Số ghế mà các hãng hàng không Trung Quốc cung cấp đã sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch do nước này kích hoạt các biện pháp hạn chế đi lại để đối phó với số ca nhiễm biến chủng Delta tăng vọt.
Dữ liệu từ OAG cho thấy đà giảm bắt đầu từ cuối tháng 7 đã khiến số chỗ ngồi giảm tới 32% chỉ trong 1 tuần. Mức giảm của Trung Quốc cũng khiến tổng số chỗ ngồi mà ngành hàng không toàn cầu có thể cung cấp giảm 6,5% trong 1 tuần. Ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, hoạt động đi lại đã hồi phục nhưng rất chậm chạp.
Làn sóng lây nhiễm mới giáng 1 đòn mạnh lên ngành du lịch Trung Quốc ngay tại thời điểm mùa du lịch cao điểm nhất. Từng có lúc vượt Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới nhờ Covid-19, giờ đây Trung Quốc đang phải chiến đấu với đợt bùng dịch rộng nhất kể từ khi virus lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán cuối năm 2019.
Sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Nam Ninh, dịch bệnh đã lan ra hơn một nửa số tỉnh thành của Trung Quốc và khiến nước này phải thắt chặt đi lại. Hiện công suất của ngành hàng không đang ở mức thấp nhất kể từ tuần 8/2/2019.
Ngành y tế Trung Quốc kỳ vọng sẽ kiểm soát được làn sóng dịch bệnh hiện nay trong 2-3 tuần tới nếu như nghiêm ngặt thực hiện các biện pháp. Mặc dù phần lớn người dân đã được tiêm chủng, Trung Quốc vẫn kiểm soát rất chặt biên giới với quan điểm "sạch bóng virus" hơn là "học cách sống chung với virus".
Biến chủng Delta khởi nguồn từ Ấn Độ nhưng đã nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới và làm gián đoạn các kế hoạch tái mở cửa cũng như nỗ lực hồi phục kinh tế của Anh, Mỹ và cả liên minh châu Âu. Các nước châu Á như Thái Lan cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm khủng khiếp.
Công suất của ngành hàng không toàn cầu hiện đang ở mức 64% so với trước dịch. Sau khi tăng nhanh trong tháng 6 và tháng 7, công suất của thị trường Mỹ và châu Âu đang đi ngang.
Theo John Grant, chuyên gia phân tích của OAG, có lẽ sự hồi phục của ngành hàng không vẫn còn xa. "Trong vài tuần tới, các hãng hàng không sẽ bắt đầu lên kế hoạch cho mùa đông và nhiều dữ liệu cho thấy mùa đông năm nay sẽ không khá hơn mùa đông năm ngoái".
Giống như Trung Quốc, tại Mỹ đà hồi phục chủ yếu đến từ thị trường nội địa. Mặc dù đã mở cửa trở lại một phần các đường bay với châu Âu, vẫn chưa thể hồi phục công suất nhanh chóng vì các hãng đã cắt giảm sản lượng rất sâu trong đại dịch. Tuần trước hãng hàng không giá rẻ Frontier Airlines làm dấy lên những lo ngại mới khi thông báo số lượng đặt chỗ không như kỳ vọng vì biến chủng Delta.
Theo Anne Agnew Correa, phó chủ tịch của MBA Aero, ngành hàng không chỉ có thể hồi phục mạnh mẽ nếu như các nước dỡ bỏ lệnh giới hạn đi lại và niềm tin hoàn toàn hồi phục. "Nhiều hãng đã hưởng lợi từ niềm tin trên thị trường nội địa tăng trở lại trong mùa hè vừa qua, nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng lớn từ việc thị trường quốc tế gần như đóng băng". EU đang xem xét áp đặt lại lệnh giới hạn khách du lịch từ Mỹ vào tuần tới do số ca nhiễm tại Mỹ tăng cao trở lại.
Sau khi tăng trưởng tốt trong tháng 7, công suất của ngành hàng không châu Âu chỉ tăng 0,3% trong tuần trước - điều làm phức tạp thêm nỗ lực huy động vốn của các hãng. Virgin Atlantic Airways có kế hoạch IPO tại London trong khi Deutsche Lufthansa đang tìm cách huy động tiền mặt để hoàn trả số tiền cứu trợ 9 tỷ euro đã nhận từ chính phủ.
Thu Hương - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh