Bạn thân ‘nhà người ta’: Không lập ngân sách chi tiêu, cùng nhau thành triệu phú năm 30 tuổi

Sau 10 năm, họ đều sự nghiệp thành công, một trang web về tài chính cá nhân mà cả hai cùng phát triển và trở thành triệu phú khi bước sang tuổi 30.

 

Swati và Riddhi gặp nhau trong năm nhất đại học và trở thành bạn cùng phòng 1 năm sau đó. Không chỉ chung không gian sống, họ còn chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống cũng như công việc sau này.

Hai người bạn thân thường xuyên có những cuộc trò chuyện thẳng thắn về nhiều vấn đề: tài chính, mục tiêu, sự nghiệp và ý tưởng để thành công. Giờ đây, sau 10 năm, họ vẫn có nhiều điểm tương đồng: sự nghiệp thành công, một trang web về tài chính cá nhân mà cả hai cùng phát triển và trở thành triệu phú khi bước sang tuổi 30. Hiện, mỗi người sở hữu hơn 1 triệu USD.

Việc sở hữu khoản tiền lớn nhất định ở độ tuổi nhất định không phải mục tiêu bất khả thi mà là kết quả của nhiều năm tuân theo các quy tắc tài chính nhất quán và có chủ đích.

Dưới đây là những điều đôi bạn thân này đã thực hiện để trở thành triệu phú đô la:

Bắt đầu từ xây dựng quỹ khẩn cấp

Ngay từ khi nhận được lương tháng đầu tiên, Swati và Riddhi đã để lại một phần cố định để tiết kiệm hoặc đầu tư trong tương lai. Chiến lược "trả tiền cho bản thân trước" này khá phổ biến trong tài chính cá nhân. Theo đó, hãy coi tiền cần tiết kiệm hay đầu tư như một "hóa đơn" phải trả hàng tháng.

Swati nói: "Thời gian đầu, hầu như toàn bộ số tiền chúng tôi để dành mỗi tháng là để xây dựng quỹ khẩn cấp. Điều này rất quan trọng đối với quá trình làm giàu về lâu dài. Nó giúp bạn không rơi vào tình trạng nợ nần khi có việc khẩn cấp xảy ra như mất việc hay gặp tai nạn.

Quỹ khẩn cấp của tôi trị giá bằng 12 tháng thu nhập cơ bản. Nếu phải dùng đến một phần, tôi sẽ trả lại đủ sớm nhất có thể. Ngoài ra, tôi có tài khoản tiết kiệm trị giá bằng 6 tháng lương".

Cả Swati và Riddhi đều gửi tiết kiệm trực tuyến vì hình thức này tiện lợi và có lãi suất cao hơn.

Đầu tư liên tục từ khi mới đi làm

Swati và Riddhi cho biết họ coi đầu tư là công cụ hiệu quả giúp đẩy nhanh tốc độ đạt được mục tiêu tài chính. Hai người chủ yếu đầu tư vào các quỹ chỉ số. Về phần mình, Swati nói rằng cô dành khoảng 5% thu nhập để đầu tư vào một số cổ phiếu riêng lẻ.

Dù đầu tư thường xuyên nhưng họ không cố định số tiền đầu tư hàng tháng. Ví dụ, nếu đã dùng một phần quỹ khẩn cấp, họ sẽ đầu tư ít hơn để bù vào số tiền của quỹ.

"Nếu có thể, hãy đầu tư hàng tháng. Tôi nghĩ rằng sự nhất quán mới là chìa khóa quan trọng nhất chứ không phải việc bạn đầu tư nhiều như thế nào".

Không mắc nợ, dùng thẻ tín dụng khôn ngoan

Ngoài "hóa đơn" tiết kiệm và đầu tư, Swati và Riddhi cũng phải trả các hóa đơn và chi phí khác trong cuộc sống. Họ tự động hóa tất cả để mọi thứ được thanh toán đầy đủ và không phát sinh bất kỳ khoản nợ nào.

Riddhi chia sẻ: "Chúng tôi đều may mắn khi tốt nghiệp đại học mà không phải gánh khoản nợ sinh viên. Chúng tôi cũng không nợ thẻ tín dụng ngay từ những ngày đầu sử dụng".

Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, họ luôn để ý đến các tin tức khuyến mại hay chương trình quà tặng để tối đa hóa lợi ích của thẻ. Hai người đặc biệt thích sử dụng khi thẻ có ưu đãi về du lịch vì nó giúp họ tiết kiệm một khoản không nhỏ trong chuyến đi của mình.

Tiêu hết số tiền còn lại mà không cảm thấy tội lỗi

Sau khi tiết kiệm, đầu tư và thanh toán tất cả các hóa đơn, Swati và Riddhi chi tiêu thoải mái số tiền còn lại.

"Chúng tôi không lập ngân sách chi tiêu. Việc tiêu phần còn lại mà không tính toán quá nhiều giúp chúng tôi cảm thấy thư giãn và xứng đáng với công sức đã bỏ ra", Swati cho biết.

Hai người không cảm thấy tội lỗi khi bỏ tiền mua một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao bởi nền tảng tài chính của họ đã đủ vững chắc.

Nguồn: Ins

Mộc Tiên - Kinh Doanh & Tiếp Thị

Các bài viết liên qua đến Bạn thân ‘nhà người ta’: Không lập ngân sách chi tiêu, cùng nhau thành triệu phú năm 30 tuổi