Hiệp hội Ngân hàng đề nghị sửa Thông tư 01: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 'sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch'

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra dự thảo sửa Thông tư 01 là kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với hiện hành, tới 30/6/2022. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nếu thay đổi thời gian đến sau 3 tháng kể từ ngày hết dịch như cơ quan này đề xuất thì NHNN sẽ không phải lo liên tục sửa đổi Thông tư.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có Công văn số 305/HHNH-PLNV ngày 27/8/2021 về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thông tư 01).

Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đây là lần thứ 3 sửa đổi Thông tư 01 liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và TCTD bởi đại dịch COVID-19, chưa nói đến dự thảo lần này cũng không loại trừ khả năng phải sửa đổi lần thứ 4 nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dựa vào kế hoạch, mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh (Chính phủ đã xây dựng kịch bản cả nước mắc 30.000 ca nhiễm bệnh, nay đã lên gấp hơn 10 lần, điều đó cho thấy dịch bệnh có diễn biến khó lường, không thể đặt mục tiêu một cách chính xác như thời hạn trả nợ được) thì phải xác định việc sửa đổi Thông tư liên tục theo diễn biến dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị nên sửa đổi, bổ sung những điểm cơ bản như: thời điểm xác định, thời hạn được cơ cấu cho phù hợp thực tế; còn nội dung khác cần xây dựng mang tính ổn định xuyên suốt, không nên sửa đổi một nội dung nhưng kèm theo nhiều nội dung liên quan phải sửa đổi.

Công văn của Hiệp hội Ngân hàng phân tích, tại Thông tư 01 quy định loại dự thu khoản nợ cơ cấu và đến Thông tư 03 bổ sung việc trích lập dự phòng rủi ro phù hợp thể hiện mang tính an toàn hệ thống. Còn lại việc quy định các thời điểm cơ cấu, phát sinh nợ từ thời điểm a đến thời điểm z là theo cảm tính dựa vào kịch bản cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19. Chính vì vậy phải liên tục sửa đổi, bổ sung thời điểm kèm theo nhiều nội dung khác liên quan nhằm bổ sung ngày càng chặt, gây khó cho TCTD khi thực hiện.

Hiệp hội cũng đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vì với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hay tại điểm 2, khoản 1, Điều 1 (dự thảo Thông tư) có quy định: "Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022". Hiệp hội đề nghị sửa thời hạn theo Thông tư 01 "…cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch ".

Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý: "nếu NHNN vẫn có ý định tiếp tục sửa đổi lần thứ tư thì quy định như dự thảo, nếu hy vọng sống chung với COVID thì quy định đến ngày 31/12/2022 (hết năm 2023 TCTD đã phải trích dự phòng rủi ro 100% khoản nợ cơ cấu mà NHNN còn quy định như vậy là không phù hợp)".

"Nếu thực hiện theo Thông tư 01 có bổ sung việc dự phòng và xác định cơ cấu khoản nợ tại thời điểm trước ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch và có quan điểm nhất quán như Thông tư 01 và 1 phần Thông tư 03, thì sửa đổi Thông tư chỉ việc điều chỉnh số dư nợ quá hạn đến ngày Thông tư hoặc Thông tư sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành hoặc có thể giao cho TCTD tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật thì NHNN không phải lo liên tục sửa đổi Thông tư", Hiệp hội Ngân hàng đề nghị.

Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị NHNN cần lắng nghe ý kiến thực tế của các TCTD và của Hiệp hội trên cơ sở tổng hợp ý kiến hội viên.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị NHNN xem xét bổ sung vào dự thảo Thông tư nội dung mới như:

Để thực hiện đúng quy định tại Chỉ thị số 16 đối với các Khoản nợ của các khách hàng trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16, đề nghị NHNN cho TCTD được phép:

a. Hoãn trả nợ cho khách hàng cho đến hết 15 ngày sau ngày công bố chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16, trừ trường hợp Khách hàng tự nguyện thực hiện trả nợ thông qua các hình thức như chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản, tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ;

b. Việc phân loại nợ các khoản nợ được hoãn theo điểm a trên đây thực hiện như sau:

(i) Giữ nguyên nhóm nợ khi:

- Khách hàng trả đầy đủ nợ gốc, lãi; hoặc

- Được TCTD và Khách hàng thực hiện gia hạn/ cơ cấu nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16.

(ii) Chuyển nợ quá hạn khi phân loại nợ theo ngày quá hạn trong trường hợp:

- Khách hàng không trả đầy đủ nợ gốc, lãi; hoặc trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện chỉ thị 16;

- Không được TCTD và khách hàng thực hiện gia hạn/cơ cấu nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16.

Hiệp hội cũng đề nghị: "NHNN nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và TCTD ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến, từ đó đề nghị Chính phủ ban hành một Nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TCTD bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19".

Trường hợp NHNN căn cứ vào Nghị quyết chung của Chính phủ để ban hành Thông tư liên quan đến các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai, thực chất là nợ dưới chuẩn nhưng không bị phân loại nhóm nợ cao hơn, thì nên quy định mang tính an toàn hệ thống (loại dự thu, trích dự phòng rủi ro 3 năm), còn lại các nội dung khác để các TCTD tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì không ai hiểu khách hàng bằng chính TCTD.

Bởi nếu ban hành chi tiết, sau này xảy ra nợ xấu toàn hệ thống thì việc ban hành chi tiết trong Thông tư không có lợi cho cơ quan ban hành chính sách, vì không phải lỗi chủ quan của TCTD (do dịch bệnh). Do đó, NHNN nên xây dựng Thông tư nhằm quản lý mang tính an toàn hệ thống theo Luật NHNN, còn lại để TCTD chịu trách nhiệm theo các Luật: Các TCTD, dân sự, doanh nghiệp…(chắc chắn trong tương lai nợ xấu sẽ tăng rất cao, các TCTD ngày càng khó khăn kể cả khó khăn về thanh khoản …).

Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, việc áp dụng cả 3 Thông tư với nội dung cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ có nhiều bất cập, khó khăn và có thể gây ra rủi ro pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quá trình cơ cấu nợ. Vì vậy, khi sửa đổi thông tư cần ngắn gọn, dễ hiểu, chỉ sửa nội dung chính, còn các nội dung khác không nên thay đổi hoặc chép lại nội dung Thông tư cũ, các nội dung khác theo nguyên tắc của Thông tư trước. "Thực tế cần sửa Khoản 1 Điều 4, còn Khoản 2 Điều 4 theo Thông tư 01 thì không bao giờ phải sửa và cũng không sợ bị lợi dụng vì đằng nào cũng phải trích dự phòng trong 3 năm", Hiệp hội Ngân hàng đề nghị.

 

Thanh Bình - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Các bài viết liên qua đến Hiệp hội Ngân hàng đề nghị sửa Thông tư 01: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 'sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch'