Năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới. VN-Index kết thúc năm 2021 sát 1.500 điểm, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Điều kiện thuận lợi của thị trường đã giúp cho hoạt động kinh doanh chứng khoán của các nhà băng thu được nhiều lợi nhuận.
Nếu chỉ tính riêng lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng kinh doanh thành công nhất với 583 tỷ đồng lợi nhuận. Một số ngân hàng có mức lợi nhuận nhờ chứng khoán ấn tượng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 450 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) 496 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) 249 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) 231 tỷ đồng;...
Chứng khoán kinh doanh (CKKD) bao gồm các chứng khoán mà ngân hàng thương mại mua vào với mục đích hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn và các tài sản tài chính phái sinh được nắm giữ không phải với mục đích phòng ngừa.
Tùy theo ngân hàng mà chứng khoán kinh doanh có thể là chứng khoán vốn (cổ phiếu) hoặc chứng khoán nợ (trái phiếu) hoặc cả 2.
Bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán biến động tăng giảm với biên độ lớn. Mới gần đây nhất phiên giao dịch ngày 25/04 giảm điểm rất mạnh, giảm đến hơn 80 điểm. Kết phiên 25/04, VN-Index giảm hơn 70 điểm và tổng kết giảm tổng cộng gần 218 điểm kể từ khi lập đỉnh lịch sử vào đầu năm.
VN Index giảm về 1285 điểm cuối phiên ngày 25/04 vừa qua
Theo BCTC quý I/2022 một số nhà băng đã công bố, mặc dù kết quả kinh doanh chung đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ nhưng ở 1 chiều hướng khác, việc kinh doanh chứng khoán tỏ ra không hiệu quả khi có khá nhiều nhà băng theo ghi nhận có kết quả Lỗ từ kinh doanh chứng khoán.
Trong số các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022, ngoài Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Liên Việt Postbank (LPB) không có hoạt động kinh doanh chứng khoán, các ngân hàng còn lại đa phần đều ghi nhận khoản lỗ từ CKKD.
Tổng hợp từ số liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 và quý I/2022 của các ngân hàng
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Techcombank lỗ hơn 95 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhà băng này lãi 135 tỷ đồng còn VPBank lỗ do kinh doanh chứng khoán hơn 66 tỷ/quý I năm nay. Tuy nhiên danh mục CKKD của cả 2 nhà băng này chỉ có chứng khoán nợ, không có chứng khoán vốn.
Trích BCTC quý I/2022 Techcombank
Danh mục chứng khoán kinh doanh tại 31/03/2022 của Techcombank bao gồm chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, đã giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2021 chủ yếu ở nhóm trái phiếu do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành. Số dư chi phí dự phòng giảm giá CKKD đến hết quý I năm nay cũng tăng 55 tỷ đồng.
Trích BCTC quý I/2022 Vpbank
Tương tự, nhìn vào danh mục chứng khoán kinh doanh của VPBank chủ yếu là chứng khoán nợ của Chính Phủ và chính quyền địa phương, chiếm đến hơn 99%. Số dư CKKD cuối quý I/2022 của nhà băng này đã giảm gần 45% so với cuối năm 2021.
Ngân hàng TMCP Á Châu ACB cũng lỗ 3 tháng đầu năm hơn 11 tỷ đồng do CKKD trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 113 tỷ đồng. Danh mục của ACB có cả chứng khoán nợ và chứng khoán vốn, trong đó nhà băng này đang nắm hơn 944 tỷ đồng chứng khoán vốn do tổ chức kinh tế trong nước phát hàng và 279 tỷ chứng khoán vốn do tổ chức tín dụng khác phát hành.
Trích BCTC quý I/2022 ACB
Ngân hàng MSB có hoạt động kinh doanh chứng khoán vốn tuy nhiên giá trị khá nhỏ, cụ thể đến cuối quý I năm nay chứng khoán vốn ngân hàng nắm giữ trị giá hơn 39 tỷ đồng. Giá trị này giữ nguyên từ cuối năm 2021 không có biến động.
Trích BCTC quý I/2022 MSB
Ngoài ra, mặc dù không có chứng khoán kinh doanh nhưng Liên Việt Post Bank đang nắm giữ 431 tỷ đồng giá trị chứng khoán vốn do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành, còn Tienphong bank đang nắm giữ hơn 180 tỷ đồng chứng khoán vốn do các tổ chức kinh tế khác trong nước phát hành.
An Vũ
Tin nổi bật Kinh doanh