Cổ phiếu từng khiến khối ngoại phải trả chênh đến hàng chục % để sở hữu bất ngờ bị bán ròng 3 phiên liên tiếp

Room ngoại của MWG hiện đã hở ra 2,86 triệu đơn vị, điều hiếm thấy đối với một cổ phiếu từng là cái tên khiến nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường để sở hữu.

Nhà đầu tư nước ngoài vừa có phiên thứ 2 liên tiếp bán ròng trên HoSE trong đó cái tên gây bất ngờ nhất là MWG. Cổ phiếu này bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất sàn phiên 2/7 với khối lượng 1,18 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 80 tỷ đồng. Sau 3 phiên liên tiếp bị bán ròng, room ngoại của MWG đã hở ra 2,86 triệu đơn vị.

Đây là điều hiếm thấy đối với một cổ phiếu "hot" trong mắt nhà đầu tư nước ngoài như MWG. Room ngoại của cổ phiếu này thường xuyên được phủ kín và chỉ hở ra do các hoạt động ESOP nhưng đều được lấp đầy ngay sau đó bởi các khối ngoại. Điển hình như phiên ngày 13/4, nhà đầu tư nước ngoài đã không ngần ngại chi 1.500 tỷ đồng để phủ kín khoảng trống 9,4 triệu đơn vị do việc phát hành ESOP để lại.

Trong quá khứ, MWG cũng từng là cái tên khiến nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến hàng chục phần trăm so với thị giá để sở hữu. Theo tiết lộ từ các quỹ ngoại lớn như Dragon Capital, Pyn Elite Fund, mức premium đối với MWG rất cao, thường vào khoảng 40% đến 50% so với thị giá. Theo sau là những cổ phiếu như FPT từ 15% đến 20%, REE vào khoảng 7% đến 10%,...

Tỷ lệ premium của một số cổ phiếu hết room trong quá khứ (Nguồn Pyn Elite Fund, Dragon Capital)

Thời gian gần đây, các thông báo về giao dịch thỏa thuận ngoài sàn thông quan Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) các cổ phiếu trên đã ít xuất hiện hơn, thay vào đó là các giao dịch thỏa thuận trực tiếp trên sàn với biên độ tối đa +/-7%. Ngoài ra, khối ngoại còn có thêm một lựa chọn khác để gián tiếp sở hữu các cổ phiếu thường xuyên hết room như MWG thông qua chứng chỉ quỹ Diamond ETF – rổ mà cổ phiếu này chiếm tỷ trọng trên 16%.

Thêm nữa, MWG cũng là một trong số ít cổ phiếu vẫn trụ vững qua giông bão thời gian gần đây. Cổ phiếu này thậm chí còn nhiều phiên đi ngược thị trường qua đó đem lại hiệu suất vượt trội so với phần lớn Bluechips khác. Do đó, không bất ngờ khi các quỹ ngoại cũng tham gia "lướt sóng" thời gian qua.

Điển hình như Dragon Capital, sau khi tăng sở hữu phiên hở room 13/4, nhiều thành viên nhóm này đã bán ra tổng cộng 1,1 triệu cổ phiếu ngày 17/6 sau đó. Dù vậy, cả nhóm Dragon Capital vẫn nắm giữ lượng lớn MWG đặc biệt là quỹ tỷ USD VEIL khi đây là khoản đầu tư lớn thứ 2 trong danh mục với tỷ trọng 10,6%.

Việc MWG bị bán ròng những phiên gần đây chưa thể khẳng định "khẩu vị" của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi ở thời điểm này. Rất có thể đây chỉ đơn thuần là hoạt động lướt sóng của một số quỹ ngoại và nhà đầu tư cần theo dõi thêm các giao dịch trong thời gian tới để đánh giá chính xác về xu hướng của khối ngoại.

Theo Hà Linh - Theo Nhịp sống kinh tế

Các bài viết liên qua đến Cổ phiếu từng khiến khối ngoại phải trả chênh đến hàng chục % để sở hữu bất ngờ bị bán ròng 3 phiên liên tiếp