Theo hãng tin CNBC, đồng Ruble của Nga đã giao dịch ở mức 52,3 Ruble đổi 1 USD trong phiên 22/6/2022, tương đương mức tăng giá 1,3% so với phiên trước đó và là mức đỉnh kể từ tháng 5/2015.
Con số này là cực kỳ ấn tượng so với tỷ giá 1 USD đổi 139 Ruble vào đầu tháng 3/2022 khi Phương Tây mới bắt đầu áp đặt cấm vận lên Nga.
Ngoài ra, lãi suất của Nga cũng được điều chỉnh. Sau khi xung đột Ukraine diễn ra, Nga đã phải nâng lãi suất từ 9,5% cuối tháng 2/2022 lên 20%. Tuy nhiên nhờ đồng Ruble lên giá mà lãi suất giảm xuống chỉ còn 11% vào cuối tháng 5/2022.
Thậm chí hãng tin CNBC còn cho biết đồng Ruble tăng giá quá mạnh đã khiến ngân hàng trung ương Nga phải xem xét đưa ra những biện pháp nhằm hạ giá đồng tiền do lo sợ mất lợi thế xuất khẩu.
Vậy điều gì đã làm nên điều thần kỳ của đồng Ruble?
Tất cả là nhờ giá dầu
Theo CNBC, đồng Ruble của Nga tăng giá là nhờ 2 yếu tố chính.
Đầu tiên, giá dầu tăng cao đã đem lại lợi nhuận cho Nga bất kể họ có bị suy giảm sản lượng xuất khẩu. Quốc gia này là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và xuất khẩu dầu mỏ thứ 2 toàn cầu. Khách hàng chủ yếu của Nga là Châu Âu, vốn đang là những nước chi hàng tỷ USD mua dầu khí của Nga mỗi tuần dù ban hành lệnh cấm vận.
Giá dầu Brent đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nên dù các nước Phương Tây hạn chế nhập khẩu dầu khí từ Nga thì Điện Kremlin vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ.
Số liệu của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch Phần Lan (CRECA) cho thấy trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra, Nga đã thu được 98 tỷ USD doanh thu nhờ xuất khẩu dầu khí. Hơn 50% trong số này đến từ các khách hàng ở Liên minh Châu Âu (EU).
Trong khi đó, báo cáo của Eurostat cho thấy lời tuyên bố giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga của EU sẽ cần rất nhiều năm để thực hiện, nhất là trong bối cảnh lạm phát như hiện nay. Tính đến năm 2020, nền kinh tế EU vẫn nhập khẩu đến 41% khí đốt và 36% dầu mỏ từ Nga.
"Đà tăng mạnh của đồng Ruble hiện nay là bởi Nga đang hưởng lợi lớn với nguồn thu dầu mỏ", chuyên gia Max Hess của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế (FPRI) nhận định.
Theo ông Hess, phần lớn lợi nhuận của Nga là bằng đồng USD hay Euro rồi đổi sang Ruble. Nhờ vẫn bán được dầu khí với mức giá cao kỷ lục mà Nga đang thặng dư tài khoản vãng lai, qua đó đẩy giá đồng Ruble đi lên.
Số liệu của ngân hàng trung ương Nga cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai trong khoảng tháng 1-5/2022 đã vượt 110 tỷ USD, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân thứ 2 khiến Ruble lên giá là do chính phủ kiểm soát chặt dòng vốn ngoại tệ chuyển ra nước ngoài. Thêm nữa, các lệnh cấm vận cũng khiến khả năng chi tiêu, mua sắm của người Nga ở nước ngoài giảm đi khiến ngoại tệ thu được không thể tiêu dùng nhiều.
Chuyên gia Nick Stadtmiller của Medley Global Advisors tại New York nhận định Nga thu được lượng lớn ngoại tệ nhờ bán dầu nhưng dòng vốn đi ra lại khá ít do các lệnh cấm vận cũng như kiểm soát của chính phủ, hệ quả là lượng ngoại tệ lớn trong nước đẩy giá đồng Ruble đi lên.
Bên cạnh đó, việc bị loại khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) khiến Nga bị chặn giao thương bằng đồng USD lẫn Euro với nước ngoài. Điều này càng khiến kho dự trữ ngoại tệ của Nga phình to bởi họ khó dùng chúng để nhập khẩu nhiều mặt hàng cần thiết do ảnh hưởng từ cấm vận.
Thậm chí Nga đã phải nới lỏng một số quy định kiểm soát dòng vốn ngoại tệ cũng như hạ lãi suất để giảm giá đồng Ruble nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Ngoài ra, đồng Ruble quá cao cũng khiến Nga chịu thiệt hại khi nhập khẩu từ các quốc gia đồng minh.
*Nguồn: CNBC
Băng Băng - Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Tin nổi bật Kinh doanh