Từ phụ kiện trở thành một loại tài sản: Với tiềm năng sinh lời tới 17%, làm thế nào để đầu tư vào túi hàng hiệu?

Năm 2020, những chiếc túi xách được săn đón nhiều như Hermès Himalaya Kelly đứng đầu trong danh sách 10 khoản đầu tư xa xỉ phổ biến nhất, với mức lãi 17% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng chung trong giai đoạn 10 vẫn là tăng mạnh.

Khi đại dịch Covid-19 đóng băng hoạt động kinh tế trên toàn thế giới vào năm 2020, thì một chiếc Hermès Himalaya Kelly đã trở thành túi xách đắt nhất thế giới được bán đấu giá, với 437.330 USD ở Hồng Kông.

Trong 10 năm qua, các loại túi xách thường xuyên lọt vào top 5 các khoản đầu tư xa xỉ hàng năm do Knight Frank tổng hợp. Nhưng vào năm 2020, những chiếc túi xách được săn đón nhiều như vậy lại đứng đầu trong danh sách 10 khoản đầu tư xa xỉ phổ biến nhất, với mức lãi 17% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trung bình của chiếc túi này đã có sự thay đổi trong năm ngoái, tiếp tục tăng 4% so với năm 2020 ở quý II. Song, xu hướng chung trong giai đoạn 10 vẫn là tăng mạnh. Các chuyên gia thị trường nhận định đà tăng này đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Tresor Anne Tan – COO của HuntStreet – trang giao dịch các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng, cho biết: "Tâm lý ngại mua và bán các sản phẩm xa xỉ second hand đã dần mờ nhạt, đặc biệt là ở châu Á."

Bà cho biết thêm: "Người tiêu dùng ngày nay nhìn chung theo dõi mức giá sát sao hơn và cũng có ý thức về thời trang hơn, về những thứ mà họ sẽ mua và sử dụng. Người dân châu Á ngày càng giàu có hơn trong 10 năm qua cũng góp phần vào sự thay đổi đó."

Các chuyên gia về hàng xa xỉ chỉ ra một số yếu tố thúc đẩy giá của những món đồ hàng hiệu, sưu tầm, dù đó là xe cổ, đồng hồ hay túi xách. Đầu tiên đó là sự "độc nhất vô nhị" và chất lượng của loại sản phẩm đó. Tuy nhiên, yếu tố "vốn văn hóa" cũng đóng vai trò quan trọng.

Tan cho hay: "Kể từ khi đại dịch lây lan, chúng tôi đã chứng kiến một làn sóng mới kéo theo những yếu tố ảnh hưởng như văn hóa đại chúng và Kpop nói riêng cũng đóng một phần quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu. Cũng do đó, giá của một số sản phẩm xa xỉ nhất định mà các ngôi sao Kpop sử dụng cũng tăng cao."

Bà nói thêm: "Yếu tố còn lại là các nền tảng mạng xã hội. TikTok được sử dụng rất nhiều trong thời kỳ dịch Covid-19 căng thẳng, chắc chắn đây cũng là điều thúc đẩy nhu cầu đối với một số mẫu nhất định."

Túi xách hạng sang có thể có giá khởi điểm ở mức phải chăng. Nhưng ở thị trường cao cấp, việc tìm mua cũng chiếc túi này cũng gặp nhiều rào cản khác ngoài giá cả. Ví dụ, bạn không thể chỉ đơn giản bước chân vào cửa hàng Hermès và mua một trong những chiếc túi đang được săn lùng nhiều nhất. Chỉ những khách hàng thường xuyên và lâu năm mới có thể sở hữu chúng.

Nhà sưu tập Jasmine Chong đã học được bài học này lần đầu tiên khi cô cố gắng mua một chiếc túi xa xỉ trong chuyến đi đến Paris. Chong chia sẻ: "Tôi không hề biết cách mua những chiếc túi này, tôi chỉ bước vào cửa hàng và hỏi mua."

Sau đó, Chong được yêu cầu xếp hàng để đợi mua. Cô nhớ lại: "4 giờ sau, tôi bước ra khỏi cửa hàng với một chiếc túi, nhưng không phải là chiếc mà mình tìm kiếm. Nhưng nó đã đi cùng tôi suốt 12 năm qua."

Một lựa chọn cho những người không thể mua trực tiếp là tìm đến những nơi "bán lại". Dù mức giá được niêm yết công khai, nhưng những reseller vẫn có thể kiếm được lợi nhuận. Những người sưu tầm túi cho biết điều quan trọng để "nâng giá" là lựa chọn những kiểu dáng cổ điển.

Chong nói: "Những chiếc túi mà tôi mua ở thị trường second hand đều là những phong cách cổ điển mà không bao giờ lỗi mốt. Nếu quyết định bán lại trong tương lai, tôi có thể đưa ra mức giá tương đương hay thậm chí là cao hơn."

Ngoài ra, giá bán lại cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng của túi. Việc này phụ thuộc vào các tiêu chí: túi còn nguyên vẹn hay không, hộp và túi bọc bên ngoài, thậm chí nhiều người muốn nhận hóa đơn từ cửa hàng của hãng.

Yếu tố cuối cùng khi xem xét việc đầu tư vào túi hàng hiệu là không phải mọi loại túi đều tăng giá. Chỉ một số túi xách nhất định mới có tiềm năng tăng giá và không phải lúc nào cũng dễ dàng mua được chúng.

Sebastian Duthy – CEO của Art Market Research – theo dõi giá của các loại hàng xa xỉ bao gồm túi xách cao cấp, cho biết: "Những gì tôi chứng kiến ở thị trường thứ cấp hàng xa xỉ đó là đây không phải nơi có thể kiếm tiền nhanh chóng."

Ông nói: "Bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu không biết mình đang làm gì, bạn có thể sẽ mất tiền. Ngoài ra, bạn phải có nhiều tiền và kinh qua mọi biến động giá của thị trường để kiếm tiền."

Tan của HuntStreet nói thêm: "Không phải mọi thương vụ mua hàng xa xỉ nào cũng mang lại lợi nhuận dương khi chúng tôi bán lại. Khi mua những món đồ thời trang cao cấp, bạn đừng mua vì lý do đầu cơ."

Theo Chi Lan - Kinh Doanh & Tiếp Thị

Các bài viết liên qua đến Từ phụ kiện trở thành một loại tài sản: Với tiềm năng sinh lời tới 17%, làm thế nào để đầu tư vào túi hàng hiệu?