Thêm góc nhìn về tác động của căng thẳng Ukraine - Nga lên ngành ngân hàng toàn cầu và Việt Nam

Một số hệ quả của các lệnh trừng phạt đối với hệ thống tài chính Nga đã được nhìn thấy. Vậy liệu hệ thống tài chính thế giới, đặc biệt là các ngân hàng sẽ chịu tác động thế nào, liệu các ngân hàng Việt có bị ảnh hưởng?

Xung đột Nga và Ukraine chính thức bắt đầu từ ngày 24/02, khi tổng thống Nga Vladimr Putin tuyên bố tiến hành các "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Ngay sau đó, phương Tây đã có động thái đáp trả bằng các lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính của Nga.

Trong môi trường kinh tế hiện đại, hệ thống tài chính được liên kết sâu rộng, một cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt không chỉ ảnh hưởng đến các chủ thể tham gia trực tiếp vào các tranh chấp mà còn đến cả các nước khác trên thế giới. Hệ thống ngân hàng cũng không ngoại lệ.

Tác động đến ngành ngân hàng Nga và châu Âu

Nhiều báo cáo cho thấy, các ngân hàng Nga hiện gắn bó rất mật thiết với châu Âu. Ước tính, tổng tài sản và dư nợ của các ngân hàng Nga hoạt động tại châu Âu và các ngân hàng châu Âu ở Nga có thể lên đến hàng trăm tỷ USD.

Theo công bố mới nhất của Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga, tài sản của Sberbank châu Âu được ước tính có giá trị hơn 15,2 tỷ USD. Đồng thời, ngân hàng này có giao dịch với hầu hết tất cả các quốc gia châu Âu, chủ yếu tập trung tại Áo, Crotia, Đức và Hungary. Riêng ở Áo, ngân hàng này nắm giữ khoảng 1,1 tỷ Euro tiền gửi.

Với ngân hàng lớn thứ 2 nước Nga - VTB, chỉ riêng mảng ngân hàng đầu tư ở 2 thị trường Đức và Anh, ngân hàng này đang có khoảng 160.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Theo Bloomberg, ngân hàng này còn có quan hệ đối tác với gần 600 công ty, hơn 150 định chế cùng hàng loạt các chính quyền địa phương tại Đức. Một số thống kê cũng chỉ ra, ngân hàng này nắm giữ hơn 4 tỷ Euro tiền gửi của các khách hàng châu Âu (chủ yếu là các khách hàng Đức).

Ở phía châu Âu, 3 ngân hàng lớn là UniCredit, Raiffeisen và SocGen cũng đang nắm giữ hơn 36,21 tỷ Euro dư nợ của các khách hàng Nga, hơn 1 nửa số nợ này được xác định là có khả năng gây rủi ro tín dụng.

(Dư nợ các khách hàng Nga tại 3 ngân hàng lớn của châu Âu, nguồn: Bloomberg)

Các chuyên gia cho rằng, việc đóng cửa các ngân hàng Nga tại châu Âu sẽ hạn chế sự hiện diện của các ngân hàng này trên toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến các hoạt động và giao dịch của các quốc gia thành viên EU. Đồng thời, việc đóng cửa cũng được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến vấn đề việc làm tại châu lục này.

Các lo ngại về vấn đề việc làm không phải là vô căn cứ. Trường hợp VTB là một ví dụ điển hình. Trong xung đột Crimea (2014) và việc Anh rời khỏi EU (2018), ngân hàng này đã cắt giảm và tái bố trí hàng trăm nhân sự của mình. Tại khu vực London, VTB đã từng có hơn 500 nhân sự nhưng giờ đây chỉ còn khoảng 120. Ngoài ra hiện ngân hàng này còn đang có khoảng 230 nhân viên ở Đức, hơn 30 nhân viên ở Áo, cùng 60 nhân sự ở Thụy Sĩ,…

Ở phía Nga, bên cạnh lo ngại về các tài sản của các nhà băng nước này tại châu Âu, vấn đề việc làm khi các ngân hàng châu Âu rời đi cũng là một thách thức lớn. Như chỉ riêng UniCredit đã có khoảng 4.000 Nhân sự tại Nga.

Về thị trường chứng khoán châu Âu, kể từ khi xung đột nổ ra, chỉ số chứng khoán đại diện cho ngành ngân hàng của châu Âu (SX7E) đã lao dốc gần 16% chỉ trong 1 tuần. Giới phân tích đánh giá, đợt sụt giảm này chỉ tệ thứ hai sau đợt sụt giảm vào tháng 3/2020, khi mà chỉ số này giảm gần 20% do dịch bệnh. 2 ngân hàng lớn của EU là Raiffeisen ở Áo (RBIV.VI) và SocGen ở Pháp (SOGN.PA) cũng đã chứng kiến đà giảm mạnh, mất gần 1/3 vốn hóa của mình trong tuần đầu xung đột xảy ra

Biến động giảm gần 16% của các ngân hàng châu Âu trong tuần đầu xung đột, nguồn: Reuters

Các ngân hàng Nga niêm yết tại châu Âu thì có phần tệ hơn. Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga, niêm yết tại London đã bị thổi bay gần 99% vốn hóa chỉ trong tuần đầu xung đột. VTB, ngân hàng lớn thứ 2 nước Nga cũng đã bị hủy niêm yết trên sở giao dịch London và đang đóng dần các hoạt động của mình tại EU.

Tác động ngành ngân hàng tại Mỹ

Mỹ hiện nắm 25,3 tỷ USD nợ tại Nga. Hiện mới có ngân hàng Citigroup công bố có ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột. Ngân hàng này ước tính hiện các khoản cho vay và đầu tư tại Nga của mình vào khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên Citigroup đánh giá rủi ro này không quá cao vì các khoản trên chỉ chiếm chưa đến 1% tổng tài sản hợp nhất toàn cầu của mình. Các chuyên gia Mỹ đánh giá, nước này sẽ không chịu quá nhiều tổn thất từ các lệnh trừng phạt áp lên Nga.

Đối với Việt Nam

Ngân hàng nhà nước mới đây đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tra soát và báo cáo tình hình thực hiện giao dịch tại thị trường Nga.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng có động thái liên quan tới các ngân hàng, trong đó rút lại xếp hạng tín dụng đối với Ngân hàng Liên doanh Việt Nga.

Ở góc nhìn của giới phân tích, Ông Võ Thành Nam, bộ phận quản trị rủi ro công ty chứng khoán TPS cho biết, cuộc xung đột đã tác động làm tăng giá các hàng hóa cơ bản, kéo theo lạm phát tăng cao. Nếu lạm phát vẫn tiếp tục leo thang, NHNN có thể áp dụng công cụ điều hành tăng lãi suất. Từ đó gián tiếp khiến các doanh nghiệp phải đi vay với chi phí cao hơn, khiến cho "rủi ro tín dụng và tình hình nợ xấu ngân hàng có thể tăng mạnh thời gian tới".

Theo ông Nam, căng thẳng địa chính trị cũng khiến nhu cầu tìm đến kênh trú ẩn an toàn tăng lên. Theo đó, giá các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, bạc và các kim loại quý cũng bị đẩy lên cao. Điều này có thể dẫn đến 1 hệ quả khác, mà ông này cho là không có lợi cho ngành ngân hàng. "Khi giá các tài sản an toàn tăng cao sẽ khiến kênh tiền gửi ngân hàng kém hấp dẫn hơn. Từ đó, các ngân hàng có thể phải huy động với lãi suất cao hơn, buộc các ngân hàng phải thu hẹp biên lãi thuần (NIM) của mình"

(Tham khảo Reuters và Bloomberg)

Theo Kim Thành - Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Các bài viết liên qua đến Thêm góc nhìn về tác động của căng thẳng Ukraine - Nga lên ngành ngân hàng toàn cầu và Việt Nam