Chiến lược tăng lương
Hai năm qua, người lao động tại Mỹ đã luôn phải chịu đựng những yêu cầu khác thường đến từ ông chủ và cả đại dịch. Các sản phẩm biến mất khỏi kệ hàng, lạm phát gia tăng và đồng tiền dần mất giá. Trong khi đó, tiền lương cũng có tăng, các ngân hàng lớn đã tăng lương cho những giám đốc điều hành lên tới hàng triệu USD. Nền kinh tế Mỹ phát triển hơn cả mong đợi, tăng thêm 467.000 việc làm trong tháng 1, cao hơn nhiều so với ước tính 125.000.
Giờ đây, người lao động Mỹ muốn nhiều hơn thế. Khoảng 55% người lao động cho biết họ có khả năng sẽ chấp nhận lời mời từ các công ty khác để được tăng lương tại các công ty hiện tại của họ, theo một cuộc khảo sát do The Harris Poll thực hiện.
Nếu tìm được nguồn thu nhập khác, gần 2/3 cho biết họ sẽ bỏ công việc hiện tại. Thế hệ Y có nhiều nhu cầu "nhảy việc" nhất, tiếp theo là Gen Z, Gen X và người lớn tuổi. Trong số những người lao động có khả năng sẽ sớm yêu cầu tăng lương, gần như tất cả đều nói rằng lạm phát và tình hình kinh tế hiện tại là yếu tố dẫn đến quyết định của họ.
Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index, một công ty dịch vụ tài chính cho biết: "Quyền lực chắc chắn đã chuyển sang phía nhân viên. Thị trường lao động quá khó khăn nên họ có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán".
Kenneth Fung, một nhân viên công nghệ, cũng đã chiếm được thế thượng phong đó. Người đàn ông 31 tuổi ở Virginia hy vọng sẽ được tăng lương sau 4 năm làm việc. Khi ông chủ chỉ đề nghị tăng 10% lương vào năm ngoái, anh đã rất thất vọng. Fung bắt đầu nộp đơn ở nơi khác và nhanh chóng nhận được lời đề nghị từ một công ty đối thủ với mức lương tới 70%.
Anh quyết định chấp nhận thư mời. Nhưng sau đó, một người đồng nghiệp đề nghị anh hỏi xem người sếp hiện tại có muốn thỏa thuận lại hay không. Fung tuy ngạc nhiên nhưng vẫn nghe theo và họ đã thành công. Giờ đây, anh kiếm được khoảng 200.000 USD mỗi năm, trong khi trước đó là 120.000 USD.
Theo cuộc thăm dò của Harris, chỉ hơn một nửa số người Mỹ đã từng yêu cầu tăng lương. Và kể cả họ có đưa ra yêu cầu, kết quả cũng không mấy khả quan. Gần 3/4 trong số họ nói rằng chỉ được tăng nhiều nhất là 50% lương của mình.
Khoảng 61% người lao động cho biết họ đã sử dụng lời mời làm việc từ một công ty khác với mục đích duy nhất là được tăng lương. Trevor Hay đã làm điều đó hai lần. Hiện tại, mức lương của anh đã tăng lên gần 100.000 USD so với ba tháng trước.
Khi đó, chàng trai 30 tuổi đến từ bang Washington cảm thấy bế tắc trong công việc của mình. Làm việc trong một bộ phận của ngành công nghiệp hạt nhân, nơi số năm kinh nghiệm tỷ lệ thuận với mức lương, việc vượt ra khỏi bảng đánh giá dường như là không thể cho đến khi anh nhận được lời đề nghị đầu tiên từ một công ty khác vào đầu tháng 11.
Lần thứ nhất, Hay đã thỏa thuận lại lương với sếp ở công ty anh đang làm việc. Được tăng 30.000 USD, anh đã từ chối công ty kia. Vài tuần sau đó, Hay lại bị thu hút bởi một công ty khác, không chỉ tăng lương 30% mà còn thăng chức. Anh lại bàn bạc với sếp của mình nhưng ông ấy đã nói thật không may, họ không thể chi trả được mức cao như vậy.
Vì vậy, anh đã rời đi vào tháng 1. Hay hài lòng với công việc mới và anh cho rằng may mắn của mình là sự kết hợp của thị trường việc làm đang khan hiếm lao động, đúng thời điểm và chiến lược ổn định. Nếu trong lần đầu tiên muốn được tăng lương, anh phải nỗ lực làm việc nhiều hơn, nếu không thì ông chủ đã không cố gắng giữ anh lại. Trong lần thứ hai, để được thăng chức, anh phải nâng cao trình độ cho một vai trò cao cấp hơn và sẵn sàng ngay từ ngày đầu tiên nhận việc.
Rủi ro bất ngờ
Nora Serino đã dành bốn năm làm việc tại Bed Bath & Beyond ở Seattle, cuối cùng leo lên vị trí quản lý. Nhưng ở tuổi 28, cô muốn mua một ngôi nhà và mức lương hàng năm của cô là 45.000 USD không đáp ứng nổi yêu cầu đó.
Vì vậy, vào tháng 10 năm ngoái, cô bắt đầu tìm kiếm công việc mới trên mạng và được XpresTest, một công ty chuyên xét nghiệm Covid-19 tại các sân bay, thuộc Tập đoàn XpresSpa, mời làm việc. Cô ứng tuyển vị trí quản lý với mức lương 75.000 USD một năm kèm theo các khoản phúc lợi. Cô đã nhận được thư mời làm việc, sổ tay nhân viên và có thể bắt đầu đi làm từ 10/1 năm nay.
Cô đã từ chức tại Bed Bath & Beyond vào tháng 12 và trải qua Giáng sinh với tâm trạng hồi hộp, mong chờ công việc mới của mình. Chồng cô cũng sắm sửa cho cô những bộ đồ mới để phù hợp với vai trò cao cấp hơn.
"Họ đã lừa tôi", cô nói. Nhà tuyển dụng nói với Serino rằng ngày nhận việc của cô đã bị lùi lại. Ngày 10/1 đến và đi, Serino nghe được thông tin rằng vị trí lẽ ra thuộc về cô đã ngừng tuyển dụng. Cô đã liên hệ với các nhân viên của XpresTest nhưng không thấy phản hồi gì.
Khi xem xét lại, hóa ra cô đã được nhận một "lời đề nghị việc làm theo ý muốn". Gần cuối bức thư, công ty nêu rõ: "XpresTest có thể chấm dứt việc làm theo ý muốn bất cứ lúc nào, có hoặc không có thông báo hay nguyên nhân". Serino chia sẻ: "Đó là quá trình thiếu chuyên nghiệp nhất mà tôi từng trải qua".
Theo Maggie Mistal, một nhà tư vấn nghề nghiệp, rủi ro có thể đến từ việc nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không phù hợp với họ. Bên cạnh đó, một lời đề nghị bên ngoài cũng có thể làm hỏng mối quan hệ của bạn với người quản lý hiện tại. Catherine Golladay, người đứng đầu Dịch vụ Tài chính Schwab Workplace cho biết, ngay cả khi công ty khác đưa ra những phúc lợi phù hợp với yêu cầu của bạn, điều này có thể trở thành con dao hai lưỡi.
"Điều này thật tuyệt, nhưng họ sẽ nghĩ bạn có nguy cơ rời đi trong tương lai gần, chẳng hạn như một hoặc hai năm tới", cô nói. "Lời mời đó có thể ảnh hưởng đến số tiền họ sẵn sàng đầu tư vào bạn so với những đồng nghiệp khác mà họ coi là trung thành hoặc có tiềm năng hơn".
Tham khảo Bloomberg
Theo Linh Chi - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật Kinh doanh