Sân chơi vắng lặng không một bóng học sinh, chỉ có một vài giáo viên trong trường, bởi không ai nghĩ doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc lại ghé thăm nơi vắng vẻ này. Nhưng đó là điều đội ngũ hỗ trợ của Ma mong muốn.
Jack Ma có mặt tại ngôi trường này chỉ để quay một clip ngắn, an toàn về mặt chính trị, nêu bật các hoạt động từ thiện ông tham gia và quan trọng hơn là để cho thế giới biết ông vẫn tự do. Nhưng sự xuất hiện của Jack Ma được lên kế hoạch sân khấu cẩn thận và giám sát chặt chẽ. Chỉ duy nhất nhân viên của ông được phép quay phim. Giáo viên muốn chụp ảnh selfie với Ma đều bị từ chối.
Hiệu trưởng Chen Jianqiang kể lại: "Ông ấy chủ yếu lắng nghe chúng tôi nói về giáo dục. Mọi việc gần đây không suôn sẻ lắm với Ma, nên ông không muốn xuất hiện trước công chúng". Ma hứa sẽ quay lại trường lần hai vào một ngày nào đó, khi các học sinh có mặt.
Jack Ma phát biểu trong một cuộc họp báo ở Chiba, Nhật Bản năm /2015. Ảnh: Reuters.
Sau chuyến đi kéo dài hàng giờ đồng hồ tới ngôi trường này, thứ Ma để lại chỉ là một chữ ký nguệch ngoạc trên tường ký túc xá. "Chúng tôi chỉ có thể nói rằng chữ viết tay của giáo viên Ma không đẹp cho lắm", hiệu phó Wu Bin nhận xét. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của Jack Ma lại cho biết ông là một thư pháp gia tài năng, vì vậy nét chữ nguệch ngoạc có thể là dấu hiệu cho thấy ông đang rất vội vàng.
Ngay sau khi đoạn clip của Ma được đăng tải, Alibaba - công ty thương mại điện tử khổng lồ được ông thành lập năm 1999 - đã lấy lại được 47 tỷ USD giá trị thị trường và tái khởi động kế hoạch bán trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài của tập đoàn.
Vài tháng trước đó, Jack Ma vẫn ở đỉnh cao trong công việc kinh doanh toàn cầu. Khi các chủ ngân hàng phương Tây nóng lòng trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu trị giá 37 tỷ USD của Ant Group. Trong một bức thư gửi khách hàng, Michael Grimes, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư công nghệ của Morgan Stanley, đã ca ngợi đợt IPO của Ant Group là "thương vụ mang tính bước ngoặt và lịch sử".
Sau đó, Ma bước lên sân khấu tại một hội nghị ở Thượng Hải cùng các quan chức cấp cao và các nhà quản lý trong lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc. Ông nói: "Giá trị của đợt IPO này là lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hơn nữa, lần đầu tiên nó diễn ra ở một thành phố không phải New York. Một điều kỳ diệu đang xảy ra".
Nhưng những lời Ma nói đã thay đổi đáng kể diễn biến của sự kiện. Những ngày sau đó, các nhà chức trách triệu tập ông đến Bắc Kinh để kiểm điểm và công bố các quy định nhắm thẳng tới trụ cột kinh doanh của Ant. Sau thông báo về việc hoãn IPO của Ant Group, tài sản cá nhân của Ma "bốc hơi" khoảng 10 tỷ USD, trong khi cổ phiếu Alibaba giảm 10% giá trị.
Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang sử dụng các sản phẩm Ma tạo ra mỗi ngày. Ứng dụng Alipay của Ant có thể được sử dụng để thanh toán cà phê, gọi một đĩa bánh bao hoặc trả tiền điện nước. Hàng triệu người khác đầu tư tiền tiết kiệm vào quỹ thị trường của Ant, tạo ra dịch vụ cho vay các khoản tín dụng nhỏ cho phép thanh toán các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Nhu cầu vay lớn đến nỗi Alipay hầu như đã thay thế thẻ tín dụng và biến Ant thành công ty cho vay tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc.
Thông thường những người đi vay tiêu dùng này sẽ tiêu tiền của họ trên chính các thị trường trực tuyến của Alibaba, điển hình là Taobao và Tmall. Hai nền tảng này cung cấp gần một tỷ sản phẩm, từ iPhone đến thú cưng, và nắm giữ các cửa hàng trực tuyến của các thương hiệu lớn nhất thế giới. Giá trị hàng hóa được bán qua Taobao và Tmall hàng năm đạt hơn 1 tỷ USD, gần gấp đôi số tiền người dùng chi cho Amazon.
Giống Jeff Bezos của Amazon, Jack Ma cũng có thời điểm đã định hướng Alibaba sang thị trường bán lẻ truyền thống với hàng loạt thương vụ mua lại các chuỗi siêu thị và cổ phần trong các nhà bán lẻ đồ nội thất gia đình hay các tập đoàn truyền thông hàng đầu của Trung Quốc.
Ma, 56 tuổi, từ chức chủ tịch điều hành của Alibaba vào năm 2019. Dù không giữ vai trò điều hành chính thức tại Ant, ông vẫn là cổ đông kiểm soát của công ty sau hơn 10 năm tách ra từ Alibaba. Tuy nhiên, theo những người thân cận với ông, ngay cả khi đã lui về hậu trường, Ma vẫn tiếp tục tham gia điều hành cả hai công ty. Ông vẫn là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới và nhiều lần trở thành đại sứ thiện chí không chính thức cho Trung Quốc.
Nhưng những hành động của Jack Ma cũng bắt đầu bị chính quyền Trung Quốc để ý. Những người hâm mộ Jack Ma xây dựng ông với hình ảnh một doanh nhân vô song, nhưng việc trở nên quá quyền lực trong ngành công nghiệp tài chính lại đang khiến ông bị đe dọa.
Các cuộc phỏng vấn với những người quen biết với Ma, một số quan chức ở Hàng Châu và các cơ quan quản lý ở Bắc Kinh, cho thấy ngay cả trước khi bài phát biểu của Ma ở Thượng Hải đi chệch hướng, xích mích giữa ông các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong một thời gian. Đặc biệt, giới chức quản lý được cho là đã quá mệt mỏi với sự ngông nghênh của ông.
"Jack Ma đã tích lũy quá nhiều quyền lực. Điều này mọi người ở Trung Quốc đều hiểu rõ", Song Qinghui, một nhà kinh tế độc lập làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc, nói. "Sức ảnh hưởng của Alibaba đã quá lớn. Nó đã đến mức phải bị kiểm soát".
Từ một cậu bé nghèo trở thành tỷ phú
Jack Ma sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo ở thành phố Hàng Châu. Cha mẹ ông là những người đam mê biểu diễn nghệ thuật bằng âm nhạc truyền thống, điều này giải thích nguồn gốc về sự hào hoa của Ma. Dù cao chỉ hơn 1m50, sức hút của ông cực kỳ nổi bật. Ma là một chuyên gia bán hàng bằng cách kể những câu chuyện cuốn hút.
Vào những năm 1990, ông đã bắt đầu nhìn thấy cơ hội của Internet, dù ở thời điểm này số người tiếp cận được nó còn khiêm tốn. Ma từng mượn câu nói nổi tiếng của Bill Gates về máy tính cá nhân để nhấn mạnh tầm quan trọng của Internet. Ông nói: "Internet sẽ thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống con người".
Ở Trung Quốc, cuộc đời Jack Ma đã trở thành câu chuyện cổ tích thời hiện đại về việc vượt qua nghịch cảnh để làm chủ số phận. Ma mất ba năm để vượt qua kỳ thi đại học, bị KFC từ chối đơn xin việc. Cuối cùng, ông trở thành giáo viên tiếng Anh, sau đó thành lập công ty khởi nghiệp Internet đầu tiên của mình - China Pages, chuyên tạo ra trang web cho các doanh nghiệp.
Vào giữa những năm 1990, đất nước Trung Quốc trải qua những thay đổi nhanh chóng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thực hiện những chính sách giải quyết xung động xã hội tồn tại gần suốt hai thập kỷ và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tư nhân với câu nói: "Mèo đen hay mèo trắng, nếu nó có thể bắt được chuột, thì đó là một con mèo tốt".
Nền kinh tế ngay lập tức mở ra cuộc đua phát triển, bắt đầu bằng đợt tăng trưởng kéo dài hàng thập kỷ, giúp đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một cường quốc toàn cầu. Trong khi khu vực tư nhân dẫn đầu nhiều ngành kinh tế trọng điểm, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ngày càng tụt hậu và tàn lụi. Chính quyền nhà nước ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực tư nhân để tăng trưởng, tạo việc làm và nguồn thuế. Để bù đắp phần nào cho khối doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc tiếp tục ưu đãi cho các công ty này tiếp cận các khoản vay và giấy phép đặc biệt. Ma đã tận mắt chứng kiến sức mạnh này này khi một công ty thuộc sở hữu nhà nước ở Hàng Châu sao chép mô hình kinh doanh của China Pages, khiến ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán công ty.
Kinh nghiệm đã định hình mối quan hệ giữa Ma với cơ quan quản lý nhà nước - tôn trọng, nhưng xa cách. Ma nói với các nhân viên rằng "phải yêu chính phủ, nhưng đừng kết hôn với họ", mặc dù ông cũng nói rằng ông sẽ giao toàn bộ công ty của mình cho "quốc gia" bất cứ lúc nào nếu được yêu cầu. Mặc dù là một đảng viên, ông chưa bao giờ tham gia Quốc hội hay Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, giống các đối thủ công nghệ như Pony Ma của Tencent hay Robin Li của Baidu. Một người từng làm việc với Ma ở Hàng Châu cho biết: "Đảng Cộng sản Trung Quốc không biết liệu họ có thể tin tưởng ông ấy hay không".
Năm 1997, Ma quyết định tìm hiểu về cách thức hoạt động chính phủ và gia nhập Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế - nay là Bộ Thương mại Trung Quốc. Kiến thức về Internet và tiếng Anh đã giúp ông đảm nhận vai trò hộ tống nhà đồng sáng lập Yahoo, Jerry Yang đến Vạn Lý Trường Thành trong chuyến thăm Trung Quốc năm đó. Sau đó, Yang cho biết: "Tôi ngay lập tức bị ấn tượng bởi sự tò mò và ham học hỏi của Ma về Internet. Ông ấy rõ ràng không phải là một nhân viên chính phủ bình thường".
Ma không làm việc ở cơ quan nhà nước lâu. Năm 1999, ông tập hợp một nhóm bạn trong căn hộ của mình ở Hàng Châu để thành lập Alibaba, nhằm kết nối các nhà máy Trung Quốc với người mua trên khắp thế giới qua Internet. Sau những khó khăn ban đầu, công việc kinh doanh đã thành công. Alibaba kết nối người tiêu dùng với các nhà cung cấp, thu hút càng nhiều các thương hiệu nước ngoài đổ xô sang Trung Quốc để bán hàng.
Quyết định thâu tóm nền tài chính Trung Quốc
Thập kỷ tiếp theo mang đến thảm họa tài chính cho châu Âu và Mỹ nhưng Trung Quốc vẫn tràn đầy niềm tin, đặc biệt là các công ty công nghệ hàng đầu của nước này đang đứng trước một cuộc cách mạng smartphone, giúp tăng lượng người dùng theo cấp số nhân. Mã QR trong Alipay đã bắt đầu thay đổi cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc thông qua hình thức thanh toán bằng điện thoại thông minh.
Alibaba đứng ở trung tâm của tất cả những điều này. Nhưng Ma có một vấn đề. Ông buộc phải giảm bớt lượng cổ phần mình nắm giữ tại Alibaba để giữ cho công ty tồn tại trong thập kỷ đầu tiên. Goldman Sachs và các nhà đầu tư mạo hiểm lần đầu mua 50% cổ phần của Alibaba, sau đó, tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank và cuối cùng là Yahoo dần dần thâu tóm 30% cổ phần.
Đến năm 2011, các cổ đông nước ngoài sở hữu phần lớn Alibaba. Ma bắt đầu thuyết phục SoftBank và Yahoo giao thêm cổ phần cho ban quản lý. "Những năm qua chúng tôi luôn cãi nhau", Ma nói vào mùa hè năm 2011 về mối quan hệ của ông với Masayoshi Son, Giám đốc SoftBank. Mối quan hệ của Ma với Yahoo cũng căng thẳng. Công ty tiên phong về Internet của Mỹ đã bắt đầu trì trệ trong một thời gian dài, nhưng các nhà đầu tư cho rằng phần lớn giá trị còn lại của Yahoo nằm ở cổ phần của tập đoàn Alibaba, bao gồm ba doanh nghiệp lớn: Alibaba.com, Taobao và Alipay.
Sau đó, Ma quyết định đơn phương tiếp quản Alipay, được đổi tên thành Ant Group vào năm 2014. Một cựu giám đốc điều hành cho biết: "Cả Yahoo và SoftBank đều rất ngạc nhiên. Jack đã đề cập đến việc này trong vài tháng, nhưng không ai nghĩ nó lại liên quan đến Alipay. Rõ ràng là ông đã có những kế hoạch lớn cho Alipay".
Hồ sơ kinh doanh và tài liệu pháp lý của Trung Quốc cho thấy, vào tháng 5/2009, Alibaba bắt đầu tái cấu trúc cách thức tổ chức Alipay, với "cánh tay phải" của Ma - Joe Tsai - giúp chuyển nó từ một công ty con trực tiếp của Alibaba thành công ty nội địa Trung Quốc do chính Ma sở hữu phần lớn. Vì Ma đồng thời ký một loạt hợp đồng với Alibaba, nên công ty này tiếp tục coi Alipay như một công ty con. Cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity – VIE) này cho phép nhà đầu tư Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoặc đa phần tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị hạn chế sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài.
Hành động của Ma đã chứng minh rằng sự tin tưởng không thể ràng buộc hệ thống. Không cần sự chấp thuận của hội đồng quản trị Alibaba, Ma hủy bỏ tất cả các hợp đồng pháp lý liên quan tới Alipay trở thành công ty con của Alibaba và đặt nó dưới sự kiểm soát của cá nhân ông.
Vào ngày 10/5/2011, ngay sau khi báo cáo doanh thu Yahoo tiết lộ rằng công ty đã mất Alipay vào tay Ma, giá cổ phiếu của nó lao dốc. Ma tuyên bố động thái này là cần thiết để Alipay có được giấy phép thanh toán quan trọng từ ngân hàng trung ương Trung Quốc, điều này có thể bị từ chối nếu nó thuộc sở hữu nước ngoài.
Tại Ngân hàng trung ương Trung Quốc, một số quan chức cảm thấy Ma đã chứng minh được lòng trung thành của mình đối với Trung Quốc. Nhưng điều mà Ma không ngờ tới là phản ứng dữ dội của dư luận nước này. Nhiều doanh nhân lo ngại rằng ông đã phá hoại hệ thống tài chính để huy động tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài và cuối cùng sẽ rút tiền ra thị trường nước ngoài. Biên tập viên Hu Shuli của tạp chí Caixin đã viết một bài xã luận tố cáo hành động của Ma.
"Ban đầu nó không phải là một vấn đề lớn", Ma nói với một phóng viên Trung Quốc. "Áp lực đối với tôi đến từ truyền thông ở đây." Sau đó, ông đã dẫn dắt Alibaba và Ant mua cổ phần trong các doanh nghiệp truyền thông Trung Quốc, giành quyền kiểm soát những gì họ nói về ông.
Cuối cùng, Ma, Yahoo và SoftBank đạt được một thỏa thuận, củng cố quyền kiểm soát cá nhân của Ma đối với Ant trong khi đồng ý chia sẻ lợi nhuận cho Alibaba, với 33% cổ phần của Ant.
Quyền lực của Ma ngày càng tăng
Nếu Ma đang chơi cờ, ông ấy đang làm điều đó với sự tự tin ngày càng tăng. Đến năm 2015, Ma đứng đầu thế giới trong danh sách tỷ phú của Hurun. Việc ông phá hoại cấu trúc VIE không hề làm giảm sự thèm muốn của các nhà đầu tư đối với đợt IPO 25 tỷ USD của Alibaba tại New York vào năm 2014. Các công ty công nghệ như Ant đã bắt đầu cho thế giới thấy rằng Trung Quốc cũng có thể đổi mới, và Ma đã trở thành biểu tượng cho những gì có thể xảy ra khi chính phủ thúc đẩy tinh thần kinh doanh để giảm bớt áp lực tìm việc cho hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
Ma bắt đầu đặt ra một tầm nhìn toàn cầu và lớn hơn cho Alibaba. Trong một thời gian, tham vọng của ông đi liền với việc Bắc Kinh thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài và thậm chí ông đã tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm Mỹ vào năm 2015.
"Điều tôi đang nghĩ đến là làm thế nào chúng ta có thể biến Alibaba trở thành nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ toàn cầu", Ma nói với nhà báo Mỹ Charlie Rose tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm đó. "Tổ chức Thương mại Thế giới đã đóng vai trò tuyệt vời trong thế kỷ trước khi giúp các công ty lớn bán mọi thứ trên khắp các quốc gia. Ngày nay Internet có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ bán mọi thứ trên khắp các châu lục". Ma nói thêm rằng ông hy vọng sẽ thu hút được hai tỷ người tiêu dùng và 10 triệu doanh nghiệp nhỏ bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào cùng ngày, một báo cáo của cơ quan quản lý Trung Quốc cho thấy khoảng 2/3 hàng hóa được bán trên nền tảng Taobao của Alibaba là hàng giả. Sau đó, Ma bay đến Bắc Kinh và gặp Zhang Mao, người đứng đầu cơ quan trên. Hai người đồng ý rằng Alibaba sẽ làm việc để loại bỏ hàng giả và Zhang sẽ khen ngợi nỗ lực của công ty trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Báo cáo được rút lại và vấn đề tan biến. Mặc dù dư luận chủ yếu ủng hộ "ông trùm" công nghệ, việc Ma dám thách thức các cơ quan quản lý nhà nước không phải là sở thích của tất cả mọi người. Nhà kinh tế học Song cho biết: "Thách thức công khai này không phải là một bước tiến dành cho hệ thống luật pháp. Thực ra, đó là minh chứng cho thấy thói kiêu ngạo được bảo đảm bởi có sự hậu thuẫn đằng sau".
Bức ảnh gây sốt trên mạng Internet Trung Quốc chụp 16 người đàn ông ngồi xung quanh một chiếc bàn. Tất cả đều là những nhà lãnh đạo công nghệ như Pony Ma của Tencent, ngồi bên cạnh Richard Liu của JD.com. Gần đó là Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, công ty đứng sau ứng dụng TikTok.
Bữa tối trên bên lề Hội nghị Internet Thế giới 2017 ở Wuzhen. Ảnh: VCG.
Sự kiện bên lề Hội nghị Internet Thế giới 2017 tại Wuzhen, do chính phủ Trung Quốc tổ chức, được gọi với cái tên hài hước là "bữa tối trên Internet". Một người làm việc gần gũi với Jack Ma cho biết ông không được mời và tỏ rõ sự tức giận về hành động này. "Ông ấy đã nổi cơn thịnh nộ," người này nói. "Ma có một cái tôi lớn hơn cả bản thân mình".
Khi được các phóng viên hỏi về điều này, Ma nói: "Tôi không nghĩ đến việc tham dự. Dù sao thì cũng không có ai mời tôi cả. Ngay cả khi họ có, tôi cũng không có thời gian. Bạn có tin không, nếu tôi thực sự muốn tổ chức một bữa tối, tôi có thể mời cả thế giới, những người giàu nhất, tầng lớp thượng lưu, không nhiều người sẽ nhận được lời mời. Một bữa tối như thế kia có ý nghĩa gì đâu chứ".
Vài tháng sau, tháng 1/2018, tại Davos, Ma đã tổ chức một bữa tối đẳng cấp thế giới. Ông ngồi cạnh Bill Gates và thủ tướng Na Uy Erna Solberg. Bộ phận quan hệ công chúng của Alibaba ngay lập tức đưa các bức ảnh và thông báo lên phương tiện truyền thông Trung Quốc. Internet tràn ngập dòng trạng thái về bữa tiệc của Ma và những người tham dự.
Bữa tối ở Davos của Ma trở nên phổ biến khi ông chứng tỏ mình là người lãnh đạo quá trình mở rộng toàn cầu của cả Alibaba và các doanh nghiệp Trung Quốc. Đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, điều này không hề thoải mái khi một doanh nhân đang nói chuyện với thế giới thay mặt họ và bằng tiếng Anh. Một nhân viên trong dự án quốc tế của Ma cho biết: "Họ không thích ông ấy đại diện cho Trung Quốc trên sân khấu thế giới".
Sau bữa tối ở Davos, Ma tiếp tục gặp thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vào tháng 4 và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vua Abdullah II của Jordan vào tháng 5. Sau đó là các chuyến thăm đến một loạt thủ đô thế giới vào mùa hè năm 2018. Hồ sơ chuyến bay từ Radarbox và Flightradar24 cho thấy ông đã dành hơn nửa năm bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, tại quê nhà, Liu, người thân tín của ông Tập đã đẩy mạnh quy định tài chính. Từ năm 2017, các nhà chức trách đã để mắt kỹ lưỡng tới các "tê giác xám" - các tập đoàn tư nhân lớn như Wanda, HNA, Fosun và Anbang, đang nợ nần chồng chất vì đầu từ vào thị trường toàn cầu. Ant cũng gặp phải trở ngại khi các nhà quản lý vào cuộc nhằm hạn chế các bộ phận kinh doanh của công ty, nhưng nó đủ nhanh nhẹn để xoay sở và tiếp tục tăng trưởng.
Ma vẫn tiếp tục lên tiếng. "Một trong những lý do khiến Alibaba tăng trưởng nhanh như vậy là do chính phủ không nhận ra điều đó. Khi họ bắt đầu nhận ra điều đó, chúng tôi đã trở nên rất chậm chạp", ông viết trên một diễn đàn bằng tiếng Anh.
Sự lo lắng của Chính phủ trở nên rõ ràng hơn. Một người thân cận với chính quyền Hàng Châu cho biết: "Những gì ông ấy nói cả công khai lẫn riêng tư đều có thể khiến Trung Quốc xấu hổ".
Quy mô và tầm vóc của Ant nhảy vọt kể từ khi Ma tiếp quản lại Alibaba và các nhà quản lý chỉ mới bắt đầu hiểu được phạm vi rộng lớn của nó khi công ty công khai chi tiết tài chính lần đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái. Chính những chi tiết này khiến các nhà đầu tư phấn khích, như việc phát hành khoản vay tiêu dùng nhanh, khối lượng thanh toán hàng năm dự kiến vượt qua GDP Trung Quốc.
Các nhà quản lý ở Bắc Kinh lại cảnh giác. Một nhân viên của Ant cho biết: "Công việc kinh doanh của Ant vốn dĩ rất rủi ro, tới hôm nay, chúng tôi không thể đếm được đã trải qua bao nhiêu cuộc họp với các quan chức nhà nước. Ngoài ra, nó còn quá mạo hiểm ngay cả với Jack Ma".
Khi Ma bước lên sân khấu tại hội nghị kinh doanh cấp cao ở Thượng Hải tháng 10 năm ngoái, ông biết các nhà quản lý đang đưa ra các quy tắc để kiềm chế Ant và các công ty fintech khác. Ma dự định sẽ tận dụng cơ hội này để vận động hành lang những người có mặt, lặp lại kỳ tích năm 2015.
Nhưng thay vì vận động sự ủng hộ, Ma tuyên bố thách thức các tiêu chuẩn tài chính của thế giới cũ, thúc đẩy Trung Quốc đi theo con đường riêng của mình. "Hệ thống tài chính ngày nay phải được cải cách", ông phát biểu. "Hiện tại, năng lực kiểm soát của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong khi năng lực giám sát rõ ràng là thiếu. Đổi mới không sợ quy định, nhưng nó sợ quy định của ngày hôm qua". Không giống hầu hết các bài phát biểu của mình, Ma liên tục nhìn xuống ghi chú, cho thấy lời nói của ông đã được tính toán kỹ lưỡng. Văn phòng hỗ trợ của Ma có rất nhiều cựu nhà báo từ hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc.
Theo những người thạo tình hình, một số quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh đã coi bài phát biểu này đang cố gắng thu phục công chúng và gây ảnh hưởng đến chính sách của nước này. Vài tuần sau, phó chủ nhiệm ban tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã có bài phát biểu kêu gọi truyền thông Trung Quốc kiên quyết "đề phòng nguy cơ bị thao túng dư luận". Huxiu, tờ báo thuộc sở hữu của Alibaba, được lệnh ngừng hoạt động trong một tháng.
Tháng 11/2020, Ma bỏ làm giám khảo cho một chương trình tài năng châu Phi do ông tự tạo ra. Sau đó, Tổng Hiệp hội Doanh nhân Chiết Giang mà Ma làm chủ tịch cũng đình chỉ hội nghị thường niên, và một số thành viên nói rằng ông đã từ chức. Tin đồn ở Trung Quốc lan rộng, rằng cho Ma bị quản thúc tại gia hoặc đã trốn sang Singapore. Sự biến mất của Jack Ma đè nặng lên giá cổ phiếu của Alibaba và kế hoạch bán trái phiếu.
Trong khi trước đây, ông được trìu mến ca ngợi là Daddy Ma hoặc Teacher Ma, giờ đây phần lớn công chúng Trung Quốc đã quay lưng với Ma và mong muốn chứng kiến sự sụp đổ của nhà tư bản nổi tiếng vĩ đại nhất của đất nước. Alibaba và Tencent trong hai thập kỷ qua đã mở rộng hầu như không giới hạn, ngày càng phát triển để kiểm soát những mảng rộng lớn của nền kinh tế kỹ thuật số. Cuối tuần trước, các nhà chức trách đã phạt Alibaba mức kỷ lục 2,8 tỷ USD vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và ra lệnh cho công ty "chấn chỉnh" hành vi của mình và thông báo kế hoạch thu nhỏ hoạt động kinh doanh của Ant.
Các đối thủ của Ma nhanh chóng hiểu được gió đang thổi theo hướng nào. Tại phiên họp lập pháp thường niên của Trung Quốc vào tháng trước, Pony Ma của Tencent đã đề xuất quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp Internet và đã có một cuộc họp "tự nguyện" với các cơ quan chống độc quyền. JD.com cũng ngừng đợt IPO công ty tài chính mới của mình, trong khi đó, Colin Huang của Pinduoduo đã cho đi một lượng lớn cổ phiếu nhằm né đứng đầu trong danh sách tỷ phú.
Vẫn chưa rõ liệu Ma có được phép tiếp tục quản lý các công ty hay không. "Là một doanh nhân, điều quan trọng là phải biết mức độ công khai phù hợp và Ma vẫn chưa thành thạo điều này. Điều này không quan trọng trước kia, nhưng bây giờ cần phải bắt đầu học hỏi", một cựu quan chức ở Hàng Châu, người từng làm việc cho Alibaba, nói. Một quan chức địa phương khác cho biết thêm: "Jack Ma bây giờ phải giữ thái độ khiêm tốn".
Đăng Thiên (theo Financial Times)
Tin nổi bật Kinh doanh