Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Theo thông tin từ DealStreetAsia, website thương mại điện tử Đông Nam Á Lazada đã nhận 378,5 triệu USD từ việc phát hành cổ phiếu mới từ công ty mẹ của họ là Alibaba. Thông tin này được tờ DealStreetAsia đăng tải vào ngày thứ 2 khi họ kiểm tra hồ sơ của công ty. Tờ DealstreetAsia nói rằng khoản đầu tư này là lớn nhất từ trước đến nay kể từ sau khoản 1,3 tỷ USD mà Alibaba đầu tư vào công ty từ tháng 6/2020.
Alibaba gần đây đã lên kế hoạch mở rộng Lazada sang châu Âu để đa dạng hóa nguồn tốc độ tăng trưởng của công ty khi sự cạnh tranh bắt đầu nóng lên ở Trung Quốc. Alibaba cũng đã có sự hiện diện ở châu Âu thông qua AliExpress.
Lazada hiện chưa phản hồi về vấn đề này.
Công ty này đã ghi nhận tổng giá trị hàng hóa đạt 21 tỷ USD và 159 triệu người dùng trong 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2021. Con số này thấp hơn đáng kể so với đối thủ Shopee – trực thuộc Sea Group – vốn ghi nhận 62,5 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm ngoái.
Lazada gần đây đã mở trụ sở chính tại Singapore. Họ hiện điều hành hoạt động tại 6 quốc gia ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Shopee hoạt động tại 13 quốc gia gồm cả Ba Lan và Tây Ban Nha. Shopee cũng đã có mặt tại Pháp nhưng họ đã rời khỏi đây chỉ 1 tháng sau khi chính thức ra mắt.
Alibaba đã mua 51% cổ phần của Lazada với giá 1 tỷ USD vào năm 2016 và sau đó tăng cổ phần lên 83% thông qua khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD khác. Alibaba nhắm tới việc tăng tổng giá trị hàng hóa lên 100 tỷ USD và tăng gấp đôi lượng người dùng lên 300 triệu người vào năm 2030.
Hồi tháng 2, có thông tin cho rằng Alibaba Group Holding đã thảo luận về việc huy động ít nhất 1 tỷ USD cho Lazada. Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã nhắm đến việc đảm bảo tài chính cho Lazada để trở thành "phiên bản phụ" của công ty với trụ sở tại Singapore. Alibaba cũng dự định về một đợt IPO tiềm năng cho Lazada. Nguồn tin cho biết, Alibaba đã hy vọng thu về ít nhất 1 tỷ USD nhưng sau đó rút lui bởi không đảm bảo được mức định giá như dự kiến của mình.
Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc đang tìm kiếm sự tăng trưởng ở nước ngoài khi thị trường nội địa của họ nguội đi và chính sách Covid Zero của Bắc Kinh tiếp tục làm giảm tiêu dùng trên toàn bộ nền kinh tế số 2 thế giới. Vào tháng 11, Alibaba đã cắt giảm triển vọng tài chính 2022 sau khi báo cáo doanh số bán hàng không đạt được ước tính của các nhà phân tích trong quý thứ hai liên tiếp.
Cạnh tranh đang gia tăng ngay khi Trung Quốc vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 rộng nhất kể từ khi loại virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán. Các đối thủ như JD.com và Pinduoduo cũng đang đẩy mạnh đầu tư để giành được người dùng của Alibaba.
Vào tháng 12, Giám đốc điều hành Alibaba là Daniel Zhang và các cấp dưới của ông đã xác định hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, các thành phố xa và công nghệ đám mây là những động lực tăng trưởng chính của công ty trong những năm tới.
Nguồn: DealstreetAsia
Phương Linh - Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Tin nổi bật Kinh doanh