Đăng quảng cáo miễn phí: MuaBanNhanh, Nhà Đất, Xe
Tìm việc và tuyển dụng: Việc Làm Vui
Trong ngành hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV) được xem là "đại gia" sân bay, khi cơ cấu doanh nghiệp gồm 22 chi nhánh nằm ở các cảng hàng không khắp cả nước, đồng thời có 1 công ty con và 6 công ty liên doanh liên kết cùng ngành.
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, chỉ trong quý 2-2022, ACV mang về doanh thu thuần lên hơn 3.400 tỉ đồng, tăng hơn 125% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp đôi lên tới 1.900 tỉ đồng, nhờ chênh lệch tỉ giá (đồng yen Nhật bị mất giá). Ngoài ra, doanh nghiệp còn lãi 76 tỉ đồng từ các công ty liên doanh liên kết, tăng 445% so với cùng kỳ năm trước.
Trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp này chốt quý 2 với mức lãi ròng sau thuế xấp xỉ 2.600 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với quý cùng kỳ năm trước, trở thành quý lãi kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán (2016), đồng thời cao hơn cả hai năm dịch COVID-19 (2020 và 2021) cộng lại.
Tính chung nửa đầu năm nay, ACV gặt hái được 5.500 tỉ đồng doanh thu và 3.500 tỉ đồng lãi ròng sau thuế, tương đương mức tăng lần lượt 62% và 190% so với bán niên trước, vượt xa kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Ông Vũ Thế Phiệt - tổng giám đốc ACV - giải trình với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán rằng kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội do: "Thị trường hàng không, đặc biệt trong nước, được hồi phục. Dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát và người dân không còn thực hiện hạn chế đi lại giãn cách xã hội như trước. Các chuyến bay quốc tế cũng dần được kết nối trở lại".
Tại thời điểm cuối quý 2, khối tài sản của công ty xấp xỉ 55.900 tỉ đồng, tăng gần 2% so với hồi đầu năm. Vốn chủ yếu sở hữu cũng tăng 8% so với hồi đầu năm lên mốc 40.600 tỉ đồng. Trong vòng nửa năm nay, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp này đã được giảm hơn 12% xuống còn khoảng 15.200 tỉ đồng.
Danh sách những hãng bay đang dính nợ xấu tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022 ACV
Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng áp lực vẫn đè lên ACV khi bị gánh khoản nợ xấu hơn 2.000 tỉ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm, chủ yếu từ các hãng hàng không lớn.
Cụ thể, ACV đang phải chịu khoản nợ xấu lớn nhất từ Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá trị hơn 653 tỉ đồng, tiếp đến là khoản nợ xấu từ Công ty CP Hàng không Vietjet (hơn 635 tỉ đồng), Công ty CP Hàng không Pacific Airlines (hơn 379 tỉ đồng), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (hơn 300 tỉ đồng), Công ty CP Hàng không Mê Kông - Air Mekong (xấp xỉ 26 tỉ đồng) và các khách hàng khác.
Doanh nghiệp cũng giải thích, 2.000 tỉ đồng nợ xấu là "các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết thông tin về số tiền nợ với ACV là chính xác. Tuy nhiên, đại diện hãng khẳng định số nợ này có thỏa thuận giữa hãng với ACV và hoàn toàn không phải nợ xấu.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với một số hãng bay khác để hỏi lý do nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Tại cuối quý 2 năm nay, ACV cho biết đã dành hơn 576 tỉ đồng để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu kể trên, tương đương tăng 16% so với đầu năm.
Theo Bông Mai - Thành Chung - Theo Tuổi Trẻ
Tin nổi bật Kinh doanh