo trì trên 46 tỉ đồng. Quy định trong 5 năm đầu tiên, người bảo hành là chủ đầu tư nên cư dân chỉ chi phí nhỏ như bảo trì thang máy, bơm nước...

Có những tòa nhà chung cư, BQT rất khéo léo và chia số tiền quỹ bảo trì gửi tiết kiệm với nhiều kỳ hạn như 13 tháng trở lên, còn lại gửi tiết kiệm 6 tháng và gửi không kỳ hạn để có thể rút ra chi dùng.

Ông Châu ví dụ 100 tỉ đồng gửi 13 tháng cũng có hơn 8 tỉ đồng sau một năm. BQT làm có trách nhiệm thì tiền đẻ ra tiền nhưng đây cũng là miếng mồi gây ra nhiều chuyện.

Theo ông Châu, trước đây không ai muốn làm công việc BQT vì "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng giờ người ta thấy BQT có quyền với quỹ bảo trì và nhiều loại phí, nhiều khoản thu không tên khác, tạo thêm thu nhập khá nhiều... nên giờ là thành một "nghề" làm BQT.

Bảo Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Các bài viết liên qua đến Ông Lê Hoàng Châu: Không thể chấp nhận người mua nhà trả tiền nhưng không được nhận nhà vào ở