Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Theo tờ The Guardian, có thể khẳng định rằng Facebook đã xâm chiếm cả thế giới kể từ khi thành lập vào năm 2004 đến nay với hơn 50% dân số toàn cầu có tương tác với mạng xã hội này. Thế nhưng sau nhiều năm làm giàu trên quảng cáo và bán dữ liệu người dùng, Facebook đang chịu áp lực phải cải tổ đế chế của mình để xây lại từ đầu.
Hết thời
Hơn 15 năm kể từ khi chàng sinh viên Mark Zuckerberg phát triển Facebook ở ký túc xá trường đại học mình, mạng xã hội này đã thu hút được tới 2,8 tỷ người dùng để rồi bất ngờ đổi tên thành Meta vào tháng 10/2921. Từ việc là mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook giờ đây quay xe sang tập trung cho vũ trụ ảo, thứ công nghệ mà nhiều người thậm chí còn chưa hiểu nó là cái gì.
Thế nhưng liệu Facebook có thành công một lần nữa hay không là cả một dấu hỏi lớn. Bất chấp điều đó, Mark Zuckerberg lại chẳng thể không thay đổi bởi Facebook đang dần hết thời. Trong báo cáo quý gần nhất, lần đầu tiên Facebook công bố sự suy giảm số người dùng chủ động, một chỉ tiêu cực kỳ quan trọng với những nhà đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên Facebook bị suy giảm chỉ tiêu này kể từ khi sáng lập vào năm 2004.
Cụ thể, 1,93 người dùng tính đến tháng 9/2021 đã giảm xuống còn 1,929 tính đến tháng 12/2021. Phần lớn số người từ bỏ Facebook đến từ Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, trong khi tăng trưởng người dùng tại Mỹ thì giảm tốc.
Những tài liệu được tiết lộ trong vụ bê bối Frances Haugen năm 2021 cho thấy Facebook đang mất đi những người dùng trẻ, vốn là đối tượng chiếm đến 97% doanh thu quảng cáo cho mạng xã hội này. Phân tích của hãng Forrester cho thấy Tiktok là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của Facebook cùng Instgram chững lại.
"Meta (Facebook) không còn được giới trẻ ưa thích như trước", Phó chủ tịch Mike Proulx của Forrester nhận định.
Để đáp trả, Facebook đã cho ra mắt tính năng Reel cho phép người dùng tạo, chia sẻ video ngắn khoảng 30 giây. Thế nhưng theo phó chủ tịch Proulx, con đường lợi nhuận của Reel còn rất dài khi Tiktok đã quá nổi tiếng.
"Việc bắt chiếc những tính năng của Tiktok sẽ chẳng đem lại hiệu quả nhiều đâu", ông Proulx nhận định.
Sáp nhập
Rõ ràng việc phải tìm hướng đi mới là điều bắt buộc cho Facebook trong bối cảnh dần hết thời với giới trẻ và mang quá nhiều tai tiếng. Thế nhưng xây thế nào để có thể thành công lại là một câu chuyện khác. Bỏ qua vấn đề liệu công nghệ vũ trụ ảo bao giờ hoàn thiện, câu hỏi đặt ra là liệu Facebook sẽ đi hướng mới như thế nào?
Thông thường các tập đoàn lớn sẽ mua lại một doanh nghiệp có tiếng khi muốn phát triển hướng mới, hoặc sáp nhập thâu tóm nhằm tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên với Facebook, con đường này đầy những khó khăn.
Mặc dù tương lai phải tách công ty như Microsoft có lẽ sẽ không xảy ra nhưng các cáo buộc độc quyền khiến Uỷ ban thương mại Liên bang (FTC) phải tranh luận về việc Facebook có từng bắt chẹt những đối thủ cũ như Instagram hay WhatsApp để rồi thu mua lại hay không.
Chính yếu tố này đã khiến các động thái thu mua, sáp nhập mảng vũ trụ ảo của Facebook nằm dưới tầm ngắm sát sao. Giáo sư luật Rebecca Allensworth của trường đại học Vanderbilt nhận định các nhà hoạch định chính sách đã thay đổi quan điểm về sự độc quyền của Facebook kể từ khi hãng mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD.
Tất nhiên với khoản tiền ít nhất 48 tỷ USD mà Mark Zuckerberg có, việc Facebook thu mua, sáp nhập những dự án vũ trụ ảo khác là điều tất yếu. Vậy nhưng với những gì đã diễn ra trong quá khứ, mạng xã hội này chắc chắn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thậm chí không chỉ với cáo buộc độc quyền, những tổn hại về hình ảnh trong bài năm trở lại đây cũng khiến từng bước đi của Mark bị đặt dưới tầm ngắm công chúng.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đầy tranh cãi đã khiến vô số người đặt câu hỏi cho Facebook cũng như làm hoen ố hình ảnh mạng xã hội này. Bởi vậy các quan chức sẽ luôn tự hỏi liệu Facebook có lặp lại sai lầm cũ với từng bước đi của họ hay không.
Thành công có lặp lại?
"Mark từng phát triển Facebook nhanh chóng nhờ nằm ngoài sự chú ý của công chúng thời gian đầu. Thế nhưng giờ đây từng bước đi của hãng lại nằm dưới sự theo dõi của đối thủ, những hãng dễ dàng sao chép và có đội ngũ truyền thông hùng mạnh chẳng kém", giám đốc Paul Barett của Trung tâm Stern Center-New York nhận định.
Vào giữa thập niên 2000, Facebook phát triển mà không có quá nhiều đối thủ và cũng chẳng thu hút sự theo dõi của cơ quan chức năng là mấy. Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Facebook đã đổ 10 tỷ USD cho vũ trụ số nhưng dấu hiệu thành công là vô cùng ít.
Một bài học tương tự là Apple từng đầu tư mạng xã hội Ping để rồi phải đóng cửa dự án chỉ 2 năm sau đó. Google cũng lặp lại tương tự với Google+ để rồi thất bại ê chề.
Với Facebook, sau thất bại của đồng tiền số Libra, nhiều người vẫn nghi ngờ về tính khả thi của vũ trụ số khi hãng hướng ra mảng kinh doanh mới.
"Họ cố đa dạng hóa nguồn thu nhưng chúng chẳng đi đến đâu cả. Thật không may là khi bạn đã quá thành công thì bạn sẽ bị đóng đinh ở một mảng nào đó, đồng thời khó mà di chuyển sang mảng mới được nếu không có chiến lược hiệu quả", giáo sư marketing và truyền thông số Ari Lightman của trường đại học Carnegie Mellon đánh giá.
Bất chấp điều đó, Facebook vẫn đổ hàng tỷ USD cho vũ trụ ảo. Công ty đăng tuyển hàng nghìn vị trí kỹ sư, chuyên gia cho cả phần cứng lẫn mềm của công nghệ mới này. Sự sụt giảm cổ phiếu khiến tổng giá trị vốn hóa thị trường Facebook bay hơn 230 tỷ USD nhưng Mark Zuckerberg có lẽ cũng chẳng thực sự quan tâm.
Có lẽ, nhà sáng lập này cũng hiểu để đi hướng mới thì phải chấp nhận thiệt hại.
"Tầm nhìn mới vẫn còn nhiều khó khăn. Hướng đi thì rõ ràng nhưng con đường phía trước vẫn chưa được xác định một cách hoàn hảo. Vậy nhưng tôi vẫn hài lòng về tiến độ mà chúng ta đã đạt được. Tôi tin rằng đây là hướng đầu tư đúng đắn mà chúng ta nên tập trung kể từ bây giờ", Mark Zuckerberg cho biết.
Băng Băng -Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Tin nổi bật Kinh doanh