Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Dưới ảnh hưởng của truyền thông và quảng cáo doanh nghiệp, một startup thành công thường được mặc định là một công ty gọi được nguồn vốn tài trợ lớn ngay cả khi sản phẩm chưa được hiện thực hóa. Tuy nhiên, gọi vốn khởi nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng với các startup.
Quá tập trung vào việc gọi vốn khi doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự sẵn sàng, hoặc tiếp cận việc gọi vốn sai cách sẽ dẫn tới sự lãng phí về cả thời gian và công sức, đồng thời khiến nhà đầu tư quay lưng.
Tránh phạm vào những sai lầm sau đây, các startup sẽ có thể nâng cao cơ hội thành công hơn ở những vòng gọi vốn đầu tiên.
1. Nghĩ rằng bạn cần có nhà đầu tư dù thực tế là không
Phần lớn các startup trong giai đoạn ban đầu đều có thể hoạt động bằng tiền vốn của những người sáng lập. Có 3 lý do giải thích cho việc này:
Thứ nhất: rất khó để thuyết phục ai đó rót tiền cho một ý tưởng kinh doanh mà tính thành công của nó chưa được chứng minh.
Thứ hai: hầu hết các doanh nghiệp mới (đặc biệt là các công ty dịch vụ) không cần quá nhiều vốn ban đầu. Chính vì thế, không có lý do gì phải chia tỷ lệ thu nhập phần trăm vĩnh viễn cho nhà đầu tư khác, trong khi bản thân những người sáng lập có thể tự gom đủ số tiền này.
Thứ ba, cũng là quan trọng nhất: không phải tất cả các startup đều có thể mở rộng quy mô. Hầu như các nhà đầu tư đều theo đuổi những mô hình mang tới sự thành công nhanh chóng mà không phải đầu tư quá nhiều. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp theo mô hình kinh doanh truyền thống đơn giản là không thể đạt tốc độ tăng trưởng cần thiết để được định giá tới hàng tỷ USD trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
2. Nôn nóng gọi vốn quá sớm
Một sai lầm phổ biến mà các startup hay mắc phải là cố gắng gọi vốn chỉ bằng một ý tưởng viết trên giấy mà hoàn toàn thiếu đi một “phòng dữ liệu” với những thông tin mà các nhà đầu tư sẽ muốn xem xét trong quá trình tìm hiểu startup. Trước đây, nhà sáng lập có thể thành công gọi vốn nhờ các mối quan hệ tốt và một sơ yếu lý lịch ấn tượng, nhưng ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Ngày càng nhiều nhà đầu tư muốn nhìn vào các dữ liệu thông tin của doanh nghiệp, thay vì chỉ nhìn vào khả năng của nhà sáng lập trong việc dự đoán tương lai.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người sáng lập startup là xác thực ý tưởng của mình trước khi gọi vốn. Bằng cách chuẩn bị kỹ càng thông tin, số liệu trong hồ sơ, họ sẽ khiến startup của mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
3. “Chào hàng” sai đối tượng
Vòng tiền hạt giống (Pre-seed round) và vòng hạt giống (Seed round) là giai đoạn startup được cấp vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh và tìm kiếm những khách hàng đầu tiên, qua đó startup có thể chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng trong việc đưa ra một sản phẩm phù hợp với thị trường. Đứng sau các vòng gọi vốn là thường là nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ và quỹ tăng tốc.
Các vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm (vòng gọi vốn series A, B, C…) cung cấp vốn để startup đẩy mạnh phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô hoạt động càng nhanh càng tốt. Bên cạnh sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm và thiên thần, một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vòng này là các công ty tư nhân, công ty gia đình, quỹ phòng hộ hay các liên doanh.
Việc thuyết phục nhầm nhà đầu tư ở các giai đoạn gọi vốn khác nhau sẽ dẫn tới việc lãng phí thời gian của cả hai bên.
4. Đơn độc tiếp cận nhà đầu tư
Rất nhiều startup chỉ đơn giản viết về doanh nghiệp khởi nghiệp của mình trên website mà không tính đến việc mở rộng phương thức tiếp cận nhà đầu tư. Dù nghe có vẻ không công bằng, nhưng việc một startup thành công gọi vốn cũng có một phần nguyên nhân đến từ sự tin tưởng của nhà đầu tư với người sáng lập.
Do đó, cách tốt nhất để gọi vốn hiệu quả là hãy tích cực tham gia cộng đồng khởi nghiệp địa phương, kịp thời tìm kiếm những người giúp đảm bảo tư cách của bạn và giới thiệu bạn với các nhà đầu tư phù hợp.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa bạn chỉ nên tự thân vận động. Thực tế, việc đăng ký ý tưởng khởi nghiệp với các vườn ươm khởi nghiệp hay các quỹ tăng tốc cũng có tầm quan trọng không kém trong việc giúp bạn huy động vốn thành công.
5. Trình bày ý tưởng không rõ ràng
Sau khi chắc chắc rằng startup của bạn cần tới vốn đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn đang ở giai đoạn thích hợp để gọi vốn, hãy đảm bảo rằng bạn có thể truyền đạt rõ ràng mục tiêu, tầm nhìn tương lai của mình tới các nhà đầu tư tiềm năng.
Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu rõ các nhà đầu tư của mình, những người đang lắng nghe bạn trình bày.
Thứ nhất, tại sao công ty của mình lại phù hợp với danh mục đầu tư của nhà đầu tư đó?
Thứ hai, bạn có thể truyền đạt một cách rõ ràng và ngắn gọn những gì startup của bạn đang thực sự làm hay không?
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bạn có thể cung cấp tài liệu chứng minh những thông tin mà mình đã đề cập không?
Nói chung, gọi vốn chưa bao giờ là một việc dễ dàng, song nguyên nhân chủ yếu là do sai lầm của bản thân startup, khi cố gắng theo đuổi các khoản đầu tư sai thời điểm. Hãy đảm bảo bạn không vướng phải sai lầm này, và với sự nỗ lực, kiên trì, cơ hội thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tới startup của bạn chắc chắn sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Đỗ Hiền - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh