Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Vượt qua mọi hãng dược đối thủ vốn gặp trở ngại về sản xuất, sản phẩm vaccine của Pfizer trở thành loại vaccine được đánh giá "tốt vượt bậc" mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn sở hữu.
Trong bối cảnh các quốc gia xoay sở tìm nguồn cung vaccine cho những chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có, sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn dược Pfizer, phát triển cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNtech, đã phá vỡ mọi kỷ lục về loại vaccine bán chạy nhất thế giới chỉ sau chưa đầy 1 năm.
Dựa trên những hợp đồng đã được ký kết, Pfizer mới đây nâng dự báo doanh thu vaccine lên 33,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với dự báo trước đó.
Theo một nghiên cứu mới đây, hiệu quả vaccine Pfizer có thể lên tới 96,2% trong khoảng 1 - 8 tuần sau mũi tiêm thứ hai. Điều này khiến Pfizer nghiễm nhiên trở thành đế chế mới trong mùa dịch, khi vaccine của hãng được săn lùng bởi nhiều quốc gia, nhất là sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định, tốc độ tiêm chủng tỷ lệ thuận với dự báo tăng trưởng kinh tế.
"Gần 40% dân số tại các quốc gia tiên tiến đều đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này với các nước có thu nhập thấp và mới nổi chỉ là 11%. Tỷ lệ chủng ngừa cao giúp các quốc gia phát triển nhanh chóng được phục hồi, trong khi lệnh phong tỏa ở một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, khiến tăng trưởng của những nước này sụt giảm mạnh", bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
Sản phẩm vaccine của Pfizer trở thành loại vaccine được đánh giá "tốt vượt bậc" mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn sở hữu. (Ảnh: AP)
Hãng Pfizer đã chi rất nhiều tiền để sản xuất và mác "sản phẩm an toàn chất lượng cao" cũng có cái "giá" riêng của nó.
Hiện 2 mũi tiêm Pfizer rơi vào khoảng 39 USD, cao hơn khá nhiều so với mức giá dao động của các loại vaccine trên thị trường. Tập đoàn này theo đó đã vấp phải khá nhiều chỉ trích do không chấp nhận giảm lợi nhuận để trợ giá vaccine cho những quốc gia nghèo hơn.
Bên cạnh đó, Pfizer cũng là một trong các hãng dược từ chối chia sẻ bản quyền vaccine, vì cho rằng việc bảo hộ bằng sáng chế sẽ cản trở hãng tiếp tục nghiên cứu khoa học. Lập luận này cũng nhận được nhiều sự đồng tình của giới chức các nước.
"Tôi không tin việc cho đi bằng sáng chế là giải pháp cung cấp vaccine cho nhiều người hơn. Chúng ta cần sự sáng tạo và đổi mới của các hãng dược. Đó là lý do vì sao tôi tin tưởng vào việc bảo hộ bằng sáng chế", Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.
Theo dự báo, vaccine COVID-19 sẽ chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Pfizer trong năm 2021. Với kế hoạch sản xuất tổng cộng 3 tỷ liều vào cuối năm, hãng dược Mỹ cho biết doanh thu hãng thậm chí có thể cao hơn nhiều so với dự báo vừa được đưa ra.
Huệ Anh - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh