Trăm cơn “sốt đất”, một kịch bản: Tin đồn biến thành cuộc chơi của giới đầu cơ, khi nhà đầu tư đổ xô mua thì “sập”

Những cơn sốt đất đã diễn ra rất nhiều lần, qua nhiều năm, tại nhiều địa phương, từ trung tâm tới vùng ven. Tuy vậy, kịch bản gần như chưa bao giờ thay đổi.

Thời gian gần đây, hàng loạt tỉnh thành như Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước đều ngỏ ý với Bộ GTVT về việc xây dựng sân bay. Trong khi đó, một vài tỉnh đã có sân bay thì đề xuất cải tạo, mở rộng hơn. Dù mới chỉ là đề xuất vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không nhưng ngay lập tức đã xuất hiện những cơn “sốt đất” tại các địa phương này. 

Mới nhất là cơn "sốt đất" tại khu vực quanh sân bay Téc Ních (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), nơi Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn lãnh đạo sở, ngành, đơn vị chuyên môn đã đến để khảo sát vị trí lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng với quy mô 500 ha. 

Khu đất gần sân bay Téc Ních. (Ảnh: Zing)

Đông đảo môi giới, cò đất cũng như người hỏi mua từ các tỉnh thành nhanh chóng ùn ùn đổ về đây “đông như trẩy hội”. Có những lô đất mặt đường trước chỉ có giá khoảng 10 triệu đồng/mét ngang nay đã tăng giá gấp vài chục lần, lên tới 100-300 triệu đồng/mét ngang. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, lãnh đạo huyện Hớn Quản đã lên tiếng cho biết dự án sân bay Téc Ních vẫn chưa được triển khai và mới chỉ dừng lại ở bước khảo sát để làm quy hoạch, đồng thời vận động bà con, đồng bào không bán đất, tránh thiệt hại về kinh tế.

Những cơn "sốt đất" chóng vánh như tại Hớn Quản không hề hiếm mà đã xảy ra tại rất nhiều địa phương, từ trung tâm đến vùng ven. Trong đó, có cơn "sốt" đã khiến nhà đầu tư điêu đứng, buộc phải bán với giá rẻ hơn để thoát hàng, thậm chí không bán được, còn người dân địa phương thì mất đất làm nông nghiệp.

Kịch bản của một cơn "sốt đất"

Những cơn "sốt đất" dù xảy ra nhiều lần, tại nhiều nơi, qua nhiều năm nhưng kịch bản thì gần như không thay đổi, thường khởi nguồn từ một thông tin quy hoạch, dự án mới, thậm chí khi còn đang là đề xuất, hay xuất hiện tin đồn rằng một tập đoàn lớn nào đó chuẩn bị đến địa phương đầu tư phát triển dự án.

Bước tiếp theo là nhiệm vụ của giới đầu cơ, cò mồi. Khi thông tin hoặc tin đồn được tung ra, các nhà đầu tư, đầu cơ cũng nhanh chóng kéo tới địa phương để thăm dò. Dù hầu hết tin tức mới chỉ là đề xuất, khảo sát hoặc tin đồn nhưng không ít cò mồi đã tự vẽ ra sơ đồ dự án, phân lô bán nền để kêu gọi người mua. Mỗi mảnh đất lúc này cũng sẽ được đội giá lên vài lần, có khi vài chục lần.

Một chuyên gia về bất động sản cho rằng giá đất khi ấy chịu tác động rất nhiều của giới đầu nậu, “cò” đất, đầu cơ đẩy giá, tạo ra giá ảo, phá hỏng sự phát triển bền vững của nhiều địa phương. Đồng thời, những giao dịch diễn ra trong cơn "sốt đất" chủ yếu là việc mua qua bán lại giữa các nhà đầu cơ hoặc giới cò đất, nhằm tạo ra bức tranh sôi động, thôi thúc nhà đầu tư xuống tiền nếu không muốn lỡ mất “miếng ngon”.

Sự thật cho thấy không ít tin đồn vẫn mãi chỉ là tin đồn, như cơn sốt đất ảo từng xảy ra với siêu dự án chưa được phê duyệt tại Cần Kiệm, Bình Phú (Thạch Thất), hay ở các địa phương như Phú Quốc, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Ba, Vân Đồn, Bắc Ninh,... Quá trình để đi từ đề xuất hay khảo sát thành một dự án thực sự là một chặng đường rất dài, và không phải địa phương nào cũng đáp ứng được những kỳ vọng của chủ đầu tư.

Nhận định về hiện tượng này, Tổng giám đốc Phú Vinh Group - ông Phan Công Chánh từng chia sẻ, khi cả thị trường đã biết đến "sốt đất", truyền thông rầm rộ đưa tin, nhà nhà đều nói đến "sốt đất", các nhà đầu tư đổ xô đi mua đất cũng chính là thời điểm rất nguy hiểm của thị trường, dấu hiệu cảnh báo về việc cơn "sốt đất" sắp "sập".

Đồng thời, khi “đu” theo quả bong bóng này, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro vì chỉ có thể biết được thị trường sốt, đạt đỉnh khi đó là đỉnh của ngày hôm qua, còn ngày mai có đạt đỉnh hay không thì không thể biết trước.

“Do đó các nhà đầu tư sẽ rất khó nắm bắt được thị trường để lướt sóng trong cơn "sốt đất". Có những người ở sát đỉnh nhưng vẫn cố chờ thêm đến khi thị trường sập thì không thoát được nữa", ông Vinh cho biết. .

Chưa kể những cơn "sốt đất" thường diễn ra trong thời gian ngắn và chỉ dành cho những người thực sự thạo tin hoặc vào thị trường từ sớm. Chưa kể, với chiêu trò làm giá để thoát hàng của một nhóm các nhà đầu tư và cò mồi, có khi một cơn "sốt đất" chỉ kéo dài vỏn vẹn 2-3 ngày. Ngược lại, những người đến sau, "ảo tưởng" rằng có thể giàu nhanh qua một đêm hoặc bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông sẽ rất dễ rơi vào bẫy của các nhà đầu cơ

Các bài viết liên qua đến Trăm cơn “sốt đất”, một kịch bản: Tin đồn biến thành cuộc chơi của giới đầu cơ, khi nhà đầu tư đổ xô mua thì “sập”